Ngày 27/7 - những điều làm được, những điều trăn trở

Quốc Phong Thứ sáu, ngày 26/07/2019 13:00 PM (GMT+7)
Chúng ta còn mang nợ những người ngã xuống vì Tổ quốc Việt Nam hôm nay và cả những người thân của họ nhiều lắm.
Bình luận 0

Có thể nói, Đảng và Nhà nước ta những năm qua dù còn vô vàn khó khăn nhưng vẫn có sự quan tâm đến đối tượng chính sách là các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Điều này quả thật hết sức đáng trân trọng.

Thế nhưng, do điều kiện kinh tế của mỗi địa phương một khác nhau, nơi có của ăn của để (nộp ngân sách lớn) thì có thể ngoài chính sách chung sẽ có những khoản thêm vào khá ấn tượng, tuy số địa phương này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Song tiếc rằng vẫn còn nhiều chục tỉnh, thành trong cả nước hiện nguồn thu chua đủ chi, phụ thuộc hoàn toàn vào “bầu sữa” ngân sách trung ương, nên sự hỗ trợ dành cho những người thuộc diện chính sách vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể.

Tôi được biết, vài chục năm trước, mỗi khi đến ngày kỷ niệm 27/7, gia đình có người hy sinh được địa phương đến thăm. Họ sẽ được gói quà gồm 1kg đường và 1 hộp sữa đặc. Nếu quy ra tiền bây giờ thì cũng chỉ trên 35 ngàn đồng/suất, không thể hơn. Tất nhiên, hàng tháng đã có tiền trợ cấp chế độ nuôi bố mẹ và con liệt sĩ đến trước 18 tuổi thì tôi không nói vì mỗi giai đoạn một khác, và đều có nâng lên đôi chút dù chưa thật  nhiều. 

Hiện nay, Nhà nước đã quan tâm hơn trước. Theo Nghị định số 99/2018/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 12/7/2018 thì Mẹ Việt Nam Anh hùng sống ở gia đình còn có cả tiền trợ cấp cho người phục vụ. Khoản này còn hơn lương cơ bản ở bậc thấp nhất thời điểm đó (1,512 triệu/tháng, trong khi lương cơ bản hệ số 1,0 năm 2018 chỉ có 1,39 triệu/tháng, nay có tăng lên theo chế độ chung)... 

Như vậy đã cho thấy đó là một sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước ta, rất cần được ghi nhận trong cái khó chung của cả nước.

img

Thủ tướng thăm hỏi các thương binh nặng tới dự buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

Để tìm hiểu thực tế, tôi vừa gọi điện cho anh Vũ Tiến Hưng, quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Anh là con trai của thủ trưởng tôi - liệt sĩ Vũ Tiến Đức, khi tôi là lính công vụ của ông trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau đó, ông được điều vào biên giới Tây Nam và bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 286, Mặt trận 479 (chuyên gia cao cấp trực tiếp giúp Campuchia xây dựng quân đội) và ông đã hy sinh năm 1984. 

Anh Hưng cho tôi biết, hôm vừa rồi, nhân ngày 27/7, gia đình anh cũng được chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên và tặng túi quà. Theo anh thì ngoài ít bánh kẹo trị giá khoảng 100 ngàn đồng thì có thêm phong bì 50 ngàn tiền mặt (gọi là thay tổ chức bữa cơm gặp mặt gia đình). Với trường hợp như đại tá Vũ Tiến Đức, theo tôi biết, trong bấy nhiêu năm chiến tranh biên giới Tây Nam, quân đội ta cũng chỉ có 1 thiếu tướng và 2 đại tá hy sinh trên đất bạn trong số hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hy sinh. Với những người như ông, do không còn đơn vị cũ vì Mặt trận 479 đã giải tán, sự quan tâm càng không hề có. 

Nghe mà thấy mủi lòng!  

Chúng ta cần thừa nhận rằng chế độ chính sách hiện hành cũng có khá hơn so với trước kia. Nhưng sự thật thì cũng không đáng bao nhiêu. Cũng phải hiểu, Thái Bình hôm nay tuy bộ mặt toàn cảnh có sáng sủa hơn xưa, nhất là hạ tầng nông thôn, nhưng nhìn chung thì cũng còn nghèo.

Trái lại, cách đây 1 tháng, tôi được nghe ông Đinh Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải phòng kể cho nghe mà lòng thấy rất vui. Ông Nam cho biết rằng, về an sinh xã hội trong thời gian vừa qua, TP. Hải Phòng chi rất mạnh tay. Như Tết vừa rồi, mỗi người có công được hưởng mức chi quà tặng 3,5 triệu đồng. Toàn TP. Hải Phòng hiện có 48.350 người có công. Nếu nhân với mức 3,5 triệu  đó thì nguyên phần chi cho người có công Tết vừa rồi đã là 170 tỉ đồng, đấy là chưa nói ở dưới các quận, huyện còn hỗ trợ  thêm. 

Rồi trong dịp 27/7 năm nay, dự kiến thành phố vẫn đề nghị tiếp tục giữ nguyên mức hỗ trợ cho người có công từ 3 triệu - 3,5 triệu trở lên. Nếu so với Thái Bình, trong dịp 27/7 này, họ đã chi quà cho gia đình thương binh liệt sĩ gấp đến hai chục lần. Điều thật không hề dễ với các tỉnh nghèo. Nghe mà thấy thật ấm lòng, nhưng cũng chạnh lòng nếu làm phép so sánh!

Hôm 22/7 vừa qua, tại tỉnh Vĩnh Long, trong Lễ trao tượng trưng 72 Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ trong tổng số 468 trường hợp của cả nước trao đợt này (có người hy sinh từ năm 1940), Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã bày tỏ rằng: “Chúng ta chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Các cơ quan chức năng mặc dù đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, không còn người giao nhiệm vụ, người làm chứng... nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người có công và thân nhân. Nhiều trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh. Đây là điều trăn trở và day dứt đối với chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp”.

Và mới đây, hôm 25/7, phát biểu tại Lễ tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc 2019 nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Hàng năm, ngân sách nhà nước đã dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, trong đó có có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực. Trong những năm qua, cùng với nhân dân, các doanh nghiệp cả nước, phong trào đã được thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

img

Lễ tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc 2019.

Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những câu chuyện đau lòng, như trong bộ phim tài liệu đặc biệt phát sóng tối 24/7 trên VTV1 với tiêu đề “Đường về”. Khán giả cả nước chứng kiến cảnh 2 bà mẹ đau khổ, xót xa khi không biết chính xác con mình hy sinh nay ở đâu. Họ từ chỗ “tranh chấp” nấm mộ của một người con cầm súng đã hy sinh, được một trong hai gia đình đưa về địa phương chôn cất tại nghĩa trang gia tộc cách đây 9 năm. Thế nhưng sau 40 năm kể từ khi 2 anh hy sinh, mọi việc tưởng như đã được mồ yên mả đẹp cho cả 2 anh nếu gia đình kia không trở lại thăm mộ người thân lần nào nữa. 

Rồi họ phát hiện ra mình bị mất mộ con trai từng nằm trong nghĩa trang ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Họ bắt đầu gửi đơn yêu cầu xem xét, truy nguyên. Sự nhầm lẫn tai hại và có phần tắc trách có lẽ cũng đã rất từ lâu. Lý do nhầm là vì  2 liệt sĩ này trùng tên (khác họ và đệm), trùng ngày nhập ngũ và trùng quê huyện Gia Viễn, Ninh Bình (nhưng khác xã, khác ngày hy sinh)...

Cái kết của bộ phim tưởng như có phần hơi nghiệt ngã. Thế nhưng, nếu ngẫm lại thì cũng vẫn còn một chút nhân văn khi hai nhà trong sự bất lực vì không được giải mã do nắm xương sau 40 năm, nay đã mủn, không thể xác định được ADN chính xác là con ai. 

Và lúc này, 2 bà mẹ tuổi ngoài 80 ấy đã ôm nhau khóc và dắt tay nhau về nhà. Họ hẹn hàng năm sẽ cùng nhau đến thắp hương cho người con chung ấy. “Thôi thì các con chúng ta cũng đều hy sinh vì dân vì nước”, một cụ bà thốt ra như thế, nghe mà không cầm nổi nước mắt. Chúng ta, hậu thế chỉ còn biết cảm ơn các mẹ đã tha thứ tất cả.

Bài học của câu chuyện được rút ra, ở bất cứ công việc gì được giao, hãy làm tròn trách nhiệm của mình, tránh để xảy ra những hậu quả đáng trách sau này. Hậu quả nhiều khi khiến cho người già có thể vỡ tim vì đau đớn, nhất là vết thương mất con đã đi qua, nay bỗng chốc hụt hẫng đến tột cùng vì sự nhầm lẫn tắc trách, vô cảm của ai đó. 

Nên chăng, cả hệ thống chính trị nên hết sức tiết kiệm trong chi tiêu ở mọi lĩnh vực, tránh thất thoát lãng phí, để từ đó dù có nghèo và khó khăn đến mấy thì vẫn cố gắng trích một phần ngân sách hàng năm lo xét nghiệm sớm ADN cho các trường hợp liệt sĩ trong các thời kỳ chiến tranh, hiện đã quy tập nhưng chưa xác định được danh tính, rồi đưa vào ngân hàng gene lưu trữ. Theo tôi biết, con số này cũng có hàng trăm ngàn trường hợp. Phải xây dựng được ngân hàng gene thật sớm (của cả người hy sinh lẫn người thân của họ) để sau này tiếp tục tìm kiếm sau. Nếu không làm ngay thì sẽ vuột mất cơ hội một cách đáng trách với hậu thế, dù khi đó chúng ta có nhiều tiền cũng đành chịu. Và như thế sẽ có tội với các liệt sĩ và người thân của họ.

Ngay từ năm 2013, trước những thực tiễn to lớn đặt ra, Bộ Chính trị cũng đã ban hành “Chỉ thị số 24 về Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Như vậy là đủ thấy, Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm công việc này, nhưng khả năng có hạn nên tiến độ triển khai vẫn chưa thật nhanh như kỳ vọng của nhân dân. 

Đã đến lúc không nên chậm trễ thêm nữa!

Chính vì những chuyện như thế, chúng ta còn mang nợ những người ngã xuống vì Tổ quốc Việt Nam hôm nay và cả những người thân của họ nhiều lắm. Dù chúng ta có tri ân đến mức nào thì cũng không được tự mãn, rồi nói rằng những gì chúng ta làm được thời gian qua là đã có thể hài lòng tất thảy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem