Nét đẹp làng quê, sợi chỉ gắn kết và bản sắc văn hóa dân tộc

Thanh Hà (ghi) Thứ ba, ngày 16/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
Tình làng xóm, láng giềng là đặc trưng văn hoá rất quan trọng trong làng quê Việt Nam, tạo nên mối quan hệ khăng khít xuất phát từ các cá nhân cố kết thành một làng, rồi từ đó tạo thành cộng đồng và xã hội. Và điều quan trọng là, câu chuyện phóng chiếu từ tình làng nghĩa xóm đã trở thành bản sắc văn hoá dân tộc.
Bình luận 0

Nét văn hoá đặc trưng của vùng nông thôn

Ở Việt Nam, tình làng nghĩa xóm là nét văn hoá rất quan trọng. Nét văn hoá này ra đời trong bối cảnh xã hội khi mọi người luôn luôn sống gần nhau, có mối quan hệ thân tộc với nhau. Chúng ta cần biết rằng, 3 hằng số văn hóa quan trọng của người Việt là nông dân - nông nghiệp - nông thôn. Điều đó có nghĩa, về cơ bản, bản sắc văn hóa dân tộc của chúng ta được xây dựng nên bởi những người nông dân, làm nông nghiệp và ở nông thôn. Trong bối cảnh xa xưa ấy, các làng quê nhỏ bé, được bao quanh bởi lũy tre làng, nơi người dân sống gần gũi với nhau, là thành lũy văn hóa của dân tộc, nơi hình thành, nuôi dưỡng và phát triển văn hóa của đất nước.

Nét đẹp làng quê, sợi chỉ gắn kết và bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Chúc Tết - nét đẹp của tình xóm giềng. Ảnh: Shutterstock

Xét về văn hóa ứng xử, do sống gần gũi và bị giới hạn bởi lũy tre làng nên mọi người dân trong làng luôn nhìn nhau để đối nhân xử thế, cũng như nương tựa vào nhau để sống. Người này giúp đỡ người kia, nhà này giúp đỡ nhà kia, luôn luôn phải để ý đến nhau, quan sát để tạo ra sự đồng thuận trong làng quê đó. Từ đây có nhiều câu chuyện văn hóa về tình làng nghĩa xóm, tâm lý làng quê được sinh ra. Ví dụ như: Tối lửa tắt đèn có nhau; Cơm ăn chẳng hết thì treo, việc làm chẳng hết thì kêu láng giềng; Bán anh em xa mua láng giềng gần…

Không những thế, tình làng nghĩa xóm còn thể hiện qua mối quan hệ liên quan đến dòng họ, huyết thống. Nhiều làng quê Việt Nam, xung quanh các hộ gia đình đều là anh em họ hàng, thậm chí cả một làng có cùng một họ nên nhiều làng quê ở Việt Nam đã lấy tên họ đặt cho tên làng, như: Đỗ Xá tức là làng của những người họ Đỗ; Cao Xá là làng của những người họ Cao; Lê Xá là làng của những người họ Lê… Những mối quan hệ như vậy khiến tình làng nghĩa xóm càng trở nên đặc biệt hơn ở nước ta.

Nét đẹp làng quê, sợi chỉ gắn kết và bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Người dân làng Triều Khúc (Hà Nội) cùng vui trong ngày hội làng. Ảnh: X.N.A

Tình làng xóm, láng giềng là đặc trưng văn hoá rất quan trọng trong làng quê Việt Nam, tạo nên mối quan hệ khăng khít xuất phát từ các cá nhân cố kết thành một làng, rồi từ đó tạo thành cộng đồng và xã hội. Và điều quan trọng là, câu chuyện phóng chiếu từ tình làng nghĩa xóm đã trở thành bản sắc văn hoá dân tộc.

Như vậy, đối với người Việt Nam, tế bào quan trọng của cộng đồng, hay rộng ra là của đất nước, chính là làng quê, vì vậy khi chúng ta hiểu về làng quê của người Việt thì chúng ta sẽ hiểu hơn tính cộng đồng của người Việt và mở rộng ra thì đó là văn hoá của đất nước. Ví dụ, người Việt có thói quen cách gọi, cách xưng hô xã hội theo cách xưng hô trong gia đình. Cách gọi anh, chị, em, cô, dì, chú, bác rất phổ biến trong xã hội. Điều này có nguồn gốc từ chính các làng quê. Một làng có nhiều mối quan hệ gia đình chằng chịt, không phải quan hệ gần thì cũng là xa, không họ nội cũng là họ ngoại.

Quan hệ họ hàng kiểu như vậy khiến người dân luôn phải ý thức về vị trí của mình trong cách xưng hô với những người hàng xóm xung quanh mình. Cách xưng hô trong làng được mở rộng ra thành cách xưng hô trong xã hội, và trở thành nét văn hóa của người Việt Nam. Cũng chính vì những mối quan hệ nặng về tình cảm làng xóm láng giềng, huyết thống như vậy khiến cho yếu tố tình cảm trở thành yếu tố chi phối mọi quan hệ xã hội, từ kinh tế, luật pháp, chính trị... của người Việt, không riêng gì văn hóa.

Nét đẹp làng quê, sợi chỉ gắn kết và bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 4.

Chút san sẻ của láng giềng (ảnh minh họa). Ảnh: B.H.T

Hơn nữa, ngày trước, đời sống nông thôn Việt Nam còn phải tự cấp, tự túc nên việc nhờ cậy hàng xóm là rất quan trọng theo kiểu "tối lửa tắt đèn có nhau". Ở đây, chúng ta thấy quan hệ láng giềng tạo ra sự cố kết, đoàn kết, tình nghĩa của cộng đồng làng. Tôi cho rằng, đất nước ta sở dĩ vượt qua mọi khó khăn, mọi kẻ thù, mọi tàn phá của thiên nhiên như bão, lũ, mưa dông… là do sức mạnh đoàn kết, chia sẻ, tình nghĩa mà chúng ta có được từ các làng quê. Chính sức mạnh của văn hoá làng đã tạo nên sức mạnh chung của đất nước.

Chúng ta thấy, tình hàng xóm, láng giềng đã giúp cho cuộc sống của người dân ở nông thôn trở nên bình lặng hơn, duy trì được mối quan hệ rường cột và giúp cho gia đình, cộng đồng nông thôn ổn định, từ đó giúp cho việc giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Nét đẹp làng quê, sợi chỉ gắn kết và bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 5.

PGS - TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam)

Điều tiết hành vi của những người sống trong làng

Tuy nhiên, nông thôn ngày nay đã có nhiều điều khác trước, ảnh hưởng đến tâm lý hàng xóm, láng giềng.

Bối cảnh xã hội đã thay đổi, việc coi trọng tình làng, nghĩa xóm cũng khác, và nhiều người thậm chí đã cho rằng đời sống kinh tế được nâng lên thì tình làng, nghĩa xóm phần nào bị phai nhạt dần đi...

Sự thay đổi đến từ nhiều nguyên nhân như sự phát triển kinh tế thị trường, tác động của xu thế toàn cầu hóa, đô thị hóa... đã phá vỡ cấu trúc truyền thống của các làng quê, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tình làng, nghĩa xóm.

Chúng ta có thể chỉ ra một vài lý do khiến cộng đồng láng giềng đang dần mất đi đó chính là trào lưu cá nhân hóa. Cá nhân hóa này xảy ra trong tất cả các lĩnh vực, thành phần của xã hội và ở cả nông thôn. Nếu như trước kia, người nông dân khi sống trong một làng sẽ phải để ý đến những người xung quanh, biết nhìn trước ngó sau, bởi họ cần tới những người hàng xóm đó để sinh hoạt, trao đổi, giúp đỡ, thì ngày nay, cuộc sống hiện tại ở nông thôn mỗi gia đình có thể tự cấp, tự túc, tự cung được mà không cần phải sang hàng xóm xin lửa, xin quả chanh, vay bơ gạo, quả ớt, bát cà… Điều này dẫn tới đề cao cái tôi, cá nhân hoá và khiến cho tranh chấp với những giá trị văn hoá truyền thống.

Ngoài ra những tác động khác như về kinh tế, đất cát dẫn tới xảy ra những tranh chấp - hiện tượng phổ biến như ngày nay ở làng quê Việt Nam. Nông thôn cũng chịu rất nhiều gánh nặng của xã hội, từ những câu chuyện ô nhiễm môi trường, hậu quả kinh tế cũng về nông thôn. Trong quá trình phát triển kinh tế, nông thôn là tiến chậm nhất, khiến cho nông dân, người dân ở nông thôn là những người nghèo nhất.

Vì vậy điều quan trọng bây giờ chúng ta cần làm là trả lại sự bình yên cho nông thôn, từ kinh tế tới văn hoá!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem