dd/mm/yyyy

Nam Giang chú trọng phát triển cây, con chủ lực để xóa nghèo

Để nâng cao đời sống thu nhập cho nông dân, những năm qua, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây - con phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện canh tác của bà con để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chú trọng các cây, con chủ lực

Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, là huyện miền núi (hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số), gồm 11 xã, thị trấn, trong đó có tới 6 xã biên giới đặc biệt khó khăn, địa bàn lại cách trở, điều kiện về sản xuất, hạ tầng còn hạn chế khiến quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Nam Giang gặp nhiều rào cản.

Bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang trao đổi với PV.
Bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang trao đổi với PV.

“Để giảm nghèo cho bà con, Huyện ủy, HĐND huyện Nam Giang đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Theo đó, huyện xác định các loại cây - con phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện canh tác của bà con” – bà Như cho biết.

Ông Hồ Văn Luyến – Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện chia sẻ, trong thời gian qua, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và nguồn vốn huy động khác, huyện đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả và đem lại kinh tế cao cho người dân. Điển hình như mô hình nhóm chăn nuôi bò ở thôn Công Dồn, xã Zuôch; thôn 48, xã Đắc Pring; thôn Za Ra, xã Tà Bhing. Hay như mô hình trồng Nấm ở thôn Công Tờ Rơn, xã La Dêê; chăn nuôi heo bản địa kết hợp vườn rừng của hộ ông Alung Trinh ở thôn Vinh, xã Tà Pơơ,... Ngoài ra, còn nhiều mô hình khác đã giúp cho các hộ dân trên địa bàn phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững.

Một góc Nam Giang hôm nay.
Một góc Nam Giang hôm nay.

Theo bà Như, xác định vùng núi cao của Nam Giang không thể phát triển cây lúa nước và cây hoa màu, việc phát triển cây lúa để cơ bản đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ chứ thu nhập bà con không tăng, huyện đã từng bước nghiên cứu đưa những cây – con phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất.

"Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập gắn với xây dựng NTM huyện Nam Giang giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025 xác định tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp tăng bình quân 5-7%/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5-7%/năm”.

Đến nay, toàn huyện đã có hơn 1.337ha cao su đại điền và tiểu điền, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động. Ngoài ra, Nam Giang cũng là địa phương có diện tích đất rừng tự nhiên lớn, điều này rất thuận lợi cho phát triển cây keo, chuối mốc, chăn nuôi bò, heo, gà. Bình quân mỗi năm nhân dân trên địa bàn huyện trồng mới hơn 200ha cây keo, chu kỳ sinh trưởng 4 - 5 năm, cây keo đưa vào khai thác bán sẽ cho thu nhập 42 - 43 triệu đồng/ha…

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế, thời gian qua huyện Nam Giang rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng NTM. Trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực và lồng ghép các chương trình khác để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thiết yếu đường - trường - trạm…

Theo bà Như, để mở đường thoát nghèo cho bà con khu vực vùng núi, vùng biên giới, chủ trương của Nam Giang là tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, trong đó, giao thông nông thôn (GTNT) được ưu tiên hàng đầu. Bình quân mỗi năm, huyện dành trên 200 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giai đoạn 2011-2015, Nam Giang đã đầu tư cho giao thông gần 239,7 tỷ đồng/tổng. Nhờ đó, nhiều tuyến đường GTNT tại các địa phương được đầu tư đồng bộ.

“Đến nay, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 70% đường thôn, xóm và 65% đường trục chính nội đồng được bê tông, cứng hóa…Có đường giao thông đi lại thuận lợi, điện thắp sáng, trường học tốt, trạm y tế chuẩn…bà con rất phấn khởi, đời sống từ đó cũng được nâng lên, diện mạo vùng nông thôn, biên giới ở Nam Giang khởi sắc” – bà Như nói.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng ở Nam Giang.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng ở Nam Giang.

Theo bà Như, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay Nam Giang vẫn chưa có xã nào về đích NTM, tuy nhiên việc triển khai xây dựng NTM cũng đã đạt được kết quả nhất định. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Thay đổi rõ rệt nhất là đối với xã điểm của huyện là nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa....được đầu tư khang trang.
Nam Giang sẽ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, trong đó chú trọng đầu tư cho 2 xã điểm (Tà Bhing và La Dêê), nỗ lực đưa các xã này về đích NTM; sử dụng hiệu quả đất đai và khai thác được những tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện.

Bà Như cho hay, Nam Giang sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất NN và triển khai sản xuất theo quy hoạch; Tập trung phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương; phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, tiềm năng du lịch sẵn có tại địa phương trong thực hiện tái cơ cấu ngành NN;
“Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; duy trì và nhân rộng các mô hình chăn nuôi đem lại kinh tế cao, gắn phát triển kinh tế vườn với chỉnh trang nhà vườn theo tiêu chí NTM; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế; nghiên cứu đưa vào trồng một số loại cây ăn quả tại địa phương...” – bà Như nhấn mạnh.

Nghĩa Hậu