dd/mm/yyyy

Người dân xã Sà Dề Phìn chung tay giữ rừng

Những năm qua, người dân xã vùng cao Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức, trách nhiệm trong việc giữ rừng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhờ có sự đoàn kết giữ rừng của người dân, những cánh rừng trên địa bàn xã ngày càng xanh tốt.

Ông Sùng A Dờ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn cho hay: Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xã Sà Dề Phìn luôn xác định công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Xã thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng... góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng.

Người dân xã Sà Dề Phìn chung tay giữ rừng - Ảnh 1.

Người dân xã Sà Dề Phìn chung tay giữ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Nhằm nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm giữ rừng của người dân, xã Sà Dề Phìn đã chỉ đạo Ban quản lý các bản thành lập các tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực của các hộ dân. Các tổ có trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng của bản, không để xảy ra tình trạng xâm hại đến rừng. Với một xã vùng cao như Sà Dề Phìn, rừng đã gắn liền với đời sống của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Nội dung bảo vệ rừng được đưa vào hương ước, quy ước của bản, người dân có trách nhiệm thực hiện theo hương ước, quy ước đó.

Theo ông Dờ, sở dĩ người dân trong xã luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng là vì bà con đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi tích từ rừng mang lại. Ngoài tác dụng điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường, nguồn nước, việc giữ rừng còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Từ việc thu hoạch lâm sản phụ, trồng thảo quả, sa nhân dưới tán rừng, hằng năm người dân trong xã còn được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Người dân xã Sà Dề Phìn chung tay giữ rừng - Ảnh 2.

Ý thức giữ rừng của người dân xã Sà Dề Phìn ngày càng nâng cao. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo anh Tẩn A Sửu, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Sà Dề Phìn, người dân xã Sà Dề Phìn đã có ý thức hơn trong việc giữ rừng. Khi đốt nương, người dân báo cho chính quyền xã, cán bộ kiểm lâm địa bàn và thực hiện nghiêm việc canh gác lửa, không để xảy ra tình trạng cháy lan vào rừng. Tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở các bản trong xã hoạt động khá hiệu quả, thường xuyên tiến hành tuần tra, bảo vệ rừng, canh gác rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là vào mùa khô hanh.

Bên cạnh đó, việc cắm mới, sửa chữa biển dự báo cấp độ cháy rừng và các biển cấm lửa, cảnh báo người dân khu vực bảo tồn, khu vực khai thác du lịch... cũng được xã Sà Dề Phìn phối hợp với Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện thực hiện tốt. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ rừng, phát triển rừng bền vững.

"Những năm gần đây, phong trào bảo vệ rừng phát triển rộng khắp các bản trong xã. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân trong xã không ngừng được nâng cao. Đó là kết quả của việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Được hưởng lợi từ chính sách này, người dân trong xã ngày càng quan tâm hơn đến việc giữ rừng. Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, người dân trong xã đã đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống" - Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn nhấn mạnh.

Người dân xã Sà Dề Phìn chung tay giữ rừng - Ảnh 3.

Tỷ lệ độ che phủ rừng ở xã Sà Dề Phìn không ngừng nâng lên, đến nay đạt hơn 60%. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ông Mùa A Dĩnh, dân bản Ma Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn vui vẻ cho biết: Được xã định hướng, gia đình tôi và các hộ dân trong bản đã dần từ bỏ thói quen làm nương rẫy, chuyển sang phát triển kinh tế từ rừng. Muốn phát triển kinh tế rừng thì trước hết phải bảo vệ tốt vốn rừng. Hiểu được điều đó nên người dân trong bản ai cũng nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. Từ khi đưa cây dược liệu vào trồng dưới tán rừng, thu nhập của gia đình tôi đã nâng lên trông thấy. Mỗi năm, ngoài khoản thu nhập từ trồng dược liệu, gia đình tôi còn được nhận hàng chục triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng".

Hằng năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sìn Hồ, UBND xã Sà Dề Phìn tổ chức ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho các bản, đồng thời ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với từng hộ dân trong xã. Đa số các hộ dân sau khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, đều sử dụng có hiệu quả vào trang trải sinh hoạt, phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ có sự đoàn kết chặt chẽ của người dân trong việc bảo vệ rừng, những cánh rừng trên địa bàn xã Sà Dề Phìn ngày càng phát triển xanh tốt. Tỷ lệ độ che phủ rừng của xã đến nay đạt hơn 60%.

Thanh Ngân