Người giữ hồn cho nhà rường cổ

Thứ ba, ngày 29/11/2011 16:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở tuổi 35, Nguyễn Văn Thiên Quế (thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị) nổi tiếng khắp cả nước bởi đã phục dựng thành công nhiều nhà rường cổ có niên đại đến 500 năm tuổi.
Bình luận 0

Nói về sự bén duyên với nhà rường, Quế bộc bạch: “Ông nội tôi - một người thợ mộc từng làm việc trong cung đình dưới thời Vua Thành Thái - đã truyền cho tôi niềm đam mê nhà rường”.

img
Anh Quế (phải) hướng dẫn thợ chạm khắc một hoạ tiết trang trí của nhà rường.

Bỏ nghề tiền tỷ để dấn thân

Học vừa xong lớp 12, Quế chọn buôn cây cảnh làm nghề khởi nghiệp giúp đỡ gia đình. Anh vay mượn tiền tìm mua những loại cây cảnh có giá rẻ ở các làng quê về uốn nắn tạo thế rồi đem bán cho người có nhu cầu. Sau khi có chút vốn liếng, để đỡ tốn thời gian tạo cây, anh tìm mua những cây cảnh đã được định hình, có dáng thế rõ ràng.

Thời điểm những năm cuối thập niên 90, thú chơi cây cảnh luôn là lựa chọn số 1 của nhiều đại gia có máu mặt, vì thế nghề buôn cây cảnh của Quế có đất làm ăn. “Buôn bán cây cảnh gặp thời là giàu to, bởi giá cả cây cảnh không ước định rõ ràng. Nhiều lúc mình thu lãi gấp mười, thậm chí cả trăm lần giá gốc. Người ta bảo nghề này là làm chơi ăn thật cũng vì lẽ ấy” - Quế cho biết.

Trong những lần săn lùng cây cảnh khắp làng quê miền Trung, Quế xót xa khi thấy nhiều gia đình vì túng thiếu, vì không hiểu biết đã đem bán rẻ như cho những ngôi nhà rường truyền thống hàng trăm năm tuổi để lấy ít tiền làm cái nhà xây nho nhỏ.

Tiếc cho một nét đẹp truyền thống của các làng quê bị mai một, cùng với niềm đam mê kiến trúc nhà cổ được truyền từ đời ông nội, Quế quyết định chọn nghề phục chế nhà rường làm cái nghiệp để đi tiếp với đời. Để toàn tâm toàn ý với nhà rường, Quế nghỉ hẳn việc buôn cây cảnh - nghề giúp anh hái ra tiền trong một thời gian.

Quế “nhà rường”

Cái biệt danh “Quế nhà rường” bén duyên với anh từ đó. Mê nhà cổ đến mức anh có hẳn một cuốn album sưu tầm những kiểu nhà rường cổ ở miền Trung. Nghe ai nhắc ở đâu có người muốn bán hoặc phục dựng nhà cổ là anh lại lặn lội đến tận nơi để tìm mua, giúp họ cho bằng được.

Để đáp ứng cho sở thích sưu tập nhà cổ, anh mày mò tìm hiểu các kiểu hoa văn, họa tiết được khắc họa trên gỗ. Thông thạo đến độ chỉ cần nhìn hoa văn khắc họa trên nhà và loại gỗ, kiểu cách là anh “đọc” ngay được niên đại của ngôi nhà. “Điều này một phần nhờ hồi còn nhỏ, tôi được ông nội truyền dạy rất kỹ càng”- Quế tâm sự.

Qua 7 năm bén duyên với nghiệp phục chế nhà rường, Quế đã phục chế được trên 20 ngôi nhà đẹp, trong đó có nhiều ngôi nhà có niên đại gần 500 năm.

Để phục dựng thành công nhiều ngôi nhà rường quý, ngoài việc tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chạm khắc hoa văn nhà rường, anh đã chiêu mộ được rất nhiều thợ giỏi về làm tại cơ sở của mình. Trong cơ sở của Quế luôn có khoảng 30 nhân công làm các công việc như cưa xẻ gỗ, đánh nhám, đánh bóng, chạm khắc... với thu nhập ổn định.

Nhờ có kiến thức, tay nghề phục dựng cao, Quế được khách hàng khắp nơi tìm đến đặt hàng với những đơn giá phục dựng nhà cổ lên đến bạc tỷ. Nhưng không bằng lòng với điều đó, Quế “nhà rường" vẫn nuôi ước mơ làm sao giúp người dân phục chế, giữ gìn nguyên bản ngôi nhà của cha ông để lại.

Điều Quế đang nung nấu khác là tìm cách đưa hình ảnh ngôi nhà rường miền Trung “xuất ngoại” sang các nước, để khắp nơi biết đến những giá trị văn hoá ngàn đời của người dân đất Việt tiềm ẩn trong những ngôi nhà rường cổ quý giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem