Nam Định: Vì sao thủy sản đánh bắt được khó truy xuất nguồn gốc, chủ yếu xuất khẩu đường tiểu ngạch?

T. Nam - L. Hồng Thứ năm, ngày 30/09/2021 15:12 PM (GMT+7)
Hiện nay, các sản phẩm thủy sản khai thác trên địa bàn tỉnh Nam Định chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch nên nhiều chủ tàu chưa có nhu cầu làm thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản…Chính việc này đã gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản.
Bình luận 0
Giá mít hôm nay 30/9: Giá tăng hay giảm dịp lễ Quốc khánh Trung Quốc, bón phân gì nuôi trái mít đạt loạt Nhất?Giá tiêu hôm nay 30/9: Tăng cao nhất 83.800 đồng/kg, TOP 10 thị trường đua nhau mua hồ tiêu Việt Nam

Nhiều tồn tại chưa được xử lý

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban chỉ đạo quốc gia IUU- PV), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã chỉ rõ những tồn tại ở các địa phương trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng IUU.

Đó là, chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến.

Nhiều tỉnh tàu cá chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (thiết bị VMS- PV), có tỉnh tỷ lệ lắp đặt thiết bị VMS còn rất thấp như Thanh Hóa (46,90%), Quảng Trị (60,55%), Trà Vinh (65,53%), Quảng Ninh (65,50), Hà Tĩnh (65,69%).

Nam Định gặp khó trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác - Ảnh 1.

Hiện các sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh xuất khẩu tiểu ngạch nên nhiều chủ tàu chưa có nhu cầu làm thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng nhiều địa phương tổ chức thực hiện chưa đảm bảo độ tin cậy, còn mang tính chất đối phó như tại các tỉnh: Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh…; trong đó có tỉnh Nam Định.

Lý do nào khiến tỉnh Nam Định còn khó truy xuất nguồn gốc thủy sản?

Ông Nguyễn Thành Chung- Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Nam Định cho hay, đơn vị thường xuyên thực hiện công tác kiểm soát đối với tất cả các tàu cá rời, cập cảng cá Ninh Cơ, giám sát sản lượng và thu sổ nhật ký khai thác báo cáo khai thác theo quy định và bố trí lực lượng thực hiện công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác khi chủ tàu có nhu cầu.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2021 đã kiểm soát được 1.566 lượt tàu cập cảng; 48 lượt tàu rời cảng, sản lượng giám sát 6.982,5 tấn; thu 141 sổ nhật ký khai thác.

Tuy nhiên, theo ông Chung, vẫn còn 1 số tồn tại, hạn chế như chủ tàu, thuyền trưởng chưa chấp hành việc thông báo trước 1 giờ khi tàu rời, cập cảng. Việc ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác chưa đầy đủ, chính xác.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định có nhiều bến cá tự phát ở khắp các huyện ven biển nên không thể kiểm soát hết được tàu xuất, nhập bến.

Bên cạnh đó, chưa có tổ chức, cá nhân nào xin xác nhận và chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác.

Nam Định gặp khó trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác - Ảnh 2.

Nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa chấp hành việc thông báo trước 1 giờ khi tàu rời, cập cảng... khiến việc kiểm soát tàu xuất, nhập bến gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở NNPTNT Nam Định, nguyên nhân chủ yếu do việc nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác cho tổ chức quản lý cảng cá theo quy định mỗi chuyến biển một lần trước thời điểm bốc dỡ hàng thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Trong khi tàu cá neo đậu ở rất nhiều bến cá ven biển, thì Nam Định mới có 2 tổ chức quản lý cảng cá ở huyện Hải Hậu. 

Công tác quản lý còn nhiều bất cập, hiện các đơn vị chưa yêu cầu được tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên của huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng về Cảng cá Ninh Cơ (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu) bốc dỡ hàng thủy sản.

Cơ sở hạ tầng cảng cá đã được đầu tư, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, ra vào của tàu cá có công suất lớn, đặc biệt là tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Các sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh xuất khẩu tiểu ngạch nên nhiều chủ tàu chưa có nhu cầu làm thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản.

Với quyết tâm cùng cả nước nhanh chóng tháo gỡ "thẻ vàng" và xử lý dứt điểm những bất cập trên, Sở NNPTNT Nam Định yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng, khu neo đậu tàu thuyền và tuần tra kiểm tra, kiểm soát trên biển phát hiện các trường hợp vi phạm khai thác IUU.

Thực hiện thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng; thực hiện xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Rà soát lại quy trình giám sát sản lượng tại Cảng cá Ninh Cơ. Yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng phải thực hiện thông báo trước 1 giờ khi rời, cập cảng. Xử lý nghiêm các trường hợp không ghi, ghi không đúng, ghi không đầy đủ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác.

Đảm bảo các điều kiện về tổ chức, con người, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Văn phòng Thanh tra, kiểm tra và kiểm soát tại cảng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ lưu trữ đảm bảo truy xuất nhanh các tài liệu, hồ sơ về công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (như nhật ký khai thác, báo cáo khai thác...); hồ sơ liên quan đến tàu cá: đăng ký đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản; hồ sơ về tàu cá vi phạm khai thác IUU bị xử lý; hồ sơ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; hồ sơ kiểm soát tàu cá ra vào cảng.

Bên cạnh đó, Sở NNPTNT Nam Định cũng yêu cầu các cảng cá phải đảm bảo duy trì vệ sinh sạch sẽ, nước rửa sản phẩm khai thác phải là nước sạch nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sản phẩm khai thác lên bến và hàng hóa tập kết xuống tàu phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ; đảm bảo tàu cá cập cảng phải là tàu được đăng ký, cấp phép và được ghi chép trong sổ nhật ký tàu thuyền cập cảng.

Cảng cá Ninh Cơ cần có phương án đảm bảo hồ sơ giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản và tạo điều kiện cho các cảng cá, bến cá khác phối hợp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ban quản lý Cảng cá Nam Định, các Trạm Thủy sản vùng thuộc Chi cục Thủy sản phối hợp với các đồn, trạm Kiểm soát Biên phòng tổ chức hướng dẫn mẫu, thu sổ nhật ký khai thác thủy sản tại các bến cá.

Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng Tham mưu- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định nghiên cứu tham mưu biên bản xuất, nhập bến cá để các trạm Kiểm soát Biên phòng lập cùng với việc kiểm tra xuất nhập bến cá hàng ngày tại các địa bàn chưa có cảng cá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem