dd/mm/yyyy

Người “chắp cánh” đặc sản bò một nắng muối kiến vàng

“Ngồi với bạn bè, người thân mà nướng miếng bò một nắng… là “tuyệt cú mèo”! Càng cảm động hơn khi món quê này được nhiều người phương xa trân trọng dùng để đãi khách quý. Sự nhiệt tâm của Duân đã “chắp cánh” món quê Nam Trung bộ này đến với mọi người”.

Đó là nhận xét của ông Lê Trọng Cường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Phú Yên về sản phẩm tâm huyết của anh Huỳnh Đức Duân (34 tuổi, ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên). Chỉ trong 4 năm, Duân đã khởi nghiệp thành công cơ sở sản xuất kinh doanh đặc sản sạch. Từ món bò một nắng muối kiến vàng, Duân tiếp tục tạo sản phẩm “ngon-lạ-sạch” các món đặc sắc từ nai, tôm, cá, mực,…

Phơi sấy thịt bò đã chế biến ở Công ty Diệp Bảo An. Hùng Phiên
Phơi sấy thịt bò đã chế biến ở Công ty Diệp Bảo An. Hùng Phiên

Sang trọng thức quà quê

15 năm trước, Duân khăn gói rời quê vào học đại học ở TP.HCM. Tốt nghiệp ngành Đông Phương học, anh đầu quân cho một công ty sách ở thành phố này. Rồi chuyển làm cho một đơn vị vấn xây dựng. Rồi lập gia đình, sinh con trong cảnh “nhà thuê” nơi đất chật.

“Dù làm gì, tôi vẫn ôm giấc mộng khởi sự kinh doanh. Tìm hiểu nhiều đường, tôi nhìn thấy “chỗ đứng” của một số thực phẩm miền Trung tại Sài Gòn. Năm 2012, tôi bàn bạc với vợ, rồi quyết định “đùm túm” cả nhà về Phú Yên, bắt tay làm… ông chủ. Ban đầu, vợ chồng tôi gom mua hải sản tại quê để “đánh ngược” vào Sài Gòn. Sau thấy chuyện “mua đi bán lại” không “ăn” lắm, tôi quyết đi vào con đường sản xuất thực phẩm”, Duân kể.

Năm 2013, vợ chồng Duân lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệp Bảo An, trụ sở đặt tại nhà riêng ở phường Phú Lâm, Tuy Hòa. Với sản phẩm chủ lực là món bò một nắng chấm muối kiến vàng. Thời điểm đó, món bò một nắng truyền thống đã được nhiều người Phú Yên ưa chuộng, nhưng đặc sản này vẫn chưa được biết nhiều ở thị trường ngoài tỉnh.

Vừa học cách sản xuất, vừa thăm dò thị trường, vợ chồng Duân bắt đầu cho ra mắt sản phẩm Bò một nắng Diệp An. Chị Trần Thị Nga (vợ anh Duân) cho hay: Để có món bò một nắng thật ngon, khâu chọn thịt rất quan trọng. Phải đặt hàng phần thịt bắp và đùi dài từ giống bò vàng Phú Yên, mới có được thớ thịt thơm, ngọt ưng ý. Đây là giống bò do người dân địa phương nuôi thả, chỉ ăn cỏ tự nhiên. Những ngày đầu sản xuất, vợ chồng Duân phải thức dậy trước 5 giờ sáng mỗi ngày để trực tiếp giám sát việc chọn lọc thịt bò. Sau, mọi việc vào “quy lát” thì bạn hàng vận chuyển thịt đến giao tận nơi.

Theo chị Nga, thịt nhập về đem rửa sạch, thái thành từng miếng vuông khoảng 10 - 15cm, dày 1,5cm, ướp gia vị cùng rượu vang “xịn” trong hơn 2 giờ. Tiếp đó là công đoạn phơi sấy tương đương một ngày nắng; rồi đóng gói, hút chân không, cấp đông, phân phối đại lý. Hệ thống nhân công chế biến luôn được giám sát an toàn vệ sinh đặc biệt. Thịt bò được chọn chế biến kỹ, bảo quản đông lạnh nên giữ được độ mềm, thơm tự nhiên. Người dùng chỉ cần rã đông, nướng vừa chín tới là có thể nhâm nhi. Nếu nướng quá chín thì thịt sẽ khô cứng, giảm hương vị đặc trưng và độ mềm của món bò một nắng.

Trong khi đó, mỗi phần bò một nắng thành phẩm đều kèm theo gói muối kiến vàng. Đây là thức chấm độc đáo của người miền núi Phú Yên. Những con kiến vàng được đặt hàng từ người dân ở huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên), đi thu bắt trên cây rừng. Vợ chồng chị nhập mua về, lọc chọn loại kiến nhỏ đem phơi, rang chín, rồi trộn với sả, ớt xay; tạo ra món muối chấm tuyệt hảo.

“Em vốn dân Hải Dương, trước đây đâu biết gì về món bò một nắng. Vậy mà anh Duân đem món này “dụ dỗ”, ăn thấy quá ngon. Vì thế em mới chịu cùng chồng mở cơ sở kinh doanh món này đấy!”, chị Nga cười.

Món bò một nắng muối kiến vàng. Hùng Phiên
Món bò một nắng muối kiến vàng. Hùng Phiên

Có tiền để… đọc sách

Duân tỏ bày, để “đánh” rộng sản phẩm ra cả nước, anh phải ngày đêm vận dụng triệt để kiến thức tin học để lập các trang web giới thiệu sản phẩm, tương tác, bán hàng qua mạng. “Làm ra mặt hàng đúng quy chuẩn đã khó, bán đều đặn đến tay khách hàng lại càng khó. Công việc bận rộn nhưng tôi luôn chú trọng tương tác với khách hàng qua phương tiện mạng. Điều này giúp thực hiện công việc quản lý kinh doanh mọi nơi mọi lúc. Lắng nghe từng ý kiến, để đáp ứng kịp thời các yêu cầu, tạo thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận sản phẩm. Tất tần tật phải mày mò làm. Nhưng muốn kinh doanh thành công thì phải cố gắng thôi!”, Duân cho hay.

Ban đầu khởi sự, mỗi tuần vợ chồng anh chỉ sản xuất 2 - 3 mẻ bò một nắng, mỗi lần khoảng vài chục kg; trực tiếp đi chào hàng phân phối đến một số tỉnh, thành. Duân xác định phải “đánh” mạnh các thị trường xa để sản phẩm được lan tỏa đến nhiều người, nhằm tránh bớt sự cạnh tranh trong một vùng hạn hẹp. Đến nay, Công ty Diệp Bảo An có hệ thống đại lý độc quyền và hàng loạt điểm phân phối sản phẩm tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Đà Nẵng, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Phước,… với sản lượng ngày một tăng cao, nhất là các dịp lễ, Tết.

"Thương hiệu thực phẩm Diệp An là thành công điển hình trong khởi sự kinh doanh của một người trẻ. Duân đã kiên trì quảng bá để đưa sản phẩm tìm được chỗ đứng tại nhiều nơi trong nước. Anh đã đúng khi chú trọng vào chất lượng hơn là chạy theo số lượng; lấy chất lượng, an toàn thực phẩm để xây dựng thương hiệu đặc sản. Thế nên sản phẩm ẩm thực Diệp An đang được khách hàng đánh giá cao”. Ông Lê Trọng Cường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Phú Yên

Tại Phú Yên, trong đà phát triển du lịch, sản phẩm của Diệp Bảo An đã có mặt tại nhiều điểm cung ứng đặc sản. Chị Đoàn Thị Ngọc Bích (Cơ sở đặc sản Hòa Yên) nhận xét: “Đặc sản của một vùng là “bộ mặt, tiếng nói” của nơi đó. Chúng tôi phải nhập bán những mặt hàng tiêu biểu, đảm bảo chất lượng, giá trị. Tôi thấy sản phẩm Bò một nắng Diệp An đáp ứng tốt tiêu chí đó, khách hàng rất hài lòng. Hiện chúng tôi đang tăng dần sản phẩm của công ty anh Duân”.

Trong năm 2017, vợ chồng Duân còn cho ra mắt sản phẩm nai 1 nắng, tôm 1 nắng, mực một nắng; rồi ra thêm dòng thực phẩm “3 nắng”,… cùng gói chấm kèm theo là đặc sản muối kiến vàng. Duân cho hay “Mọi thứ vẫn phải kiên trì mục tiêu nguyên liệu được truy xuất nguồn gốc an toàn, chế biến đúng điệu, tuyệt đối không có phẩm màu, chất bảo quản”.

“Mừng là tôi sớm nếm trải những khó khăn để biết phải mỗi ngày vun đắp, gìn giữ uy tín thương hiệu. Thế nhưng tôi có những ước mơ không liên quan gì đến tiền bạc. Tôi kinh doanh là tâm niệm để đầu tư một cái gì có ý nghĩa cho tương lai. Tôi vẫn dùng khá nhiều tiền để mua sách và tận dụng triệt để thời gian để đọc, học hỏi. Tôi vẫn mơ ước được tiếp tục làm sách, rồi làm giáo dục”, Duân chia sẻ.

Hùng Phiên