Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 1.

 

NSNA Tăng A Pẩu: Việc tôi "tránh Covid-19 trong rừng già" hơn 5 tháng qua là một câu chuyện dài. Tôi đi chụp ảnh thú rừng trong VQG Cát Tiên, rồi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Và tôi… đã ở trong trạng thái của "Robinson".

Lúc đầu dự định của tôi là ở lại rừng một tuần - một đợt giãn cách xã hội thôi. Chẳng ngờ Covid-19 làm tăng thêm một đợt, một đợt, rồi lại một đợt nữa… Với số tiền mang theo, ban đầu tôi nghĩ mình chịu được. Thậm chí vẫn chơi sang được. Nhưng sang tháng tiếp theo thì tôi phải tính toán để bớt hao tổn kinh phí, vì việc bị Covid-19 giam trong rừng có lẽ còn dài. Ngoài tiền ăn, tiền ngủ, tiền xe cộ, tôi còn khoản phải chi cho phụ tá nữa, đi một mình trong rừng sâu thì rất nhiều rủi ro.

Các bức ảnh của ông về đàn bò tót, nai rừng, chú nhím thơ ngây, mẹ con lợn rừng hạnh phúc giữa thiên nhiên tuyệt bích, các loài chim hoãng dã… Rồi cây cổ thụ, cảnh đẹp ru hồn. Tự các bức ảnh đã nói lên tất cả. Không cần cả chú thích cho ảnh nữa. Điều gì hấp dẫn ông, dù ông kẹt ở đó hơn 150 ngày?

- Vẻ đẹp của rừng, cả những con thú bất chợt nhảy ra hết sức thơ ngộ, đều được tôi nỗ lực ghi hình làm sao để toát lên sự nhân văn vốn có của thiên nhiên. Để làm được điều đó, thì tôi đã phải: Đi, đi, và đi. Đang ăn thì ăn cho nhanh, đang ngủ ngủ cho nhanh để leo lên xe và đi, đến chỗ nào xe không vào đuợc nữa thì đi bộ. Ròng rã 5 tháng trời như thế. Kể cả có thể đi dưới những cơn mưa trắng trời. Khi nắng thì không… có gì để nói. Bởi quá đẹp. Song, nắng có cái đẹp của nắng, mưa nó lại có vẻ đẹp của mưa. Cố gắng mà đi! Trong những lần đi đó, có những khoảnh khắc rất ngẫu nhiên.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 2.

Tôi lại quay trở về câu hỏi của bạn: tại sao tôi có những tấm ảnh đó? Sao mọi thứ ở cự ly gần và "thật" đến như vậy.

Câu trả lời sẽ làm bạn bất ngờ: Con người hay con thú cũng… thế thôi! Tôi thấy "suy nghĩ" của con thú cũng có nhiều nét giống như con người. Mưa, thú không ra. Dưới nắng chiều rực rỡ, loài thú cũng sẽ có những phản ứng tuyệt vời với sinh cảnh. Hoặc chiều chạng vạng, trời đã tắt nắng thì loài thú sẽ xuất hiện một cách ngẫu nhiên hay sẽ theo quy luật - tìm một chỗ để nghỉ đêm và không hoạt động nữa. Tôi cũng nhận ra rằng hoang thú có những tương tác thú vị với đủ cảm xúc: Sáng nắng, chiều mưa, đêm tối mịt mù.

24/24 giờ, dù ngày hay đêm, rừng đều có thú. Ban đêm dễ gặp nhím hơn. Vào mùa trái cây dại chín rụng, loài thú rất hào hứng. Tôi cho đó là khoảng thời gian mà người ta có cơ hội chụp được nhiều loài thú nhất. Hoặc mùa cỏ non, hoặc một cơn mưa sau những ngày nắng - bất chợt ập đến, cỏ non bật lên thì đàn bò rừng, bò tót chắc chắn tung tăng đi ra. Dưới một cơn mưa chiều không lớn lắm, xác suất gặp được đàn bò hoang dã là rất cao.

Có những tấm ảnh tôi hoàn toàn không cắt cúp chỉnh sửa. Ảnh sắc nét đến từng sợi lông của thú rừng. Nhìn còn thấy thấy nước dãi rơi trên miệng nó, thấy cả những con ruồi bu trên cổ nó. Đôi khi có những tấm hình tôi còn phải nới ra vì bị cận cảnh quá. Con thú xuất hiện quá gần, với ống kính chụp động vật rừng, tôi không có thời gian lùi lại chọn góc để chụp được toàn thân con thú.

Tôi mô tả thế để nói rằng, ở Việt Nam ta, tôi vẫn thường tiếp cận với thú rừng quý hiếm ở khoảng cách gần như vậy.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 3.

Ông chụp bò tót, những con vật được coi là có sức mạnh, lắm lúc là dã thú với bầy đàn rất đông, lại ở cự ly rất gần, liệu có gì nguy hiểm không?

- Có khi, tôi còn tìm cách xua chúng đi để chụp tư thế khác, hoặc cũng đề phòng nó hiểu lầm tấm lòng của mình mà quay ra... tấn công. Khi tôi tìm cách đuổi, nó cứ đứng đó nhìn tôi. Những clip tôi quay được cảnh con nai đang giậm chân, đang làm làm đủ trò để dọa mình. Đó là vẻ đẹp thơ ngộ của bầy nai, ai từng chứng kiến sẽ suốt đời không quên được. Tôi cảm giác nó muốn nói: Đây là giang sơn của ta. Nó giậm chân, cũng có thể nó muốn thị uy, vì bên cạnh nó còn có một đứa con thơ ngây bé nhỏ mà nó phải trông chừng.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 4.

Nhiều con bò, tôi bất chợt gặp nó trong tư thế bất ngờ. Nó khựng lại. Tôi cũng khựng lại. Hai bên bắt đầu gườm gườm mắt nhìn nhau, xem "đứa này" có "xử lý" "đứa kia" không. Rồi hai chân nó hơi cào cào, bắt đầu "căng" hơn là nó giậm chân. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu nó giậm chân nhiều hơn, mạnh hơn là nó muốn lao về phía mình rồi đấy. Song, có thể nó đang suy nghĩ là có nên lao vào không vì có vẻ mình cũng lợi hại súng ống (ống kính, máy ảnh) có thể chống lại hoặc gây nguy hiểm cho nó.

Tôi luôn băn khoăn tự hỏi, nó đang coi mình là bạn hay là thù? Đây là câu hỏi mấu chốt để tôi quyết định sẽ hành động ra sao. Nó ngoắt ngoẻo rồi hơi lắc cái đầu, hơi gập cái chân, bắt đầu có những giọt nước dãi nhểu xuống. Rồi những con xung quanh lại nhìn nó, có vẻ chúng đang phân tích tình huống - xem con thủ lĩnh quyết sách ra sao. Nếu có tấn công là sẽ tấn công đồng đội. Tôi luôn tính phương án lui, phải có kế hoạch bỏ chạy, núp vào cái gốc cây to, trèo lên đó hay là lăn xuống cái hố chẳng hạn.

Thực ra tôi không sợ hãi lắm. Vì tôi luôn nghĩ rằng trông mình lành thì nó cũng sẽ lành thôi. Hy vọng là nó nhìn thấy cái mặt mình cũng hiền (cười).

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 5.

Bí quyết cầm máy trong rừng của ông là gì?

- Nó như một sự lập trình sẵn. Tôi tìm những góc chụp thế nào; tôi đi vào cánh rừng nào và chụp cái gì. Trong các phương án tìm tòi đó, bao giờ tôi nghĩ đến cộng đồng - tôi muốn ghi nhận điều gì. Tôi quan sát và ngầm đưa ra những kịch bản. Giả sử trong cánh rừng tuyệt mỹ này, trong buổi chiều ven sáng đẹp như thế này, giả sử có một con nai cái chạy ra, rồi một con nai đực đi hộ tống. Lại có một con nai con lũn chũn bám đuôi bố mẹ. Rồi bỗng dưng có một đàn chim bay theo đậu trên lưng nai. Tôi luôn luôn có những kịch bản trong đầu. Những kịch bản đó trong một nghìn lần sẽ có một lần diễn ra. Thế là trúng.

Có nghĩa là tôi sẽ ghi được tấm ảnh đẹp nhất, xúc động nhất và được cộng đồng chú ý nhất. Để rồi trong họ dấy lên cảm xúc thương yêu muôn loài hơn. Đó là mong muốn cấp độ 1. Tôi còn hy vọng sẽ ít nhiều tác động đến những tay chuyên đi giết thú để bán và ăn thịt ấy, hy vọng truyền được cảm xúc nhân văn của tấm ảnh, để may ra họ nhìn vào đó, thấy chút xúc động và từ bỏ những hành vi phá huỷ thiên nhiên, giết thú, tàn sát chim trời.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 6.

Nói thật là 5 tháng đổ dầu vào ô tô để khám phá các cung đường rừng, 5 tháng tiền ở, tiền ăn, tiền thuê người hỗ trợ vào rừng tác nghiệp, tốn kém vô cùng. Lại thêm đầu tư máy móc, ống kính "siêu khủng" tiền tỷ để chụp thiên nhiên như anh nữa. Nghề chụp ảnh kiểu của ông, chỉ dành cho người khá giả, giàu có thôi nhỉ?

- Không phải thiết bị tốt nhất thì sẽ cho tấm ảnh đẹp nhất. Máy tốt chỉ góp phần cho tấm ảnh chất lượng tốt nhất thôi. Một tấm ảnh đẹp nhất là có thể đi vào hồn người, lột tả được độ chân thật của bối cảnh cùng những điều mà người chụp đã nhìn và muốn truyền tải. Cho nên máy móc không phải là yếu tố quyết định.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 7.

Vào rừng, tôi không dùng đến thiết bị tốt nhất. Tôi sử dụng những thiết bị hữu dụng, cần cho mình trong bối cảnh đó nhất chứ không phải là cái cái đắt tiền nhất, hiện đại nhất để… diễn, để thể hiện. Phương châm chuẩn bị máy của tôi khi đi rừng, bao giờ cũng ưu tiên máy nhẹ nhàng nhất, gọn ghẽ nhất. Máy phải đáp ứng được trong môi trường thiếu sáng tương đối đạt - chứ không phải là hoàn hảo. Chúng ta không cần tấm ảnh có chất lượng kỹ thuật hoàn hảo nhất, chúng ta cần là hình ảnh cảm xúc nhất để làm sao truyền được cái cảm xúc đó đến người xem.

Hình ảnh nào làm ông thấy thổn thức thật sự mỗi khi nhớ lại, trong các cánh rừng với sự hiện diện của hoang thú đó?

- Tôi có bức ảnh đúng dịp Tết Trung thu vừa rồi ở VQG Cát Tiên, trong rừng già hoàn toàn hoang dã, con nai ra "múa lân" cho tôi xem. Tôi tự nghĩ là như thế vì tôi thấy hành động của nó lúc đó đáng yêu quá.

Bạn hãy tưởng tượng. Con nai đực với cái sừng khổng lồ, gục goặc quá hoành tráng. Trong 10 năm đi rừng của tôi, để gặp được con nai như thế, có khi gần như là không thể. Cho nên nhìn thấy con nai đực với cặp sừng khổng lồ đã thích lắm rồi. Đang lúc mơ màng, trên cặp sừng của chàng nai đực bỗng vướng vào một bụi cây dại. Nai vùng ra, thì "bế" cả cụm cây, cả tán lá xanh lên trên cặp sừng. Cứ thế xùm xòa đi tiếp. Tất nhiên chàng nai không đủ "tháo vát" để gỡ cái cành cây đó ra - theo cách nghĩ của tôi, người chứng kiến cảnh đó. Nó "diễu hành" qua trước mặt tôi, vào cái lúc tôi đang rình để chụp ảnh ở cự ly rất gần. Nó thơ ngây, hồn nhiên và ngốc nghếch nữa, nó đi rùng rùng như một nghệ sỹ đang múa lân giữa rừng. Mà khán giả chỉ có mình tôi!

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 8.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 9.

Thậm chí, tôi đã gặp một đàn bò tót ở khoảng cách có 10m. Gần lắm. Có thể nghe được cái hơi thở của nhau ấy! Đây là những tình huống được gọi là nguy hiểm vì nó sẵn sàng lao vào mình. Nhưng bò tót hay các loài "dã thú", chúng chỉ tấn công cảm thấy nguy hiểm. Tôi đã nín thở bấm máy. Tôi cũng gần đến mức, không lùi xa hơn để chụp được toàn cảnh con hươu đực. Chỉ chụp được một nửa cặp sừng của nó.

Vừa rồi, tôi chụp một con nhím, một con heo rừng ngay sau lưng tôi, chỉ cách 7m. Nó núp trong bụi cây mà tôi không hề hay biết. Tôi đang chờ con nhím thì nhím cũng đang chờ tôi rời khỏi đi để nó ra ăn trái cây nào đó vừa rơi xuống. Hai mục tiêu khác nhau và hai sự tức tối khác nhau. Mình tức tối vì chờ lâu quá mà con nhím không chịu ra. Con nhím lại chờ lâu quá mà mình chưa chịu rời đi để ra kiếm lũ quả chín ngon lành mới rơi xuống góc rừng.

Lợn rừng thì khi tức tối, chúng hay tấn công người với sức mạnh bất cứ ai cũng phải bất ngờ. Tôi đã rùng mình khi phát hiện ra mình bị lợn rừng theo dõi mà không biết. Bình tĩnh lại, tôi đoán, lợn rừng đang thắc mắc: "Sao anh tới đây, sao anh ngồi cả một buổi tối mà không chịu đi?". Nó khè lên cái tiếng gì dữ tợn lắm. Nó phì ra hồng hộc. Một tiếng động rất kỳ lạ và dữ tợn. Có lẽ ít ai ghi nhận được âm thanh đó. Lúc ấy, tôi đã thật sự hoảng loạn. Bạn sẽ sợ như tôi, nếu bạn từng nghe chuyện lợn rừng tấn công người hung tợn tới cỡ nào…

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 10.

Tăng A Pẩu từng phá sản, thất nghiệp, nay đây mai đó kiếm sống; đang ở "vũng lầy" của cuộc đời thì bỗng chốc gặp thời, làm ăn phất lên như diều gặp gió. Đang tận hưởng thành quả sau những ngày nhọc nhằn thì bác sĩ thông báo ông còn cách… thần chết chưa đầy một năm vì ung thư gan. Sau phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính, Tăng A Pẩu quyết định một cuộc sống mới: Sắm máy ảnh, ba lô con cóc vào rừng. Cứ thế, ông sống với thiên nhiên, miệt mài và chân thành. Mẹ thiên nhiên cũng giúp ông quên nỗi ám ảnh thời gian chỉ còn tính bằng ngày. Để rồi, thần chết bỗng dưng quên… "lịch hẹn" với ông, và 15 năm qua A Pẩu vẫn khỏe mạnh, thơ thới, hồn nhiên. Có lúc ông rưng rưng bảo, việc mình "sểnh ra là vào rừng", cũng chính bởi cái ơn cứu mạng mà mình đã nhận được từ sự kỳ diệu của thiên nhiên.

Ai yêu thiên nhiên hoặc ai cầm máy chụp động vật đều muốn được tiếp cận chúng gần như Tăng A Pẩu. Vậy xin hỏi đâu là cách để ông làm được điều đó?

Tôi nghĩ không nên truyền tải rộng rãi cách tiếp cận chúng cho cộng đồng. Không ít thợ săn vi phạm luật đang có khát vọng tiếp cận thú rừng quý hiếm được như tôi. Họ có khi cũng đang đọc báo, đọc mạng xã hội, và chỉ chờ tôi hoặc ai đó hớ hênh nói bí quyết là lập tức học ngay. Họ ở gần con thú nào, con thú đó bị bắt giết.

Nhiều thợ săn sẽ không thể hiểu tại sao tôi có thể đến gần con nhím đến nỗi chụp ảnh nó - được cái đầu thì mất cái đuôi. Có người hỏi tôi là đây có phải là nhím nuôi không? Tôi chỉ là lời anh nhìn video do tôi quay, nhìn bối cảnh, nhìn vào gương mặt của con nhím đi. Nhím rừng và nhím nuôi khác nhau hoàn toàn về thân hình, về độ mượt của cơ thể.

Tôi chưa được thấy người ta nuôi nhím, chưa từng nhìn ảnh chụp nhím nuôi. Nhưng có lần tôi lướt qua một chỗ nuôi hay nhốt nhím nào đó, tôi thấy nó xơ xác, không hoàn hảo. Thiên nhiên bao giờ cũng trau chuốt hơn; con công, gà rừng hay nai rừng, chúng hoàn toàn khác với đồng loại được nuôi. Cũng giống như con người, khuôn mặt những người bị nhốt trong 4 bức tường hoặc bị tù đày khác với gương mặt sảng khoái của một người được tập thể dục, hít khí trời đầy đủ.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 11.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 12.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 13.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 14.

Ông có bao giờ nghĩ các tác phẩm nhiếp ảnh của ông rất có ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên không…?

- Tôi đã có kế hoạch trong đầu từ lâu. Cuộc sống của mình nó hạn hữu, nó vô thường. Thân mình đủ ăn, đủ mặc, mình cầm máy ảnh vào rừng. Vậy thì, mình vào rừng để làm gì và mình chụp ảnh để làm gì? Đương nhiên nó có những cái mục tiêu sắp sẵn trong đầu và có những kịch bản khá rõ ràng.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 15.

Tôi cho rằng tôi cứ đi sưu tầm, cứ đi chụp và ghi nhận thật nhiều. Sáng nắng chiều mưa, một chú sóc đang ăn trái sung, một chàng nai đực "múa lân" với các tán cây dại mắc trên cặp sừng khổng lồ, một đàn lợn rừng thương mến, một đàn bò tót trong mưa... Tôi cho đó là một bộ sưu tập. Đến một lúc nào đó tôi sẽ đưa ra công chúng. Tôi hy vọng về một triển lãm quy mô như đã từng làm trước đây. Triển lãm về động vật rừng Việt Nam tôi cũng đang ấp ủ. Đáng buồn là, nhiều loài vẫn chưa bị ghi nhận là tuyệt chủng, nhưng tìm mãi tìm hoài vẫn… không thấy nữa.

Có phải ý ông là ông đang tuyệt vọng?

- Tôi vẫn đi, bất kể nắng, mưa, chiều, tối. Tôi vẫn lao vào rừng để hy vọng tìm được một loài thú nào đó đã biến mất khỏi rừng Việt Nam. Biết đâu tôi sẽ tìm thấy và chụp được chúng, để hạ quyết tâm đầu tư, dụng công bảo tồn được chúng. Nhưng, tôi đã đi rừng hơn 12 năm mà không thể tìm thấy gì hơn ngoài những con chồn, sóc, nai, lợn rừng, bò tót. Vài con quý hiếm thì hi hữu lắm mới gặp. Chúng tôi băng qua cánh rừng đã bị cạo trọc lóc. Tôi cũng muốn truyền tải hình ảnh đó để người ta xem và thấm thía.

Tôi đang mơ một con gấu ở trong rừng ở trạng thái hoàn toàn tự nhiên. Hoàn toàn hoang dã. Tôi vẫn đang đi tìm, nhưng có lẽ một ngày nào đó, tôi sẽ không đi tìm nữa. Vì không thể. Và kết luận ở buổi triển lãm là không thể tìm được các con gấu, con hổ, con beo đó ngoài tự nhiên nữa. 

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 16.

Tôi vẫn chưa rõ lắm, nguồn cơn nào đã khiến ông gắn với "công việc" này những mười hai năm?

- Tôi làm những gì có thể làm được. Tôi nghĩ mình làm được gì hữu ích cho đời thì làm. Ông trời cho tôi có nhiều thời gian, tôi có cơm ăn và có một ít tiền để đổ dầu cho xe ô tô vận hành...

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 17.

Thay vì đi dự những buổi tiệc sinh hay nhật đám này đám nọ, thì tôi dùng thời gian đó để vào rừng. Vào với rừng, tôi cũng đổi bằng những hy sinh, tôi mất rất nhiều mối quan hệ xã hội trong hơn 10 năm nay. Giờ cũng không ai mời tôi đi tiệc. Nhưng bù lại, tôi được những cộng đồng khác lớn hơn - là cộng đồng xã hội giao tiếp với nhau bằng mạch thông tin. Và tôi muốn gắn kết họ lại, từ những anh nhà khoa học, những anh bảo vệ chim hoang dã, nhà báo... đến những homestay. Kết nối, không phải lúc nào cũng được như ý, song tôi luôn cố gắng làm sao cho nó thành một vòng tròn trịa nhất.

Đó là lý do vì sao tôi có thể giới thiệu các Phóng viên Dân Việt với nhóm này nhóm kia, tôi giới thiệu các bạn vào nhóm bảo vệ chim trời, chống lại nạn săn bắt thú hoang và tàn sát rừng già. Cuối cùng là gì, là tác phẩm công phu, dài kì của các bạn đã ra đời, tạo ra những thông điệp truyền tải đến cộng đồng rằng, không ít hành động chúng ta đã và đang đi ngược lại chân lý đầy tính nhân văn của loài người. Tôi muốn kết nối, kiến nghị, để chúng ta cùng phải lên án mạnh mẽ các bất cập sai trái đó.

Tôi cần đồng đội, để các giới, ngành tương hỗ với nhau, vì mục tiêu lương thiện chung.

Là "tay máy" nổi tiếng, đóng góp lớn vào sách ảnh về các loài chim hoang dã ở Việt Nam và tham gia nhiều diễn đàn bảo vệ chim trời. Ông từng bất bình kể về những người chụp ảnh chim theo cách… hại chim hoang dã, quý, hiếm ở Việt Nam?

- Người ta đi bắt các loài chim hoang dã, quý hiếm về cho "nhiếp ảnh gia" sáng tác. Những tấm ảnh nhìn sướng con mắt lắm, nhưng khổ "nhân vật" (các loài chim trời). Đôi khi họ đã làm tổn thương và khiến con chim bị chết sau đó.

Có những người chỉ tham sở hữu một bức ảnh, và họ sẵn sàng đặt tiền để mua con chim thuộc hàng quý hiếm bậc nhất Việt Nam về chụp. Có người chỉ chụp con chim đó một lần rồi mang thả nó về tự nhiên - về chính cánh rừng mà con chim đó bị bắt ra. Tôi đã từng đi với họ, họ mời tôi chứng kiến việc thả những con chim đó. Điều này làm tôi rất buồn.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 18.

Ông đã hành động vì nhiều lẽ, trong đó có một lý do quan trọng: Tình thương xót, nỗi lo, trách nhiệm dành cho số phận các loài thú rừng ở Việt Nam.

- Thú rừng Việt Nam bi thương lắm. Tôi từng chứng kiến những con heo rừng chỉ còn 3 chân thôi. Nó đi cà thọt, liêu xiêu trong rừng. Có lẽ là nó dính bẫy của thợ săn. Rồi những con nai cũng đi liêu xiêu. Mà số lần tôi gặp thú bị thương cứ tăng lên theo cấp số nhân.

Đôi khi tôi gặp cả những con chim bị thương tật thê thảm nữa. Tôi từng viết về những vị nhiếp ảnh gia lừng lẫy, gia cảnh đầy đủ, sống ở nước ngoài, họ về Việt Nam, thuê người đi bắt những chú chim rồi nhồi nhét, o ép chúng uốn éo để chụp ảnh. Bất chấp hậu quả. Sau những buổi setup, con chim bị gãy chân và có thể chết. Những bức ảnh đó chỉ đẹp về tính thẩm mỹ, như một kiểu đánh lừa thị giác - chứ đằng sau nó không có một câu chuyện gì để kể.

Có thể thấy rõ nếu không vì yêu rừng, mang ơn rừng thì ông đã không lăn lộn chừng ấy năm với rừng; đã không tìm mọi cách để cảnh tỉnh thái độ của loài người với rừng. Nhưng cũng vì tình yêu đó, mà rừng còn đem đến cho ông nhiều cảm giác đôi khi bất bình và tuyệt vọng đấy thôi?

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 19.

- Mọi người cũng biết, sếu đầu đỏ hiện nay ở Việt Nam ta hầu như không còn. Tức là chúng không quay về Việt Nam nữa. Vài năm gần đây chỉ có một vài con lảng vảng ở Vườn Quốc gia Chàm Chim thôi. Đấy là do lỗi của tất cả chúng ta chứ không đổ thừa cho cá nhân nào, tất cả đều có lỗi. Thậm chí có quá nhiều loài biến mất khỏi trái đất là 100% do lỗi của tất cả loài người. Vô tình hoặc cố ý, chúng ta quá dửng dưng trước sự tồn vong của một loài. Việc sếu đầu đỏ biến mất khỏi Việt Nam là thảm họa được báo trước, ít nhất khoảng 10 năm trước người ta đã thông báo rồi.

Khoảng 30-40 năm trước, đàn sếu có hàng nghìn con ở Việt Nam, Campuchia. Nhưng bây giờ cả Việt Nam và Campuchia cộng lại cũng chỉ còn 150 cá thể. Cách đây 7 năm khi sếu giảm xuống còn 500 con, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nó đã rơi vào ngưỡng tuyệt chủng, tại vì 500 con là đã bắt đầu bước chân vào cái cửa tuyệt chủng rồi.

Khi ấy, tôi còn đến chụp ảnh sếu ngủ bên bờ tường của nhà máy xi măng, ở đó có hồ nước ngọt. Nó ngủ chân ngâm xuống nước. Sau nó không ngủ ở Việt Nam nữa vì người ta đã lấp mất cái hồ nước rồi. Không phải nguồn nước nào sếu cũng uống, mà chúng tự chọn cho mình một nguồn nước. Và chúng đã chọn Việt Nam, ăn ở Việt Nam, đẻ ở Việt Nam. Nhưng chính chúng ta đã xua đuổi khiến chúng phải bay về Campuchia, sang về biên giới Thái Lan để đẻ. Ở đó có những người tu hành bảo vệ nó.

Chúng ta quá hờ hững với thiên nhiên, và từ cái sự không nghiêm túc đó, trong bộ não của chúng ta, đã bỏ qua quá thứ lẽ ra cần gìn giữ. Chúng ta cố tình không nhìn thấy sự tuyệt chủng của đàn sếu đầu đỏ, chứ không phải chúng ta không biết hay làm được đâu. Cũng như chúng ta đã cố tình không nhìn thấy sự tuyệt chủng của bầy sao la, bầy gấu.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 20.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 21.

Tôi đã từng giả định tôi là người đi bắt giữ và xử lý các vi phạm liên quan đến bắt, bẫy, buôn bán, giết chóc chim thú hoang. Nhưng người ta ngăn cản tôi ngay từ đầu. Họ bảo, thôi ông ơi, ông nghỉ đi, vớ vẩn.

Bây giờ, nếu chúng ta có hàn gắn, có vá lại thì hãy vá sự thiếu sót trong đầu của chúng ta trước. Phải sửa luật cho thật sát với thực tiễn, phải nâng cao đạo đức công vụ. Phải xử lý vấn đề một cách thật tâm.

Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện tâm huyết!

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 22.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 23.

Nhà nhiếp ảnh Tăng A Pẩu: Hơn 150 ngày trốn COVID-19, vác máy ảnh đi làm Robinson  - Ảnh 24.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem