Nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng: Phải vừa có Đức, vừa có Tài

Lê Thọ Bình Thứ năm, ngày 21/03/2024 08:30 AM (GMT+7)
"Phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu", đó là những yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội Đảng XIV.
Bình luận 0

Một số cán bộ lãnh đạo thiếu gương mẫu, uy tín thấp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vị trí, vai trò của cán bộ. Người coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Theo quan niệm của Bác: Cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Vì vậy, trong mọi việc của Đảng, Nhà nước hay bất kỳ tổ chức nào, cán bộ được coi như là gốc, là nguồn, không có cán bộ thì không thể thực hiện được công việc mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.

Nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng: Phải vừa có Đức, vừa có Tài- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024- Ảnh: TTXVN

Nhìn chung đội ngũ cán bộ nước ta có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao...

Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: Đội ngũ cán bộ hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu vẫn xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực...

Không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế.

Đáng chú ý hơn, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật.

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.

Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Có tình trạng cán bộ làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự.

Vì vậy, việc lựa chọn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao phải hết sức thận trọng và chặt chẽ. Trong bài phát biểu của mình, ngày 13/3, tại Phiên họp của Tiểu ban nhân sự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, việc lựa chọn cán bộ phải trung thực, trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”.

Người đứng đầu Đảng ta cũng chỉ rõ cần loại bỏ những cán bộ “có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách... 

Cũng cần chỉ rõ, loại bỏ cả những cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”.

Chọn cán bộ vừa có Đức vừa có Tài

Một trong những chỉ đạo xuyên suốt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc lựa chọn cán bộ cho Ban Chấp hành TƯ khóa XIV là những người “có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm". 

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, cán bộ còn phải có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tụy với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi. Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện; có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể, rõ rệt; đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng: Phải vừa có Đức, vừa có Tài- Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ngày 13/3/2024. Ảnh: TTXVN

“Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc; “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”- Tổng Bí thư nhấn mạnh

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự Đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn, vì nó liên quan đến con người, là “công tác con người”.

“Nhưng con người cũng có đủ thứ chứng tật không lành mạnh, nói ra rất tế nhị, nhạy cảm (nhận xét, đánh giá nhau thế nào, nhất là nói về nhược điểm, khuyết điểm của nhau; bố trí, sắp xếp vào đâu? Liên quan đến danh dự, chế độ, chính sách hưởng thụ, chức vụ cao, thấp, lợi ích, bổng lộc... so sánh với người khác thế nào ?

“Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly”, “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu”, vấn đề này vô cùng phức tạp, nhạy cảm, rất dễ phát sinh vấn đề, tâm tư day dứt, gây mất đoàn kết”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Vì vậy công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan. 

“Đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu. “Khen cho con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chốt lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem