dd/mm/yyyy

Nậm Giôn không còn thiếu nước sinh hoạt

“Trước đây, muốn có nước sinh hoạt bà con phải đi hơn 3km để lấy nước về tích trữ trong can, thùng. Mùa mưa nước dồi dào nhưng đi lại khó khăn, mùa hè nước cạn kiệt. Chúng tôi phải sử dụng tằn tiện lắm, chỉ dám dùng để nấu ăn thôi. Được Nhà nước đầu tư, nước sinh hoạt về tận bản, bà con ai ai cũng phấn khởi”.

Đó là một trong những chia sẻ của người dân tại các bản của xã Nậm Giôn (huyện Mường La, Sơn La) về những khó khăn của nhiều năm trước khi nơi đây chưa được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt. Đây là xã vùng III đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện 75km. Xã có 15 bản, trên 800 hộ dân, với 100% là đồng bào người dân tộc thiểu số, gồm: Mông, Kháng, La Ha. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60% (năm 2019).

Nước sạch về bản vùng cao - Ảnh 1.

Từ ngày được Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt, người dân bản Huổi Ngàn được sử dụng nước hợp vệ sinh ngay tại nhà.

Trao đổi với chúng tôi, bà Quàng Thị Biệt, Chủ tịch UBND xã Nậm Giôn, cho biết: "Nậm Giôn là xã đặc biệt khó khăn nên luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Những năm trước đây, các bản trên địa bàn xã đã được đầu tư công trình nước sinh hoạt. Tuy nhiên, do xây dựng từ nhiều năm trước nên một số công trình đã xuống cấp. Vì vậy, để có nước sinh hoạt, các hộ dân đều phải tự bỏ tiền ra mua ống nước để kéo nước từ các khe suối, mó nước ở xa nhà về sử dụng. Nhiều hộ dân không có điều kiện thì tích nước mưa sử dụng. Mùa khô bà con phải đi hàng cây số để lấy nước cộng với tình trạng thiếu nước ở một số bản vùng cao nên đời sống bà con rất khó khăn".

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của bà con, nhất là tại 3 bản Huổi Sản, Huổi Pươi, Huổi Ngàn – nơi có 145 hộ dân đang sinh sống, năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, công trình nước sinh hoạt xuống cấp tại các bản: Huổi Sản, Huổi Pươi, Huổi Ngàn đã được cải tạo, sửa chữa và nâng cấp. Công trình có tổng mức đầu tư trên 5,7 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 5,5 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp.

Nước sạch về bản vùng cao - Ảnh 2.

Giờ đây bà con bản Huổi Ngàn đã có nước đảm bảo vệ sinh được dẫn về tận nhà.

Quy mô xây dựng công trình nước sinh hoạt, gồm: Đập đầu mối dẫn nước, bể lọc, bể điều hòa và bể chứa nước hộ gia đình được xây dựng bằng kết cấu bằng bê tông cốt thép chắc chắn, đảm bảo cho việc sử dụng và tiết kiệm nước. Trong quá trình thi công, các đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra chất lượng các hạng mục khối lượng theo thực tế thi công; đánh giá tình hình thực tế để tiến hành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Tháng 8/2020, công trình nước sạch liên bản được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã khắc phục được tình trạng sử dụng nước khe suối, nước mưa, không đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt, giúp người dân 3 bản Huổi Sản, Huổi Pươi, Huổi Ngàn từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ trung tâm xã Nậm Giôn, chúng tôi di chuyển lên bản Huổi Ngàn. Tại vùng đất gian khó này, cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi của bà con khi công trình nước sạch được Nhà nước đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Quàng Văn Pùa, dân tộc La Ha – Trưởng bản Huổi Ngàn, chia sẻ: "Bản Huổi Ngàn có 57 hộ dân, gồm 2 dân tộc: Kháng, La Ha cùng sinh sống. Năm 2001, bản được Nhà nước đầu tư công trình nước sạch. Sau nhiều năm sử dụng, công trình đã xuống cấp trầm trọng. Để có nước sinh hoạt, mỗi hộ dân phải tự đi mua ống dẫn nước về nối từ các khe suối, mó nước về dùng. Tuy nhiên, do bản đông người nên tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra".

Nước sạch về bản vùng cao - Ảnh 4.

Nước sạch chảy về tận bản, giúp cho trẻ em nơi đây được sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh, cải thiện thể chất.

Theo anh Pùa, năm 2019, Nhà nước có chủ trương đầu tư công trình nước sinh hoạt cho bản nên bà con rất phấn khởi. Sau nhiều tháng thi công, đến tháng 8/2020, công trình đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, mỗi hộ dân còn được xây một bể chứa nước 2,7m3. Trong thời gian tới, để công trình nước sinh hoạt được sử dụng một cách có hiệu quả và bền lâu, Ban Quản lý bản sẽ thành lập Tổ quản lý, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, duy tu, bảo vệ đầu nguồn, đường ống, bể nước.

Cùng chung niềm vui được sử dụng nguồn nước sinh hoạt ngay tại bản, anh Hờ A Tạ, bản Huổi Sản, phấn khởi bảo: "Trước đây, muốn có nước sinh hoạt bà con phải đi hơn 3km để lấy nước về tích trữ trong can, thùng. Mùa mưa nước dồi dào nhưng đi lại khó khăn, mùa hè nước cạn kiệt. Chúng tôi phải sử dụng tằn tiện lắm, chỉ dám dùng để nấu ăn thôi. Giờ được Nhà nước đầu tư, nước chảy về tận bản, bà con ai ai cũng phấn khởi. Được dùng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh như vậy, người dân trong bản, đặc biệt là trẻ em và người già không lo mắc các bệnh về đường tiêu hóa nữa. Từ đó, người dân yên tâm lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình".

Nước sạch về bản vùng cao - Ảnh 5.

Có nguồn nước đam rbảo vệ sinh để sử dụng, từ nay, người dân 3 bản Huổi Sản, Huổi Pươi, Huổi Ngàn sẽ yên tâm lao động sản xuất.

Bên cạnh đó, công trình nước sinh hoạt đưa vào sử dụng không chỉ cung cấp nước cho hàng trăm hộ dân ở 3 bản Huổi Sản, Huổi Pươi, Huổi Ngàn mà còn cung cấp nước cho các điểm trường mầm non và tiểu học. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ăn, ở, sinh hoạt của các thầy, cô giáo và các cháu học sinh. Đồng thời, việc đưa nước sạch về 3 bản Huổi Sản, Huổi Pươi, Huổi Ngàn sẽ góp phần giúp xã Nậm Giôn từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Tuệ Linh - A Và