Nghịch lý: Thiếu lao động có tay nghề nhưng trường nghề lại vất vả tuyển sinh

Bạch Dương Thứ năm, ngày 07/01/2021 15:18 PM (GMT+7)
Vài năm nay, khi Bộ GDĐT thay đổi các phương thức tuyển sinh, nhiều trường đại học dành phần lớn chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ thì "cửa vào" đối với các trường cao đẳng, trung cấp nghề ngày càng hẹp.
Bình luận 0
Nghịch lý: Thiếu lao động có tay nghề, trường nghề vất vả tuyển sinh - Ảnh 1.

Các trường trung cấp nghề, cao đẳng ngày càng khó tuyển sinh.

Không còn "cửa" để tuyển sinh

Dịch Covid-19 kéo dài đã tác động rất lớn đến các phương án xét tuyển của trường đại học. Hầu hết trường Đại học (ĐH) đều tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ để chủ động trong tuyển sinh, có nghĩa nguồn tuyển dành cho trường cao đẳng, trung cấp ngày càng thu hẹp.

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Tự Trọng ( TP.HCM) cho biết, tâm lý của đa số học sinh và phụ huynh là thích học ĐH và việc đỗ ĐH hiện nay không quá khó nên ít người tìm đến với hệ cao đẳng, trung cấp. Một số trường cao đẳng (CĐ), trung cấp cũng nhận được khá nhiều hồ sơ nhưng phần lớn là ảo.

Lãnh đạo Trường CĐ Công thương TP.HCM cũng cho rằng, số thí sinh ảo tại các trường CĐ sẽ rất cao nên không thể biết được nguồn tuyển của mình là bao nhiêu, chưa kể đến việc dịch Covid-19 khiến rất nhiều gia đình không còn đủ tiền cho con ăn học, nhiều thí sinh sẽ chuyển sang đi làm khiến nguồn tuyển càng giảm.

Trường CĐ đã khó, trường trung cấp năm nay còn khó khăn hơn rất nhiều. Nguồn tuyển của hệ trung cấp những năm gần đây phần lớn là học sinh tốt nghiệp THCS, còn tốt nghiệp THPT hầu như rất ít vì đa số đều đã có cơ hội học ĐH, CĐ.

Từ năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đề xuất thí điểm việc học sinh tốt nghiệp THCS có thể học lên CĐ, cho phép nhiều trường CĐ xây dựng chương trình để tuyển sinh đối tượng này. Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2020 cũng quy định học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể đăng ký học hệ CĐ chính quy với thời gian học nghề lẫn học các môn văn hóa là 4 năm. Vì thế, học sinh THCS không còn là nguồn tuyển riêng của trường trung cấp nữa.

Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP.HCM chia sẻ: "Quy định thay đổi khiến các trường trung cấp gần như không còn nguồn nào để tuyển nữa. 5 năm về trước trường chúng tôi năm nào cũng tuyển được hơn 1.000 thí sinh nhưng giờ chỉ còn được khoảng 400 - 500. Để tuyển được số lượng trên cũng phải tìm đủ mọi cách "trầy vi tróc vảy" chứ không hề dễ dàng. Năm nay nguy cơ nhiều trường trung cấp không có người học".

Nghịch lý: Thiếu lao động có tay nghề, trường nghề vất vả tuyển sinh - Ảnh 2.

Mặc dù nhu cầu lao động có tay nghề cao nhưng các trường vẫn khó tuyển.

Nhu cầu cao nhưng không đáp ứng được

Xác định được tầm quan trọng của lao động qua đào tạo, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đặt mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo của cả nước đạt khoảng 65-70%, trong đó có lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%.

Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết không cao, song đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế mới chỉ đạt 58,6%. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ chỉ đạt 23,1%. Nghĩa là vẫn còn 76.9% người tham gia lực lượng lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến thời điểm này, cả nước hiện có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp, 1.052 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rộng khắp cả nước đã tạo thuận lợi cho người học. Tuy nhiên, thực tế, số lượng người học nghề vẫn quá thấp so với nhu cầu của thị trường lao động.

Nhận định về vấn đề này, TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục giáo dục nghề nghiệp) cho biết, các trường nghề chưa thực sự năng động, tích cực trong việc đổi mới, tìm kiếm nguồn tuyển sinh cũng như chưa tạo được sức hút với người học.

"Giáo dục nghề nghiệp hiện chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh. Các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế, hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tuyển sinh còn khó khăn", TS. Vũ Xuân Hùng nhận định.

Nhìn nhận từ góc độ khác, đánh giá từ phía Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, chất lượng đào tạo tuy có chuyển biến tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2019. Nhiều trường nghề đào tạo 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đạt thành tích cao tại các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trường nghề đông nhưng các trường và chương trình đạt chuẩn quốc tế còn thấp nên vẫn thiếu nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao.

Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên chưa đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học, sáng tạo, tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo nhóm... Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây công bố, Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao.

Theo đại diện Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, những nguyên nhân trên đã dẫn đến kết quả tuyển sinh 5 tháng đầu năm 2020 trên cả nước chỉ đạt khoảng đạt 844.900 người, bằng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, con số này chỉ đạt khoảng 21% so với kế hoạch tuyển sinh năm 2020. Đây là con số còn quá thấp và các trường cần phải nỗ lực hơn nữa để thu hút, lôi cuốn được người học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem