Nếu không còn tàu cá vi phạm sẽ gỡ được thẻ vàng IUU của EC

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 28/10/2021 16:42 PM (GMT+7)
Ngày 27/10, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) về tiến độ tình hình triển khai IUU. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, sau 4 năm bị EC áp "thẻ vàng" số lượng tàu khai thác trên biển đã giảm đáng kể, từ 128.000 xuống 90.000 tàu.
Bình luận 0

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, với những nỗ lực của Chính phủ, Bộ NNPTNT và các địa phương về triển khai IUU đã có những chuyển biến tích cực. 

"Trong buổi làm việc tới đây tôi tin chắc rằng EC sẽ không rút thẻ đỏ, mà tiếp tục bị cảnh báo thẻ vàng đến khi nào chấm dứt được tình trạng tàu cá cũng như khắc phục được 4 khuyến nghị từ phía EC".

Cũng theo ông Hùng, phía EC đánh giá chúng ta đang đi đúng hướng, những chậm trễ trong khắc phục 4 khuyến nghị có những yếu tố khách quan.

"Đến thời điểm hiện nay, qua báo cáo thống kê triển khai nhiệm vụ các tỉnh đã nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các tỉnh đã rất cố gắng vừa thực hiện mục tiêu kép, phát triển sản xuất, đảm bảo chống IUU", ông Hùng nói.

"Thẻ vàng" của EC với thủy sản Việt Nam - Ảnh 1.

Tàu cá cập cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) bán hải sản cho thương lái. Ảnh: Dũ Tuấn

Hiện, Tổng cục Thủy sản đang tích cực rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh Nghị định số 26/2018, Nghị định số 42/2018 và các thông tư để trình ban hành trong quý IV/2021 nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá bền vững có trách nhiệm và khắc phục các khuyến nghị của EC.

Về kiểm soát, theo dõi hoạt động của tàu cá trên biển cũng như tại cảng, ông Hùng nhận định, những tháng đầu năm 2021 chúng ta đã rất cố gắng, tuy nhiên trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhiều tỉnh thực hiện giãn cách dẫn đến tàu cá phải nằm bờ, 1 số tỉnh yêu cầu test nhanh, kiểm soát Covid-19 rất kỹ, sản lượng cập bến, ra vào cảng gặp nhiều khó khăn.

Tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thì các tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt. Đặc biệt, Bí thư, Chủ tịch UBND các xã đã vào cuộc trong việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá hoạt động trái phép.

"Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số tỉnh đã vào cuộc rất tích cực, đơn cử như Thanh Hóa, đã gần như lắp đặt 100% thiết bị giám sát hành trình, cũng như công tác thực thi pháp luật, truy suất nguồn gốc", ông Hùng cho biết.

Tại tỉnh Tiền Giang, theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh này cho biết, 100% tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. 

Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét là 833 chiếc và từ 24 mét trở lên là 131 chiếc. 

Số tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị VMS là 121 chiếc, gồm các tàu cá đậu bờ, ngưng hoạt động do tàu bị chìm, cháy nhưng chưa thực hiện xóa đăng ký, tàu đậu bờ ngưng hoạt động, chờ bán, sửa chữa...

Tổng số tàu cá của Tiền Giang đến thời điểm hiện tại là 1.454 chiếc/423.740kW, với 10.229 thuyền viên thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu. 

Trong đó, tàu cá từ 24 mét trở lên là 146 chiếc/86.554kW với 1.613 thuyền viên; tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét là 939 chiếc/314.271kW với 7.352 thuyền viên; tàu cá dưới 15 mét là 369 chiếc/22.915kW với 1.264 thuyền viên.

Cũng theo ông Hùng, trong 4 nhóm khuyến nghị của EC, thì nhóm thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc chúng ta đã làm rất tốt. 

"Trong thời gian qua, các tỉnh triển khai khá đồng bộ công tác tuần tra kiểm soát tàu cá trên biển và tàu cá ra, vào cảng. Tuy nhiên, trong tháng 7, 8, 9 do ảnh hưởng của Covid-19 gặp nhiều khó khăn.

"Đối với nhóm truy xuất nguồn gốc, thực tế trong 3 tháng 7, 8, 9 vừa qua thì lượng hàng xuất khẩu đi Châu Âu rất ít, việc hoàn thành các quy định của EC trong truy xuất nguồn gốc chúng ta đã làm rất tốt. Chúng tôi cũng chưa phát hiện sai xót gì trong các lô hàng xuất khẩu trong vài tháng vừa qua", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, thực tế trong thời gian bị "thẻ vàng" thủy sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu sang châu Âu và các thị trường khác bình thường.

Tuy nhiên, khi lô hàng xuất khẩu sang châu Âu họ kiểm tra rất kỹ, gần như 100% các hồ sơ liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc, cũng như đảm bảo khai thác hợp pháp.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ thì tác động trước mắt ngắn hạn với thủy sản Việt Nam là cấm thương mại đối với hải sản khai thác của Việt Nam, vì không đáp ứng được qui định IUU.

Theo ước tính, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam sẽ mất đi 380 triệu USD/năm nếu thị trường này bị đóng cửa, và tác động gián tiếp đối với ngành thủy sản rất nghiêm trọng. 

Các tác động gián tiếp với thủy sản nuôi trồng bao gồm uy tín ngày càng sụt giảm, áp lực nhiều hơn từ hải quan, không tận dụng được EVFTA, quan trọng là ngành thủy sản Việt Nam mất đi thị trường Châu Âu với giá trị 480 triệu USD.

"Trong trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm, sẽ gây ra những gián đoạn cho ngành thủy sản, trong đó khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp khoảng 30% về qui mô sản lượng", bà Sắc nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, sau khi bị EC rút "thẻ vàng" năm 2018, sau 4 năm, sản lượng khai thác vẫn phải duy trì. Trong thời gian này số lượng tàu khai thác trên biển đã giảm từ 128.000 xuống 90.000 tàu, cường lực khai thác cũng đã giảm rõ rệt.

Bên cạnh đó, số tàu vi phạm giảm đáng kể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh theo đúng tham vấn của EC.

"Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ nay đến cuối 2021 sẽ không có tàu vi phạm thì đây là yếu tố chúng ta gỡ thẻ vàng. Đối với việc truy xuất nguồn gốc, thực thi pháp luật Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đảm bảo phân loại, truy xuất ngay từ cảng, hệ thống trang thiết bị chúng ta sẽ nhận dạng ngay tàu vi phạm để xử lý, cũng như thực thi pháp luật", ông Tiến cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem