dd/mm/yyyy

Người thương binh lập trang trại tiền tỉ trên đất khô cằn

Gần 40 năm gắn bó với vùng đất Bảo Thắng (Lào Cai), thương binh Nguyễn Xuân Khánh đã vượt lên gian khó, biến vùng đất khô cằn thành trang trại tổng hợp tiền tỉ và trở thành tấm gương điển hình vươn lên làm giàu tại địa phương.

Người thương binh Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh TL

Năm 1979, sau khi rời quân ngũ, ông Nguyễn Xuân Khánh đã đưa vợ con đi xây dựng và phát triển kinh tế miền núi tại thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng. “Là thương binh 4/4, lại mang trong mình chất độc da cam loại 3 nên không thể kể hết những khó khăn trong những ngày chân ướt, chân ráo đến vùng đất mới”, ông Khánh nhớ lại.

Vợ chồng bảo ban, động viên nhau, từ vùng quê Nam Định với số vốn liếng ít ỏi dành dụm mang theo, ông Khánh cùng vợ con tích cực lao động, khai hoang đất để trồng trọt, đồng thời kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để ổn định cuộc sống. Càng khó khăn, ông càng nung nấu quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Mô hình trang trại tổng hợp Vườn - Ao - Chuồng - Rừng của gia đình ông Nguyễn Xuân Khánh.

Đến cuối năm 1986, khi có chủ trương của tỉnh giao đất, giao rừng đến từng hộ nông dân, ông Khánh nhận thấy đây thực sự là cơ hội để "thoát nghèo, làm giàu". Ông Khánh đã tính toán và cam kết với chính quyền địa phương xin nhận quản lý, sử dụng 2,5ha đất đồi hoang để trồng rừng. Do nhận thấy nguồn lợi từ trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, ông Khánh đã tập trung mọi nguồn vốn của gia đình và sự giúp đỡ của anh em bạn bè, người thân để mua thêm 7,5ha đất của 3 hộ gia đình khác để trồng 2 loại cây: 2,5ha Mỡ và 7,5ha Quế. Đến nay tổng diện tích rừng của gia đình hiện có là 10ha và đã cho thu hoạch hơn 1 tỷ đồng.

Từ năm 2003 đến 2011, gia đình ông Khánh đã chú trọng nuôi giống ngan Pháp và gà thả vườn, mỗi năm thu hoạch từ 7 – 10 tấn, lợi nhuận bình quân mỗi năm từ 80 – 100 triệu đồng. Ban đầu trên địa bàn xã Sơn Hải và các vùng lân cận chỉ có gia đình ông nuôi gà, đến nay phát triển hàng trăm hộ với quy mô nhỏ và vừa, riêng gia đình ông đã tư vấn giúp đỡ hàng chục hộ làm theo và cho thu nhập cao. Đến nay phong trào nuôi gà đã phát triển sâu rộng ở địa phương.

Năm 2012, gia đình ông Khánh đã quyết định phá bỏ 0,3ha vườn cây ăn quả kém hiệu quả để chuyển sang trồng 300 trụ thanh long ruột đỏ. Năm 2014 gia đình ông Khánh thu được 2 tấn quả, năm 2015 thu được 4 tấn quả, với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng thanh long.

Ông Nguyễn Xuân Khánh trao đổi kỹ thuật trồng cây thanh long.

Năm 2015, gia đình ông tiếp tục phá bỏ 0,2ha vải và cải tạo 0,5ha vườn tạp kém hiệu quả sang trồng 200 cây bưởi hồng đào. Đến nay cây bưởi phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao. Ngoài ra, ông còn chuyển đổi 1,3ha từ ruộng cho thu nhập thấp sang đào ao thả cá. Sản lượng cá hằng năm từ 10 – 12 tấn, cung cấp cho thị trường, góp phần phát triển kinh tế gia đình và bình ổn giá cả tại địa phương.

Ông Khánh cùng gia đình đã luôn vượt khó vươn lên, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hằng năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập từ 250 triệu đến 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm theo mùa vụ cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 150.000 đồng/ngày/người.

Gần 40 năm với biết bao gian nan, gia đình ông đã thu trái ngọt từ giọt mồ hôi và đất. Hiện nay trang trại của ông trở thành nơi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của rất nhiều nông dân từ các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang để từ đó giúp cho nhiều nông dân vươn lên làm giàu.

Lệ Hằng