Nam Định: Dân ra biển bắt được toàn cá thu to, nhưng quá buồn vì bán rẻ chưa từng thấy

T. Nam - L. Hồng Thứ hai, ngày 04/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên giá bán hải sản giảm sâu, chuỗi đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ bị “đứt gãy” đã khiến cho nhiều ngư dân khai thác xa bờ và doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh Nam Định khó khăn đủ đường.
Bình luận 0
Tiền Giang: Phát hiện nhỏ này giúp ông nông dân trồng cây đặc sản có thu nhập lớn vào mùa TếtGiá gia cầm hôm nay 3/10: Giá gà công nghiệp, giá vịt thịt tăng nhẹ, khan hàng

Ngư dân khốn đốn nhưng vẫn cố gắng bám biển

Con tàu gỗ công suất hơn 600CV mang biển kiểm soát NĐ92658TS do anh Vũ Văn Chinh (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) làm thuyền trưởng nằm bờ đã gần 1 tháng nay. Một phần là do đang tu sửa lại tàu, một phần do sản lượng đánh bắt kém, giá bán hải sản thấp nên anh Chinh chưa muốn ra khơi.

Anh Chinh cho hay, trung bình mỗi năm tàu đánh bắt cá của gia đình anh khai thác xa bờ khoảng 20 chuyến. Tàu khai thác hải sản xuyên tỉnh, từ vùng biển Quảng Ninh đổ vào vùng biển các tỉnh miền Trung.

Nam Định: Giá tôm cá lao dốc, ngư dân lao đao - Ảnh 1.

Giá tôm cá giảm là một trong những lý do khiến anh Vũ Văn Chinh (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) chưa muốn cho tàu ra khơi.

"Mỗi chuyến ra khơi của chúng tôi kéo dài hơn 10 ngày, khi nguồn thức ăn dự trữ cho các thành viên gần cạn kiệt thì tàu sẽ quay đầu về và cập bến tại Cảng cá Ninh Cơ. Nếu thời tiết thuận lợi, ủng hộ thì mỗi chuyến tàu đánh bắt được hơn 1 tấn cá thu", anh Chính nói.

Theo anh Chinh, trước đây khi chưa có dịch bệnh Covid- 19 thì giá bán cá thu rất cao, ở ngưỡng 170.000 - 200.000 đồng/kg, thậm chí dịp cuối năm còn lên đến 300.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cá thu liên tục giảm. Giá cá giảm mạnh nhất từ dịp lễ 30/4 trở lại đây (thời điểm làn sóng Covid- 19 lần thứ 4 bùng phát mạnh). Hiện bình quân giá cá thu chỉ còn khoảng 90.000 đồng/kg.

Nam Định: Giá tôm cá lao dốc, ngư dân lao đao - Ảnh 2.

Sản lượng đánh bắt kém, giá bán hải sản, trong đó có cá thu giảm sâu nên nhiều ngư dân ở Nam Định gặp nhiều khó khăn.

Theo tính toán của anh Chinh, hiện giá nhiên liệu dầu tăng cao, thời điểm này đang ở mức 17.500 đồng/lít, cao hơn so với cùng kì năm ngoái (tăng 4.000 đồng/lít). 

Với công suất hơn 600CV, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt hải sản tàu của anh Chinh tiêu thụ hết khoảng 3.000 lít dầu, tương đương với hơn 40 triệu đồng, trừ chi phí, thu nhập chẳng còn là bao.

"Với sản lượng đánh bắt như trên, mỗi chuyến tàu tôi thu về hơn 90 triệu đồng; trừ tiền dầu, tiền đá lạnh, chí phí sinh hoạt của 7 lao động thì tôi còn khoảng trên 30 triệu đồng; đấy là chưa trừ tiền khấu hao tàu, lưới, tiền trả lương cho các lao động", anh Chinh phân trần.

Gắn bó với biển khơi hàng chục năm nay, nhưng chưa bao giờ ngư dân Trần Văn Châu (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) lại gặp khó khăn như giai đoạn hiện nay.

Anh Châu tâm sự: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19, thời quan qua giá cá các loại giảm sâu so với mọi năm, nên đã tác động không nhỏ đến việc hoạt động, đánh bắt cá xa bờ của ngư dân Nam Định nói chung và gia đình anh nói riêng.

Những năm trước, anh và các lao động của mình đánh bắt hải sản bằng tàu Hải Âu 02 mang biển kiểm soát VN96889TS với công suất trên 600CV.

Thế nhưng con tàu này tiêu thụ nhiên liệu cao (khoảng 3.000 lít dầu/chuyến) nên từ đầu năm nay anh Châu đã chuyển đổi sang đánh bắt bằng tàu gỗ với công suất thấp hơn, tiêu thụ nhiên liệu ít hơn (khoảng 1.500 lít dầu/chuyến) để giảm chi phí đầu vào.

"Từ đầu năm đến nay, tàu đã ra khơi được hơn 10 chuyến, mỗi chuyến đánh bắt khoảng 7 - 8 tạ cá thu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 hoành hành phức tạp, kéo dài nên giá cá thu bán không được cao. Sau khi trừ tất cả các chi phí, có chuyến tôi hòa vốn, có chuyến lãi ít…", ngư dân Trần Văn Châu thổ lộ.

Nam Định: Giá tôm cá lao dốc, ngư dân lao đao - Ảnh 3.

Hiện tại, Công ty TNHH Thịnh Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đang tồn kho khoảng 200 tấn hải sản.

Dẫu biết rằng, sản lượng đánh bắt ngày càng kém, giá bán hải sản lao dốc, thu nhập giảm đi nhiều, nhưng ngư dân Vũ Văn Chinh, Trần Văn Châu và nhiều ngư dân khác ở tỉnh Nam Định vẫn cố gắng bám biểm, bám nghề, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Nam Định chia sẻ: 9 tháng đầu năm, sản lượng hải sản giám sát tại Cảng cá Ninh Cơ là trên 7.000 tấn, thu 203 sổ nhật kí.

Toàn bộ hải sản ngư dân đánh bắt được đều bán trực tiếp cho các đầu nậu (cơ sở thu mua hải sản - PV). Hiện nay, có khoảng 7 đầu nậu chuyên thu mua hải sản ở Cảng cá Ninh Cơ (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu).

Theo ông Chung, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm cho thị trường biến động, giá bán các loại hải sản bị giảm nhiều.

"Trước những khó khăn của các chủ tàu trong giai đoạn hiện nay, đơn vị tạo mọi điều kiện để các ngư dân yên tâm đánh bắt, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19", ông Chung nói.

Doanh nghiệp thủy sản "khó khăn đủ đường"

Là một trong những đơn vị thu mua hải sản với số lượng lớn từ các tàu đánh bắt xa bờ, Công ty TNHH Thịnh Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cũng đang gặp khó khăn vì "bế tắc" đầu ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nam Định: Giá tôm cá lao dốc, ngư dân lao đao - Ảnh 4.

Toàn bộ hải sản ngư dân đánh bắt được đều bán trực tiếp cho các đầu nậu (cơ sở thu mua hải sản - PV)

Anh Nguyễn Hữu Tài- Phó Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Long cho hay: Trước đây, các mặt hàng thủy sản của Công ty xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch rất thuận lợi.

Năm 2019, phía Trung Quốc siết chặt đường biên giới nên việc thông quan sang nước bạn gặp nhiều khó khăn. Do con đường xuất ngoại bị "chặn đứng", Công ty chuyển hướng tiêu thụ nội địa, chủ yếu cung cấp cho các cơ sở kinh doanh, chế biến hải sản ở trong nước. Ước tính, mỗi tháng Công ty cung ứng ra thị trường gần 40 tấn hải sản.

Nhưng, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, việc tiêu thụ hải sản của Công ty lại càng khó khăn hơn. Năm 2020 mặc dù có ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đầu ra vẫn suôn sẻ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay thì "bế tắc" kéo dài, không những thế, giá cá các loại hải sản đều giảm khoảng 30%.

"Những tháng đầu năm, Công ty vẫn tiêu thụ được nhưng nhỏ giọt, song từ dịp lễ 30/4 đến nay thì giậm chân tại chỗ, không xuất bán đi đâu được, hải sản buộc phải bảo quản tại các kho lạnh", anh Tài chia sẻ.

Công ty TNHH Thịnh Long có 5 kho bảo quản hải sản. Hiện tại, các kho đã chứa đầy, do đó Công ty phải thuê thêm 2 kho lạnh bên ngoài để bảo quản sản phẩm.

Theo thống kê, thời điểm này Công ty đang tồn kho khoảng 200 tấn hải sản (trị giá hơn 20 tỉ đồng) tính từ sau 30/4 trở về đây. Dù đã cố gắng hết sức để tiêu thụ nội địa, nhưng đầu ra trong nước có hạn, Công ty không thể giải phóng số lượng hàng hóa khổng lồ này được.

Mặc dù, đầu ra "bế tắc", hàng hóa bị tồn kho nhưng hàng ngày Công ty TNHH Thịnh Long vẫn thu mua gần 30 tấn hải sản từ các chủ tàu.

"Biết là thua lỗ nhưng chúng tôi vẫn đứng ra thu mua hải sản cho các chủ tàu để giữ mối làm ăn, để các chủ tàu có kinh phí hoạt động. Chúng tôi không những thu mua hải sản của các tàu trong tỉnh mà con thu mua giúp các tàu tỉnh ngoài khi cập bến vào Nam Định", anh Tài tâm sự.

Theo anh Tài, ngoài việc đầu tư vốn nhằm duy trì làm ăn với các chủ tàu, hàng tháng Công ty phải bỏ ra 1 khoản chi phí rất lớn (hàng trăm triệu đồng - PV) để thanh toán tiền lương cho 30 công nhân, thanh toán tiền điện, trả lãi ngân hàng…

Trong khi đó, hàng hóa bị tồn đọng, đồng nghĩa với việc vốn của Công ty bị tồn đọng theo nên khả năng đảm bảo nguồn vốn tái đầu tư cho ngư dân đi biển sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

"Tôi mong các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi, cắt giảm các thủ tục, giấy tờ rườm rà để các doanh nghiệp, ngư dân đánh bắt hải sản vượt qua khó khăn trong giai đoạn này", anh Tài đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem