Ngành hồ tiêu chật vật trong “bão” giá, nguy cơ mất vị thế thủ lĩnh

Minh Huệ Thứ hai, ngày 02/07/2018 18:10 PM (GMT+7)
Do áp lực nguồn cung lớn, từ năm 2017 đến nay ngành hồ tiêu Việt Nam (VN) liên tục phải đối mặt với tình trạng giá giảm chóng mặt, hiện chỉ còn từ 54.000 - 56.000 đồng/kg, trong khi thời “đỉnh cao” giá tiêu có lúc đạt tới 200.000 đồng/kg. Đáng lo ngại là từ nay tới hết năm 2018, giá tiêu vẫn sẽ khó cải thiện do nhiều nước bắt đầu vào vụ thu hoạch mới.
Bình luận 0

Giá giảm sâu nhất trong 10 năm qua

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), trong tháng 6.2018, xuất khẩu (XK) hạt tiêu ước đạt 22.000 tấn, giá trị đạt 71 triệu USD. Lũy kế XK hạt tiêu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 132.000 tấn và 453 triệu USD, tăng 5,1% về lượng nhưng giảm tới 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 (lượng XK hạt tiêu của VN trong năm 2017 đạt 214.900 tấn, tăng 20,8% so với năm 2016, kim ngạch đạt 1,12 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2016).

img

Nông dân chăm sóc tiêu trong bối cảnh giá tiêu đang giảm sâu do nguồn cung dư thừa. Ảnh minh họa

Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường đứng đầu về nhập khẩu hồ tiêu của VN trong 5 tháng đầu năm, với lượng nhập khẩu gần 19.000 tấn, chiếm 17,11%, tăng 1.265 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường có lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất.

Nếu 5 tháng năm 2017, nước này nhập 6.217 tấn tiêu VN thì cùng kỳ năm nay đã tăng lên 15.779 tấn. Ấn Độ, Hà Lan, Đức cũng nằm trong nhóm các nước tăng nhập khẩu, trong khi Ả Rập, Papua New Guinea, Iran là các nước giảm nhập khẩu mặt hàng tiêu của VN.

Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) cho biết, giá XK hồ tiêu bình quân sang tất cả các thị trường đều giảm mạnh. Theo đó, giá XK bình quân 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.438 USD/tấn, giảm tới 61%so với cùng kỳ năm 2017. Tại thị trường trong nước, giá hạt tiêu cũng giảm cùng chiều với xu hướng giá xuất khẩu.

Tính đến ngày 29.6.2018, giá hạt tiêu ở các vùng nguyên liệu lớn giao dịch ở mức 54.000-55.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với đầu tháng 6.

img

Nếu không kiểm soát tốt về chất lượng, hồ tiêu Việt Nam sẽ mất dần thị phần tại EU cũng như tại Mỹ, Ấn Độ.  Ảnh: Đăng Hải

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm 2010, cả nước chỉ trồng 51.500ha hồ tiêu;  năm 2014 tăng lên 85.591ha; đến hết 2017 là 152.668ha, tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016, vượt quy hoạch trên 100.000ha.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Nam Hải - Tổng Giám đốc Công ty CafeControl, Chủ tịch VPA cho biết, không riêng gì VN mà giá hạt tiêu đen toàn cầu đang giảm ngày một sâu hơn, như tiêu Sarawak, Malaysia và Kochi, Ấn Độ.

Nguyên nhân chính là do nguồn cung hạt tiêu toàn cầu vẫn còn dồi dào. Cụ thể, lượng tồn kho tại Brazil và VN vẫn còn nhiều từ vụ thu hoạch trước, trong khi đó Indonesia và Malaysia sẽ bắt đầu vụ thu hoạch mới trong tháng 7 - 8.2018, dẫn tới áp lực nguồn cung ngày càng cao.

Theo ông Hải, hiện các thương nhân, doanh nghiệp XK vẫn chưa muốn đặt hàng cho các hợp đồng giao tháng 8.2018 vì họ muốn chờ tiêu vụ mới của các nước trên. Một thực tế là nhiều nước hiện nay đang nhập khẩu hồ tiêu từ các nước Nam Mỹ, như Brazil vì giá rẻ hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg. Như thế cũng có nghĩa là hồ tiêu VN đang gặp khó trước các thị trường Bắc Mỹ.

Nguy cơ mất vị trí “số 1”

Khi các nước đang vào vụ thu hoạch mới, rất có thể giá hồ tiêu sẽ có khả năng tiếp tục xuống thấp hơn. Ông Hải cũng nhấn mạnh, ngành tiêu đang gặp khó khăn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp ở vấn đề giá cả. Nhiều mặt hàng XK chủ lực như gạo, trái cây đã đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, trong khi hồ tiêu vẫn lẹt đẹt, mới đạt 453 triệu USD và sẽ rất khó khăn để đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD như năm 2017.

Phát triển nóng, sản xuất theo phong trào, bế tắc đầu ra cùng với các rào cản thương mại mà đối tác đặt ra đang khiến ngành hồ tiêu đối mặt với một năm đầy rủi ro, có nguy cơ mất mùa, mất luôn cả vị trí “thủ lĩnh” của ngành hồ tiêu thế giới.

Bộ Công Thương dự báo, năm 2018, XK hạt tiêu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi cung đang vượt cầu. Diện tích tiêu tăng nhanh ở VN và một số nước khác đã làm sản lượng toàn cầu tăng mạnh, từ 434.000 tấn (2016) lên 510.000 tấn (2017).

VPA cho biết, năm 2018 năng suất hạt tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có VN có thể giảm nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017, dẫn tới dư thừa. Điều này có nghĩa là giá tiêutrong năm 2018 cũng như sang năm 2019 rấtkhó hồi phục.

img

Nông dân huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chăm sóc tiêu.  Ảnh: I.T

Bên cạnh đó, XK hạt tiêu VN cũng đang gặp phải một loạt rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu như Mỹ, EU…

Cuối năm 2016, Ủy ban châu Âu (EC) đã dự kiến nâng mức dư lượng tối đa cho phép (MRLs) chất Metalaxyl đối với hồ tiêu nhập khẩu từ 0,1ppm lên 0,05ppm. Tuy nhiên, trước phản đối của Việt Nam và Ấn Độ, EC đã giữ nguyên mức MRLs Metalaxyl ở mức 0,1ppm đến hết năm 2018. Do đó, nếu không kiểm soát tốt về chất lượng, Việt Nam sẽ mất dần thị phần tại EU cũng như tại Mỹ Ấn Độ.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tiêu VN, Bộ NNPTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải sớm tập trung vào công tác giống, gắn chặt khâu điều hành, nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường.

Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, sớm tổng kết từng tiểu vùng để đánh giá quy trình kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chọn tạo và kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu. Trước đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh làm sao hiệp hội và các địa phương phải nắm được thị trường, chủ động ra được giá.

“VN đang ở vị thế thủ lĩnh của ngành hồ tiêu thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa thể hiện được vị thế này. Vì thế, từ năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ chú trọng đặc biệt vào việc xây dựng chiến lược để nâng được vị thế cho ngành hồ tiêu”- ông Doanh khẳng định.

 Ngành tiêu sẽ tham gia giao dịchhàng hóa

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) thông tin, cùng với cao su và cà phê, hồ tiêu là mặt hàng nông sản thứ ba tham gia giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), đưa ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam tiến lên một bước chuyên nghiệp hơn trong thương mại toàn cầu, có nghĩa là hồ tiêu sẽ được mua bán ở 2 dạng giao dịch hàng thật và giao dịch hàng giấy.

Các mặt hàng hồ tiêu được phép giao dịch qua sàn VNX gồm các loại tiêu đen và tiêu trắng chưa xay, nghiền (mã H.S 090411) và các loại tiêu đen và tiêu trắng đã xay, nghiền (mã H.S 090412).

Hồ tiêu VN chiếm khoảng 60% tổng khối lượng giao dịch trên toàn cầu, do đó giá hồ tiêu VN có ảnh hưởng lớn tới giá hồ tiêu thế giới. Việc đưa mặt hàng hồ tiêu giao dịch qua VNX sẽ giúp mặt hàng này liên thông với các sàn giao dịch hàng hóa thế giới, giúp minh bạch thông tin, giảm rủi ro trong giao dịch mua bán, giúp bảo hiểm giá…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem