Nghẽn mạng khi học online: Gốc rễ vấn đề và giải pháp tháo gỡ

Nguyễn Thịnh Thứ hai, ngày 13/09/2021 12:44 PM (GMT+7)
Tình trạng nghẽn mạng trong những ngày qua phần nào gây khó khăn cho thầy cô trò trong quá trình dạy học online.
Bình luận 0

Vất vả chuyện học online

Vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều địa phương bắt đầu năm học mới 2021 - 2022 theo hình thức trực tuyến (như Hà Nội). Nhu cầu sử dụng internet tăng đột biến đã dẫn tới tình trạng nghẽn mạng, "lag" mạng, "đơ" ứng dụng khi thầy cô trò dạy và học online.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt từ ngày đầu bắt đầu học trực tuyến 6/9, tình trạng nghẽn mạng thực sự khiến cả thầy cô, phụ huynh, học sinh đều vất vả. Việc kết nối khó khăn, ngay cả khi đã vào được lớp học, chẳng hạn qua ứng dụng Zoom thì tín hiệu cũng rất chập chờn, phụ huynh và học sinh không thấy rõ hình ảnh và âm thanh từ giáo viên.

Nghẽn mạng khi học online: Gốc rễ vấn đề và giải pháp tháo gỡ - Ảnh 1.

Con gái chị Trần Mai Linh nhập học online. Ảnh: NVCC

Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ hiệu năng, việc thiết lập sử dụng laptop, tablet, smartphone, tín hiệu đường truyền từ modem tới thiết bị của người học trực tuyến, thì việc hệ thống cáp biển AAE-1 (Asia-Africa-Europe 1) gặp sự cố trên nhánh S1H vào lúc 7h19 ngày 4/9 cũng ảnh hưởng lớn tới việc học trực tuyến thông qua các dịch vụ có máy chủ ở nước ngoài, trong đó có Zoom.

Sau 1 tuần, theo đánh giá chung, tình hình có cải thiện nhưng hiện tượng nghẽn mạng vẫn xảy ra, tín hiệu đường truyền chưa thật ổn định. Trong buổi học hôm thứ Sáu tuần trước, anh Kiên (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Dân Việt: "Con gái lớn nhà tôi học online buổi chiều, tình trạng rớt mạng diễn ra 2-3 lần, phải thoát ra khỏi ứng dụng Zoom rồi vào lại. Có lúc, tôi phải mở điện thoại phát 4G cho cháu học và tải tài liệu cho đường truyền ổn định hơn".

Nhà cung cấp mạng nói gì?

Dưới góc độ nhà cung cấp dịch vụ mạng, FPT Telecom trả lời phóng viên Dân Việt về câu hỏi biện pháp hỗ trợ nào cho việc học tập online, làm việc online hiện tại cùng lúc đang tăng cao.

"Vào tháng 5/2021, FPT Telecom đã chủ động tăng gấp đôi băng thông cho toàn bộ các khách hàng. Đến thời điểm dịch cao điểm, tháng 8/2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm hỗ trợ người dân, cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, FPT Telecom tiếp tục nâng băng thông cho toàn bộ người dùng với giá không đổi", đại diện FPT Telecom cho biết.

Nghẽn mạng khi học online: Gốc rễ vấn đề và giải pháp tháo gỡ - Ảnh 2.

FPT Telecom chia sẻ luôn đồng hành cùng khách hàng. Ảnh FPT.

"FPT Telecom cũng đặt ưu tiên truy cập đối với các nền tảng học, làm việc trực tuyến thông dụng hiện nay như: Zoom, Google Meet, Webex, On Meeting,…

Bên cạnh đó, khung giờ học tập online của trẻ em hiện tại từ khoảng 7h00 đến 17h00 các ngày trong tuần, không phải là khung giờ cao điểm truy cập Internet theo thống kê của FPT Telecom. Bởi vậy, việc sử dụng Internet FPT trong gia đình khi bố mẹ làm việc online và con học online cùng lúc luôn được đảm bảo".

Đại diện VNPT cho hay, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, nhất là với giáo viên, học sinh, sinh viên đang dạy và học online, nhà mạng này đã ưu tiên xử lý định tuyến lưu lượng để đảm bảo cho các dịch vụ học tập trực tuyến, họp/hội thảo online.

Trong khi theo thống kê của Viettel, lượng khách hàng đăng ký mới/nâng cấp các gói cước Internet cố định băng rộng từ đầu năm học có tăng nhẹ. Các gia đình phổ biến lựa chọn đăng ký mới/nâng cấp lên các gói cước có dung lượng khoảng 80MB, tương đương chi phí từ 180.000 - 200.000 đồng/tháng.

Với băng thông này, theo phân tích của nhà mạng, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng Internet của các gia đình, bao gồm việc học trực tuyến, giải trí và làm việc online.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay không ít các trường đều sử dụng hệ thống học trực tuyến (phần mềm Zoom) miễn phí, trong khi tài khoản miễn này thường giới hạn về số lượng học sinh và chất lượng cũng không ổn định.

Nghẽn mạng khi học online: Gốc rễ vấn đề và giải pháp tháo gỡ - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tại Việt Nam, ứng dụng Zoom sử dụng máy chủ ở Singapore, đúng tuyến đường truyền bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp lần này. Để khắc phục tạm thời, người dùng hãy thử chuyển sang sử dụng dữ liệu gói của nhà mạng di động, khởi động lại modem và cố gắng để thiết bị học trực tuyến gần modem hơn.

Theo đánh giá của đại diện một nhà cung cấp, sự cố trên gây ảnh hưởng khoảng 20% dung lượng kết nối Internet đi quốc tế của các nhà mạng. Sự cố gây ảnh hưởng đến tốc độ truy cập các website quốc tế tại một số thời điểm trong ngày. Riêng các kết nối Internet trong nước vẫn diễn ra bình thường.

Về vấn đề đường truyền, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói: "Bộ sẽ đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo tận dụng các bài giảng, bài học điện tử, các bài giảng điện tử này có thể tải trên mạng. Bộ đã chuẩn bị một kho học liệu lớn trên Cổng thông tin điện tử kết nối với YouTube, trên Hệ tri thức Việt số hóa".

Hiện tại phần mềm Microsoft Team cũng đang được một số trường sử dụng với ưu điểm là điểm danh dễ, giám sát việc ra-vào lớp của học sinh. Tuy nhiên đó vẫn là phần mềm phục vụ học online nên không thể đạt mong muốn tuyệt đối.

Ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về xây dựng và triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng mở rộng băng thông Internet đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem