Nguyễn Văn Thành- Vị doanh nhân “hô biến” rong biển thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia (bài 2)

Vũ Thị Hải Thứ hai, ngày 12/04/2021 09:48 AM (GMT+7)
Khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ, ông chủ của Công ty Long Hải đã đưa ra một nước cờ đầy táo bạo và liều lĩnh để cứu ngành thạch rau câu Việt Nam khỏi rơi vào tay Trung Quốc.
Bình luận 0

Bài 2: Nước cờ cứu nguy ngành sản xuất thạch rau câu và ngành mía đường trong nước

Ông Thành nhớ lại, năm đó, khi thị trường ngày càng mở rộng và được người tiêu dùng chấp nhận, sản phẩm thạch rau câu đã tạo ra sức hấp dẫn đối với tất cả những nhà nhập khẩu và các nhà sản xuất trong nước. Cũng chính vì thế, các đơn vị kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu thạch rau câu nở rộ như nấm sau mưa, tạo nên một thị trường hỗn độn cả về chất lượng và giá cả.

Đáng lo lắng nhất là, ngành hàng này đứng trước nguy cơ rơi vào tay các nhà nhập lậu từ Trung Quốc vì sản phẩm của họ giá thành chỉ bằng 2/3 so với giá thành của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Nguyễn Văn Thành- Vị doanh nhân “hô biến” rong biển thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia (Bài 2) - Ảnh 1.

Hình ảnh sản phẩm của thạch rau câu Long Hải.

Cả nửa năm trời, Thạch rau câu Long Hải nói riêng và sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung không bán được sản phẩm của mình. Hệ lụy là nhiều lao động bị mất việc làm, kéo theo nguồn nguyên liệu nông sản như rong biển, hoa quả của người nông dân làm ra bị ứ đọng, không tiêu thụ được.

Trăn trở trước những thách thức, nguy cơ mất thị trường đang bày ra trước mặt, ông chủ của Công ty Long Hải đã quyết định đi một nước cờ đầy táo bạo và liều lĩnh. "Để cứu ngành thạch rau câu Việt Nam khỏi rơi vào tay Trung Quốc, tôi đã quyết định thu hồi toàn bộ sản phẩm của mình trên thị trường và trả lại tiền cho các cửa hàng tạp hoá và các nhà phân phối đã mua sản phẩm của Long Hải nhưng chưa bán được cho người tiêu dùng"- ông Thành nói.

Ông giải thích thêm, sở dĩ ông quyết định làm điều này là để tạo ra khoảng trống lớn cho thị trường,  để cho sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ của Trung Quốc lấp đầy. "Sau khi sản phẩm của Trung Quốc đã lấp đầy thị trường là lúc, Thạch rau câu Long Hải tiếp tục chấp nhận lỗ, đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá tức thời với mức giá tương đương giá của sản phẩm Trung Quốc nhưng chất lượng vượt trội hơn rất nhiều"- ông Thành nói tiếp.

Nguyễn Văn Thành- Vị doanh nhân “hô biến” rong biển thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia (Bài 2) - Ảnh 2.

Thạch rau câu KIMIKO sản phẩm mang phong cách Nhật Bản của Công ty TNHH Long Hải hiện rất được ưa chuộng trên thị trường.

Quả nhiên, quyết định của Long Hải đã có tác động lớn đến thị trường. Sau gần một năm kiên trì chính sách khuyến mại, chiếm lĩnh thị trường, Thạch rau câu Long Hải đã phát triển rực rỡ trong khi Thạch rau câu của Trung Quốc hết hạn sử dụng mà không thoát ra được thị trường. Trước kia, khi thị trường gặp khó khăn, Long Hải đã chủ động thu hồi sản phẩm, trả lại tiền cho khách hàng tạo niềm tin cho khách hàng.  Đến nay, sản phẩm của Trung Quốc hết hạn sử dụng, không bán được nhưng không có ai thu hồi sản phẩm vì sản phẩm trôi nổi tạo thiệt thòi lớn cho khách hàng, cho các đại lý và các nhà phân phối. "Sự khác biệt đó đã làm cho sản phẩm của Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng trên thị trường Việt Nam đó đến nay"- ông Thành chia sẻ.

Sau thành công của "tuyệt chiêu" đó, ông chủ của Long Hải lại rút ra được bài học: cạnh tranh là động lực để phát triển. Vấn nạn hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc qua đi, thị trường nhanh chóng được mở rộng, quy mô tiêu thụ cũng theo đó mà tăng lên.

Thạch rau câu Long Hải cùng các nhà sản xuất trong nước lại nhộn nhịp sản xuất trở lại. Người lao động có việc làm , đồng thời  tạo ra hàng chục ngàn việc làm ổn định cho người nông dân nghèo nuôi trồng rong sụn ở các tỉnh Ninh Thuận, Khách Hoà, Phú Yên và Bình Đình ổn định cuộc sống và cũng tạo điều kiện cho làng nghề lên men nước dừa thành nhân thạch dừa của hàng nghìn hộ nông dân Bến Tre phát triển. 

Ông Thành cho biết, việc sử dụng thạch dừa vào chế biến nhân Thạch rau câu cũng là một câu chuyện tình cờ, xuất phát từ ý tưởng của Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Nguyễn Văn Thành- Vị doanh nhân “hô biến” rong biển thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia (Bài 2) - Ảnh 3.

Bến Tre là vùng đất của dừa, với nguyên liệu vô cùng phong phú. Long Hải đã nghiên cứu và chế biến thành công thạch dừa làm nhân thạch rau câu- một sản phẩm mới, độc đáo, hiện nay được người tiêu dùng ưa chuộng.

Vốn gốc quê Bến Tre, trong một lần tiếp xúc với doanh nghiệp, bà Bí thư tỉnh ủy gợi ý, Bến Tre là vùng đất của dừa, với nguyên liệu vô cùng phong phú, doanh nghiệp có cách nào để chế biến, nâng giá trị của dừa, biến quả dừa thành nguyên liệu chế biến thạch rau câu với giá trị kinh tế hay không? Làm được như vậy sẽ giúp được rất nhiều người dân Bến Tre có việc làm, tiêu thụ được sản phẩm.

Từ gợi ý của một vị lãnh đạo có tâm huyết với quê hương, ông chủ của Thạch rau câu Long Hải đã cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư nghiên cứu, chế biến thành công thạch dừa làm nhân thạch rau câu- một sản phẩm mới, độc đáo, hiện nay được người tiêu dùng ưa chuộng.

Việc sử dụng thạch dừa làm nhân thạch rau câu đã góp phần quan trọng trong định hình làng nghề, góp phần bảo vệ môi sinh, môi trường cho người dân Tỉnh Bến Tre.

Câu chuyện sử dụng đường nguyên liệu của Thạch rau câu Long Hải cũng khiến chúng tôi cảm động.

Ông Thành chia sẻ, hàng năm công ty Long Hải sử dụng hàng chục ngàn tấn đường để chế biến Thạch và Nước rau câu. Mặc dù sử dụng sản lượng đường lớn như vậy, nhưng Long Hải luôn kiên định sử dụng  đường kính trắng Nghệ An 5* là loại đường có giá thành cao nhất tại VN.

Chia sẻ với Dân Việt, ông chủ thạch rau câu Long Hải bộc bạch, doanh nghiệp của ông trung thành với sản phẩm đường của công ty này vì lý do rất đơn giản: công ty đường Nghê An có chế độ an sinh tốt cho người nông dân vùng trồng mía.

"Nhiều doanh nghiệp chào mời chúng tôi đường nhập khẩu từ Thái Lan, chất lượng tương đương đường kính trắng Nghệ An 5*, giá bán thấp hơn từ 7 -10%, nhưng chúng tôi kiên quyết từ chối sử dụng chỉ với lý do duy nhất: không vì lợi ích của cá nhân doanh nghiệp mình mà quên đi lợi ích của nền sản xuất trong nước và lợi ích của người nông dân một nắng hai sương trồng mía"- ông Thành nói.

Nguyễn Văn Thành- Vị doanh nhân “hô biến” rong biển thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia (Bài 2) - Ảnh 4.

Long Hải trung thành tiêu thụ sản phẩm đường 5* Nghệ An với giá cao hơn đường nhập khẩu, chấp nhận giảm lợi nhuận từ chi phí nguyên liệu đường đầu vào để hỗ trợ ngành sản xuất mía đường trong nước và người nông dân trồng mía.

Vị giám đốc doanh nghiệp phân tích, với giá nhập vào thấp hơn 7-10%, mỗi năm công ty của ông có thể tiết kiệm chi phí đầu vào vài tỷ đồng, nhưng hàng chục ngàn tấn đường của người Việt đã bị thay thế, doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn sẽ kéo theo đời sống của người lao động trong doanh nghiệp, thu nhập của người nông dân trồng mía bị ảnh hưởng, kéo theo đó là nền sản xuất nông nghiệp trong nước bị ảnh hưởng. Chính vì lẽ đó Thạch rau câu Long Hải chấp nhận giảm lợi nhuận từ chi phí mua nguyên liệu đường đầu vào để hỗ trợ ngành sản xuất mía đường trong nước.

Cũng theo ông chủ Thạch rau câu Long Hải, tuy là giảm đi lợi ích trực tiếp nhưng đổi lại, khi nền sản xuất mía đường trong nước ổn định, người nông dân trồng mía có thu nhập ổn định thì đó lại chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty được ổn định. "Chúng tôi xác định người tiêu dùng sản phẩm thạch rau câu Long Hải trước hết là người nông dân, vì thế làm được gì để bảo vệ người nông dân, hỗ trợ nông dân cũng chính là bảo vệ khách hàng, hỗ trợ khách hàng là chúng tôi làm"- ông Thành ôn tồn nói. 

(Bài 3: Lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem