Đi tìm lời giải cho hạt điều Việt: Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nói về cơ hội thay đổi (Bài cuối)

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 01/08/2023 07:18 AM (GMT+7)
Các loại điều nhân nhập về hầu hết có chất lượng thấp. Khi doanh nghiệp trong nước chế biến, xuất khẩu loại này đi sẽ làm giảm chất lượng chung của ngành điều Việt Nam.
Bình luận 0

Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), lo ngại nhân điều Việt Nam sẽ mất dần uy tín và thị phần trên thương trường quốc tế, làm mất đi một thương hiệu quốc gia được dày công xây dựng trong nhiều năm qua.

Nghịch lý của ngành điều Việt Nam

- Nhiều doanh nghiệp vẫn đang lệ thuộc và nhập khẩu rất nhiều hạt điều từ các nước về chế biến. Ông nghĩ sao về việc này?

- Việt Nam là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Nhưng có một nghịch lý đang diễn ra trong ngành điều Việt Nam. Lượng điều nhân nhập khẩu vào Việt Nam để làm thêm một vài công đoạn rồi xuất khẩu tăng nhanh những năm gần đây.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập 38.705 tấn, tương đương gần 170.000 tấn hạt điều thô, sấp xỉ sản lượng điều thô năm 2022 của tỉnh Bình Phước.

Còn năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đã có 78.583 tấn điều nhân được nhập vào Việt Nam, trương đương gần 350.000 tấn hạt điều thô. Con số này lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam trồng và thu hoạch trong một năm.

Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đây là hệ quả của việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước.

- Ông có thể giải thích cụ thể hơn về hệ quả này?

- Chủ trương của các nước trồng điều ở châu Phi là phát triển công nghiệp chế biến điều, giảm dần xuất khẩu điều thô. Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sánh ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều.

Đồng thời, với điều thô xuất khẩu, các nước châu Phi quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu; áp mức thuế xuất khẩu cao. Nhưng với điều nhân xuất khẩu, họ miễn thuế.

Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được Việt Nam miễn thuế.

Đóng gói thành phẩm sản phẩm chế biến sâu ở Công ty TNHH Vinahe (Bình Phước). Ảnh: NVCC

Đóng gói thành phẩm sản phẩm chế biến sâu ở Công ty TNHH Vinahe (Bình Phước). Ảnh: DNCC

Chính sách của nhà nước hai bên như vậy dẫn đến sự bất bình đẳng trong thương mại giữa các doanh nghiệp chế biến; tạo điều kiện để điều nhân từ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam.

Việc này khiến Việt Nam chẳng những không thu được thuế, không đem lại lợi ích gì cho đất nước mà còn đem đến những nguy cơ lớn đối với toàn ngành điều Việt Nam.

Ngành điều Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm điều chế biến sâu

- Việc nhập khẩu như thế thiệt hại thế nào với các doanh nghiệp trong nước, thưa ông?

- Các loại điều nhân nhập về hầu hết có chất lượng thấp. Khi xuất loại điều này đi sẽ làm giảm chất lượng chung của ngành điều Việt Nam. Việc này làm mất dần uy tín và thị phần của điều nhân Việt Nam trên thương trường quốc tế, làm mất đi một thương hiệu quốc gia được dày công xây dựng trong nhiều năm qua.

Nếu để phương thức kinh doanh này phát triển, các doanh nghiệp chế biến lớn của Việt Nam cũng sẽ chuyển sang phương thức này để tồn tại. Danh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất, theo hướng chỉ còn tập trung vào vài công đoạn cuối, bỏ phí đi phần lớn dây chuyền hiện đại đã đầu tư. Nhiều công nhân, người lao động sẽ mất việc làm.

Doanh nghiệp điều cần đa dạng hóa các sản phẩm điều chế biến sâu, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Doanh nghiệp điều cần đa dạng hóa các sản phẩm điều chế biến sâu, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng. Ảnh: Nguyên Vỹ

- Vậy theo ông, cần gì để thay đổi hiện trạng của ngành điều hiện nay?

- Các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam đang rất cần Chính phủ, các Bộ ngành xem xét, nghiên cứu để có những chính sách và biện pháp phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế đối với nhân điều nhập khẩu.

Những biện pháp này nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp chế biến điều nhân trong nước với các doanh nghiệp chế biến điều nhân châu Phi.

Từ đó, doanh nghiệp sẽ giữ ổn định được việc làm, đời sống của hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng điều. Trong đó có phần đông là bà con dân tộc thiểu số, bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; và hàng trăm ngàn công nhân, người lao động trong các nhà máy chế biến điều.

- Còn giải pháp lâu bền cho ngành điều Việt Nam?

- Giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững là đầu tư, chuyển mạnh sang chế biến sâu. Bởi vì phần lớn doanh nghiệp chỉ mới chế biến điều nhân rồi xuất thô cho các nhà chế biến của thế giới. 

Doanh nghiệp phải tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu và đầu tư cho nghiên cứu phát triển thị trường. Bên cạnh việc khơi dậy nhu cầu từ đó sáng tạo sản phẩm để đáp ứng; doanh nghiệp phải có những phương thức quảng bá năng động để nhanh chóng đưa sản phẩm chế biến đến với người tiêu dùng cuối cùng.

Tất nhiên, muốn chế biến sâu phải có vốn lớn để đầu máy móc, công nghệ. Vì thế doanh nghiệp rất cần có thêm sự hỗ trợ từ ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem