dd/mm/yyyy

Người nghĩ khác ở Đồng Chum

Từ một con bò ban đầu, đến giờ ông Lường Văn Sương (1974) ở bản Nà Lốc, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã "biến" thành trăm con bò. Không cam chịu đói nghèo, ở nơi khó khăn bậc nhất xứ Mường, ông Sương đã dám nghĩ, dám làm, biến đất hoang thành vàng.

Trời xứ Mường mưa ngút ngàn khiến chặng đường từ thành phố Hòa Bình đến trang trại của ông Sương thêm phần xa ngái. Tuyến đường này, ai đã đến không muốn quay về, người ra không muốn trở lại. Với cả nghìn khúc cua tay áo khiến việc giao lưu giữa Đồng Chum với trung tâm tỉnh lị thêm phần xa ngái. Ấy vậy mà khi gặp ông Sương- người đàn ông dân tộc Tày đã bước sang tuổi ngũ thập tri thiên mệnh lại không coi cái sự xa ngái đó ra gì. "Có đường đi như hiện nay là sướng lắm rồi. Bà con người Tày, người Dao nơi đây, bao năm sống tự cung, tự cấp. Mấy năm gần đây, việc đi lại đã dễ dàng hơn nhiều rồi". Ông Sương có dáng người to đậm, thân hình chắc như cây lim, cây nghiến ở trên rừng. Giọng nói hào sảng đúng chất người miền núi, chẳng bao giờ ngại khó, ngại khổ.

Người nghĩ khác ở Đồng Chum - Ảnh 1.

Từ một con bò ban đầu, đến nay ông Lường Văn Sương (bản Nà Lốc, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã có đàn bò hơn một trăm con. Ảnh: Xuân Tuấn.

Vua bò nơi miền sơn cước

Ngôi nhà xây kiên cố của ông Sương nằm cạnh đường cái, nhìn ra cánh đồng lúa xanh mướt. Vừa gặp chúng tôi, ông Sương tay bắt mặt mừng như đón người thân đi xa lâu mới về. Tính cách của bà con người Tày là vậy, người ở bất cứ đâu đến nhà mình thăm đều được tiếp đón như thượng khách. Vẫn cái giọng lơ lớ đầy chất thân tình của người dân miền núi, ông Sương mở lời: "Trại ở trên núi, cách nhà tôi khoảng 2km. Con đường đó cũng do tôi mở đấy, có đường, có điện mới đánh thức được đồi hoang nhà báo à".

Mời chúng tôi ngồi lên chiếc xe ô tô 2 cầu đời mới, trị giá hơn tỷ đồng, ông Sương chở chúng tôi lên thăm trang trại. Trời vẫn đổ mưa sầm sập, như những năm trước đây lên trang trại của ông là chỉ có đường đi bộ, nay xe chạy một mạch đến tận nơi. Cách đây chục năm, ông đã mạnh dạn mua máy xúc rồi thuê người lái, mở đường vào nơi thâm sơn cùng cốc làm trang trại. Giữa bốn bề mây núi, trại bò của ông Sương hiện ra trong làn sương mờ ảo. Tiếng mõ bò kêu lốc cốc, đều đặn kéo thành chàng dài như bản nhạc giao hưởng của núi rừng, xua tan cái vẻ tĩnh mịch nơi miền sơn cước. Từng đàn bò nối đuôi nhau đi ăn bên sườn núi. Cạnh đó còn có khu chuồng rộng gần nghìn m2 do ông Sương vừa xây dựng. Mấy chục con bò mẹ ở trong chuồng ung dung ăn cỏ băm sẵn. Con nào con nấy béo mầm. Xung quanh chuồng là 5ha cỏ voi tốt um. Chúng là nguồn dự trữ cho đàn bò trong những ngày đông, tháng giá.

Người nghĩ khác ở Đồng Chum - Ảnh 2.

Ông Sương xây dựng khu chuồng trại rộng gần nghìn m2 để nuôi bò. Ảnh: Xuân Tuấn.

Đàn bò của ông Sương lớn nhất đất Mường. Ít ai nghĩ rằng, ông Sương lại khởi nghiệp chỉ bằng 1 con bò. Ông Sương khoát tay đi một vòng quanh khu chăn nuôi rồi bất ngờ dừng lại bên một con bò cái béo mầm. Chú bò này húc húc cái đầu bày tỏ cảm tình với chủ như là người bạn thân lâu ngày mới gặp. Vỗ về con bò, trong đàn bò hơn 100 con của ông, có 1 con bò giống sau 14 năm đã "đẻ" cho gia đình ông gần 300 triệu đồng. Ông Sương bảo: "Đây là con bò khởi nghiệp mà tôi mua từ năm 2008 với giá chỉ 2,8 triệu đồng. Sau hơn chục năm chăm nuôi, đến giờ con bò cái này đã cho sinh nhiều thế hệ lên đến 25 con khác. Tổng sinh lợi của riêng con bò này mang lại khoảng gần 300 triệu đồng".

Để những con bò trở thành "máy" in tiền, ông Sương cũng trải qua không ít những phen lao đao. Người dân nơi đây quen nuôi trâu bò thả rông, chuồng trại đơn sơ, nên nhiều đợt trâu, bò lăn ra chết cả loạt. Nhớ đợt rét kỷ lục năm 2008 và 2015, tuyết rơi trắng xóa cả Đồng Chum đã làm chết 3 con bò và 4 con trâu của ông, dù trước đó đã mua thêm 10 bóng đèn cao áp để sưởi nhưng vẫn không thể cứu nổi những con sức yếu hay mới sinh.

Người nghĩ khác ở Đồng Chum - Ảnh 3.

Mỗi năm đàn bò mang lại lợi nhuận cho ông Sương cả tỷ đồng. Ảnh: Xuân Tuấn.

Với 100ha đất, ông Sương đã từng trồng rừng, rồi chanh leo, ngô, sắn nhưng những loại cây này chưa mang lại hiệu quả. Sau đợt đàn bò bị chết rét, ông Sương đã mạnh dạn vay tiền, làm chuồng trại cẩn thận. Ngoài ra, ông còn mua một chiếc máy xúc phục vụ cho việc làm đường và làm nền trong trang trại. Sau cả chục năm gây dựng, đến giờ ông đã xây được 2 khu nuôi bò. Hiện ông có 60 con bò mẹ và dự đến cuối năm 2022, số bò sinh sản nâng lên 100 con. Ông Sương nuôi cả trăm con bò, nhưng cũng chỉ mất 1 công lao động chăm sóc, vì đàn bò được thả rông quanh trang trại. Sáng chúng đi ăn, tối chúng tự về chuồng. Người chăm sóc chỉ bổ sung thêm cỏ voi cho những con bò mẹ vừa sinh con. Khi con của chúng cứng cáp, ông lại thả chúng ra rừng. Với cách nuôi bán hoang dã này, mỗi năm đàn bò mang lại lợi nhuận cho ông Sương cả tỷ đồng.

Biến nông sản giá rẻ thành vàng mười

Thành công trong việc lai tạo đàn bò, ông Sương còn quyết tâm biến nông sản siêu rẻ của địa phương thành vàng. Dường như người đàn ông này không muốn ngơi nghỉ chân tay lấy một ngày. 2 năm trở lại đây, ông Sương còn quyết tâm gây dựng và phục hồi giống lợn đen bản địa. So với giống lợn của người Mông, người Mường, người Tày còn có giống lợn đen có nhiều ưu điểm hơn. Chúng thích nghi rất tốt với thời tiết khắc nghiệt nơi đây và cho thịt nạc hơn. Ông Sương chia sẻ, khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, bao giống lợn khác bị "khai tử", riêng giống lợn đen bản địa của bà con người Tày lại vẫn sống khỏe và phát triển tốt.

Tìm hiểu sâu về giống lợn đen bản địa, ông Sương còn phát hiện ra nhiều điều thú vị. Giống lợn này dễ nuôi, dễ thích nghi, bất chấp mọi kiểu thời tiết. Nó cứ phải "thích khổ" mới phát triển mạnh. Nghĩa là nuôi đám này phải để cho nó ăn dân dã, ăn bờ, ngủ bụi, nó mới thích, chứ làm chuồng trại tiện nghi quá lại không có thu hoạch. Dẫn tôi đi thăm khu nuôi lợn, cách dãy chuồng bò không xa, ông Sương khoe: "Từ ngày tôi nuôi lợn, khách hàng ở các nơi gọi tơi tới mà không có lợn bán. Hiện giờ tôi mới chỉ cung cấp đủ lợn cho địa phương. Con lợn nào lên tới một tạ là mấy hộ gia đình đến tranh nhau giết mổ, chia nhau. Thịt lợn nuôi dân dã, thơm ngon lại rất nạc, chứ không nhiều mỡ như các giống lợn khác. Giá bán luôn cao gấp đôi so với lợn nuôi công nghiệp vậy mà bà con vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua".

Người nghĩ khác ở Đồng Chum - Ảnh 5.

Ngoài nuôi bò, ông Sương còn gây dựng và phục hồi giống lợn đen bản địa có chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Ảnh: Xuân Tuấn.

Dãy chuồng lợn được chia thành nhiều ô, mỗi ô ông Sương nhốt một con lợn mẹ. Chuồng làm tương đôi sơ sài, có mỗi cái mái che là lợp bằng tôn. Bốn bề thông thốc gió lùa. Vậy mà đám lợn trong chuồng con nào, con nấy khỏe khoắn, chạy tăng tăng. Thấy dáng ông chủ, chúng kéo ra cửa kêu eng éc đòi ăn. Đám lợn da mốc thếch, lông dựng đứng, cứng như chổi sề ồ ạt lao về phía cửa. Thức ăn cho đám lợn này vô cùng đơn giản chỉ có sắn ngâm, cỏ kim và chuối. Mỗi ngày ông Sương cho ăn 2 bữa, vậy mà chúng vẫn lớn ầm ầm. 

Sắn và ngô ở xã Đồng Chum nhiều vô kể và siêu rẻ, sắn có 1 nghìn đồng/1kg, ngô cũng vậy. Cả xe sắn chục tấn bán đi không bằng nuôi một con lợn bản. Đây là lý do vì sao ông Sương vận động mọi người vào HTX đa ngành nghề Đồng Chum để nuôi lợn. Theo phân tích của ông Sương, nông sản nơi này rẻ như cho và rất khó bán vì đường xá quá xa xôi. Trong khi đó, đây là nguồn thức ăn vô cùng cần thiết cho đám lợn bản. Mỗi con lợn một ngày ăn hết vài nghìn tiền thức ăn, sau nuôi 1 năm, có thể bán được con lợn trị giá gần chục triệu đồng. Ông Sương đã vận động bà con dùng nông sản để nuôi lợn đen bản địa. Việc này vừa giải quyết nông sản ứ thừa và rẻ, trong khi đó, giá thành thịt lợn luôn bán được mức cao.

Người nghĩ khác ở Đồng Chum - Ảnh 6.

Nếu chăm sóc tốt, 1 con lợn nái sinh được khoảng 20 con lợn con/năm, sau một năm, mỗi con lợn con thu được 6-7 triệu. Ảnh: Xuân Tuấn.

Từ vài con lợn nái ban đầu, đến giờ HTX đã có 50 con lợn nái. Môi năm cung cấp cho thị trường cả nghìn con lợn thương phẩm. Số lợn này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tại chỗ, trong khi đó, khách thích ăn lợn bản và nuôi trong thời gian dài ngày lại vô cùng lớn. Các thành viên trong HTX đang tiếp tục nhân đàn, mỗi gia đình cố gắng nuôi từ 30 đến 50 nái, mỗi năm thu tiền tỷ trong tầm tay.

Ông Xa Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Chum cũng là một xã viên tích cực của HTX. Làm công tác xã hội nhiều năm, ông hiểu cái khó của vùng đất này. Bao đời qua, bà con chạy ăn từng bữa toát mồ hôi. Trong khi đó, đất đai rộng mênh mông, sức người thừa thãi mà cuộc sống vẫn nghèo, vẫn đói. Hết loay hoay với việc trồng con gì, nuôi con gì cho hiệu quả mà cứ như đèn cù, tuýt mù nó lại vòng quanh. Khi ông Sương nêu đề xuất, phát triển đàn lợn bản địa, xã đã đồng ý ngay. "Cái hay của việc nuôi lợn bản địa là không tốn tiền mua thức ăn và nó ít bị mắc dịch. Hơn nữa, thịt lợn bản địa dễ bán và được giá. Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu lợn bản theo tiêu chuẩn VietGap. Khi việc này thành công, chúng tôi sẽ đưa thịt lợn Đồng Chum về Thủ đô. Khi tình hình dịch bệnh đẩy lùi, công cuộc thay đổi cuộc sống của bà con người Tay nơi đây sẽ được triển khai", ông Thịnh cho biết. 

Người nghĩ khác ở Đồng Chum - Ảnh 7.

Ông Sương vận động mọi người vào HTX đa ngành nghề Đồng Chum để nuôi lợn bản địa, vừa tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, vừa dễ bán và bán được giá. Ảnh: Xuân Tuấn.

Mô hình nuôi lợn bản địa đã đánh thức được tiềm năng của Đồng Chum. Hướng đi sáng sủa này được các thành viên trong HTX đón nhận nhiệt tình. Anh Xa Văn Đương hiện có 14 con lợn mẹ. Từ khi chuyển sang nuôi lợn bản địa, anh mới có tiền trả nợ và đầu tư cho con cái học hành. Giống lợn này đẻ sai, mỗi lứa cho từ 8-10 con. Nếu chăm sóc tốt, một năm 1 con lợn nái sinh được khoảng 20 con lợn con. Nuôi một năm, mỗi con lợn con thu được 6-7 triệu. Trong khi đó, nguồn thức ăn cho nó bà con hoàn toàn chủ động được. Theo anh Đương, lợi thế mà giống lợn bản địa mang lại càng nuôi lâu năm thịt càng ngon. Khi giá cả bấp bênh, bà con hoàn toàn có thể kéo dài thời gian nuôi lợn thêm 1 đến hai năm không hề ảnh hưởng gì. Lợn bản của người Tày càng to bán càng có giá.

Nghèo là có lỗi với đất

Con đường lập nghiệp của anh Sương cũng đã trải qua muôn vàn gian nan. Giống như bao trai bản khác, anh Sương lấy vợ từ rất sớm. Nhà đông anh em lại nghèo khó, ngày vợ chồng anh ra ở riêng, được bố mẹ cho mảnh đất nhỏ ven đường để lập nghiệp. Đôi vợ chồng trẻ chỉ biết động viên nhau làm ăn, với hy vọng ngày mai sẽ tươi sáng hơn.

Nhẫn nại cày xới trên nương, tối về lại tập trung bên chiếc máy xát để kiếm thêm. Nhờ tần tảo, đời sống gia đình anh từng bước xóa được đói, giảm được nghèo. Khi con đường liên xã bắt đầu được mở, anh Sương mạnh dạn vay tiền mua máy xúc, 2 ô tô tải để làm ăn. Mỗi một lĩnh vực mở ra, vẫn tinh thần kiên trì, không ngại gian khó nên anh Sương sớm thành công. Kiếm được bao nhiêu tiền là anh đầu tư vào trồng rừng, nuôi bò. Bằng sự chịu thương, chịu khó, vợ chồng anh mới có được cơ ngơi bề thế như ngày nay.

                                                                             

Xuân Tuấn