Người gieo 'đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên' trên đất phèn

01/11/2020 06:54 GMT+7
Giữa những vùng đất quanh năm nhiễm phèn, qua bàn tay, khối óc của lão nông Nguyễn Văn Sáu, cả một vùng đất

Yêu quý đất… hoang!

Nhiều năm trước, ít ai ngờ rằng, giữa vùng nước nhiễm phèn ấy, lúa không thể mọc nổi, thay vào đó chỉ toàn những loại thực vật như cói, lác, cỏ dại mới có thể sinh tồn. Thế nhưng, qua bàn tay, khối óc của lão nông Nguyễn Văn Sáu lại có thể hồi sinh vùng đất chết thành những ruộng khóm bạt ngàn rộng hơn 50ha trải dài rợp cả vùng biên giới xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi từng là vùng đất “khỉ ho cò gáy”, nay hoàn toàn thay da đổi thịt.

Người gieo 'đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên' trên đất phèn - Ảnh 1.

Ông Sáu bên cánh đồng khóm rộng mênh mông tại xã biên giới Bình Thạnh.

Ông Sáu kể lại, trước khi có được trang trại khóm, ông từng canh tác lúa trên đất phèn nên thấu hiểu phần nào nỗi khổ của người làm lúa. Sau khi mở đại lý bán bia, nước ngọt tại nhà, nhờ ăn nên làm ra, cứ hễ dành dụm được bao nhiêu tiền là ông lại mua lại đất nhiễm phèn bà con bỏ hoang. Với cách làm như thế, từ vài ha đất ban đầu, đến nay, ông đã sở hữu được 150ha đất nông nghiệp.

“Khu vực cánh đồng này nằm sát biên giới nên xa khu dân cư, đường, điện không có nên giá đất khi đó cũng rẻ. Ngoài ra, nhiều bà con thấy mình yêu quý đất, để đất không cũng phí nên bà con sang nhượng lại với giá như cho, nhờ vậy tôi mới có cơ ngơi như hôm nay”, ông Sáu chia sẻ.

Người gieo 'đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên' trên đất phèn - Ảnh 2.

Khóm thu hoạch từ vườn của ông Sáu chuẩn bị xuất bán.

Nói về mối lương duyên với cây khóm, ông Sáu cho biết, năm 2016, nghe tỉnh có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản và Công ty Lavifood sẽ xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả ở huyện Gò Dầu. Nhận thấy đây là cơ hội để ông khai thác vùng đất nhiễm phèn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo xu thế thị trường, qua những chuyến tham quan tại các vùng đất phèn tại miền Tây, nhìn thấy những cánh đồng khóm xanh tốt cho năng suất cao, ông quyết định đầu tư trồng khóm.

Gian nan thử lòng người

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại khóm bạt ngàn được bao quanh bởi con đường bê tông rộng 1,2m vừa để vận chuyển khóm vừa là bờ bao, phải chạy xe gắn máy gần 30 phút mới giáp hết ruộng, ông Sáu kể loại khóm ông canh tác là khóm Queen, có nhiều ưu điểm vượt trội như cây phát triển nhanh, đẻ nhánh nhiều, cho quả to giòn và ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây khóm có bộ rễ tương đối yếu và ăn nông nên muốn có năng suất cao đất cần có tầng mặt xốp, nhiều mùn và chất dinh dưỡng, đồng thời thoát nước tốt trong mùa mưa.

Người gieo 'đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên' trên đất phèn - Ảnh 3.

Tận dụng con nước xen kẽ giữa ruộng khóm để vận chuyển nông sản và bón phân, xịt thuốc. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Sáu, với quy mô vài ha thì công đoạn làm đất không khó, tuy nhiên với 50ha như ông thì chuyện không hề đơn giản. Để sản xuất khóm hiệu quả, ông Sáu đã bỏ ra hàng trăm thậm chí cả tỷ đồng để thiết kế những liếp khóm cao ráo.

Ông Sáu chia sẻ: “Mặc dù đất phèn nhưng cũng có giới hạn và phải lên liếp đúng cách thì trồng khóm mới sống được, trong lúc lên liếp nên lấy 4 - 5 tấc đất mặt cho hết sang một bên rồi múc lớp đất dưới đáy lên liếp, sau đó dùng 4 - 5 tấc đất mặt trước đó trải trên mặt liếp, phần còn lại trải lên làm đường. Nhờ vào cách làm khoa học như vậy, vừa có đất trồng khóm, vừa có đường, đặc biệt tận dụng con nước xen kẽ giữa ruộng khóm để vận chuyển nông sản và bón phân, xịt thuốc cho khóm rất thuận lợi”.

Ông Sáu cho biết thêm, khâu làm đất chuẩn bị xong, một vấn đề khác lại phát sinh, do khu vực cách đồng khóm dường như biệt lập với thế giới bên ngoài, đường sá chưa hoàn thiện, để thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản, ông Sáu đã bỏ tiền túi, đầu tư 500 triệu đồng làm một con đường đất đỏ nối từ đường nhựa vào ruộng khóm dài gần 3km.

“Con đường mở ra không chỉ giải quyết bài toán vận chuyển nông sản, nó còn kết nối nội vùng sản xuất, tạo lối mở cho bà con trong khu vực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”, ông Sáu phấn khởi nói.

Yêu quý đất, đất trả ơn!

Ông Sáu nhẩm tính: “Cây khóm có hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5 lần so với sản xuất lúa 2 vụ/năm; cao hơn gấp 4 lần so với cây mì và gấp nhiều lần so với cây mía”.

Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất vùng biên Tây Ninh nên cây khóm sinh trưởng, phát triển tốt. Trung bình 1ha khóm sau 3 năm trồng đem lại sản lượng khoảng 60 tấn, với giá trung bình khoảng 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập không dưới 70 triệu đồng/ha/năm.

Ông Sáu cho chia sẻ, trước đây, thị trường tiêu thụ khóm tại địa phương hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên bị ép giá. Từ khi nhà máy Lavifood có công suất hoạt động 500 tấn nguyên liệu/ngày tại huyện Gò Dầu đi vào hoạt động, để có nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp này đã tìm đến nông dân trồng khóm để đặt hàng. Không chỉ riêng ông mà nhiều bà con trồng khóm trong vùng dự án được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Người gieo 'đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên' trên đất phèn - Ảnh 5.

Từ hiệu quả kinh tế mang lại, ông Sáu đầu tư hệ thống điện, đường vừa phục vụ sản xuất của gia đình vừa giúp bà con trong vùng được hưởng lợi. Ảnh: Trần Trung.

Hiện vùng bị đất bị nhiễm phèn trong khu vực lân cận nông trại ông lên tới gần 300ha. Để khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa tăng thu nhập, chính quyền địa phương đang thực hiện chính sách hỗ trợ 30% giống, ngoài ra, các cấp hội nông dân có chủ trương bán phân bón trả chậm.

“Làm nông nghiệp nhiều khi phải gan mới được. Tuy nhiên, khi nhận thấy những chính sách rất đúng đắn về nông nghiệp tỉnh đang triển khai, tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng “sự liều” của mình là có cơ sở. Sắp tới, bên cạnh phủ kín hoàn toàn 150ha khóm, tôi sẽ liên kết cùng bà con trong vùng canh tác khóm theo hướng hữu cơ để tạo vùng nguyên liệu an toàn, hướng đến sản xuất mang tính bền vững”, ông Sáu bộc bạch.

Phù hợp với quy hoạch

Tây Ninh rất có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp bởi địa phương này có diện tích đất nông nghiệp hơn 400.000ha tương đối bằng phẳng, tầng đất dày. Về nguồn nước cũng rất tốt, có nguồn nước ngầm mạnh, có lượng mưa rất lớn, có hai con sông lớn và hồ Dầu Tiếng cung cấp nguồn nước dồi dào, có con người khao khát làm giàu, có đường biên giới dài 240km - một nguồn cung cấp nguyên liệu khổng lồ và sau này có thể là thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Người gieo 'đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên' trên đất phèn - Ảnh 6.

Từ hiệu quả kinh tế mang lại, ông Sáu đầu tư hệ thống điện, đường vừa phục vụ sản xuất của gia đình vừa giúp bà con trong vùng được hưởng lợi. Ảnh: Trần Trung.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, hiện nay toàn tỉnh có tổng diện tích trồng khóm khoảng 300ha (phổ biến là giống Queen) với năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bến Cầu, Trảng Bàng. Xác định cây ăn  trong đó có khóm như “luồng gió mới”, tạo tiền đề cho nông nghiệp công nghệ cao và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tây Ninh đang phân vùng cây trồng chuyên canh với diện tích khoảng 300.000ha (hơn 69% đất tự nhiên của tỉnh) ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu.

Vùng 2 là các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, Hòa Thành và thành phố Tây Ninh sẽ tập trung cho sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tỉnh đã chuẩn bị sẵn 800ha đất sạch (chủ yếu trồng cây ăn trái) để chủ động mời gọi các nhà đầu tư tìm đến xây dựng những dự án quy mô. Với quyết tâm này, Tây Ninh kỳ vọng mỗi ha đất nông nghiệp sẽ thu lợi 130 triệu đồng/năm, cùng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết: Để tiếp sức cho bà con nông dân, mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đã hoàn tất đề án về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, như: hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy nông sản, công suất ít nhất 150 tấn sản phẩm/ngày, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 2 tỷ đồng/dự án đối với sấy lúa, bắp, khoai; hỗ trợ không quá 60% chi phí và tổng mức không quá 5 tỷ đồng/dự án để nhà đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản...

Nông dân cũng được hỗ trợ 30% trong năm đầu và 20% năm thứ hai cho chi phí thực tế về thuốc BVTV, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên…

Theo Trần Trung/Nông nghiệp Việt Nam
Cùng chuyên mục