Mỹ trừng phạt vũ khí: Nga không phải Triều Tiên!

Thứ sáu, ngày 02/11/2018 12:05 PM (GMT+7)
Với Nga, không ai dám ngăn chặn việc xuất khẩu vũ khí. Nga đã và đang hợp tác với hàng chục quốc gia trên quy mô lớn.
Bình luận 0

Nga tự tin tung đòn khích tướng

Trang Sputnik của Nga mới đây đã lật lại vấn đề Mỹ đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara có kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga vào năm 2019. Theo đó, Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA).

Trước đó, hồi tháng 9 vừa qua, Washington đã công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Cục Phát triển Trang bị thuộc Ủy ban Quân sự Trung ương (Quân ủy Trung ương) Trung Quốc và Giám đốc cơ quan này là ông Lý Thượng Phúc do Bắc Kinh mua các máy bay chiến đấu Su-35 và một số hệ thống S-400 của Nga.

img

CAATS đang trở thành "vũ khí hạng nặng" của Mỹ đối với Nga

Theo Sputnik, thời gian gần đây, Mỹ tăng cường nỗ lực gây sức ép đối với các quốc gia để hạn chế khối lượng vũ khí xuất khẩu của Nga. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có đạt được kết quả mong muốn thông qua các biện pháp trừng phạt “phụ” kiểu nêu trên?

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin gọi các biện pháp trừng phạt phụ là "trừng phạt bậc hai" mà Mỹ áp đặt đối với các quốc gia hợp tác với Nga trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Theo ông, đây là một hiện tượng chưa từng có bởi ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ không bao giờ sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại các quốc gia phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự với Liên Xô mà chỉ gây áp lực “ngầm”.

Hiện nay Mỹ công khai tuyên bố có quyền đơn phương xác định liệu những quốc gia khác có thể hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga hay không. Do đó, chuyên gia Nga cho rằng nếu bất kỳ nước nào chấp nhận yêu cầu như vậy thì sẽ tạo ra một tiền lệ pháp lý và chính trị quốc tế nguy hiểm. Mỹ sẽ sử dụng tiền lệ này để một lần nữa ngăn chặn bất kỳ hình thức hợp tác công nghệ và quân sự giữa các quốc gia khác, và không nhất thiết chỉ chống lại Nga.

Mỹ có thể cố gắng kiểm soát lưu hành các sản phẩm công nghệ cao trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, năng lượng hạt nhân hoặc siêu máy tính, với cái cớ là người bán hoặc người mua công nghệ này là một chế độ không làm vừa lòng chính phủ Mỹ. Do đó, chuyên gia Kashin cho rằng các nước trên thế giới cần hành động để làm cho chính sách này của Mỹ bị thất bại.

img

Ấn Độ vẫn mua S-400 bất chấp CAATSA của Mỹ

Sputnik nêu ra trường hợp của Triều Tiên để chứng tỏ chính sách trừng phạt của Mỹ, kể cả có sự “vào cuộc” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, không hẳn đã hiệu quả. Triều Tiên không phải là một quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ quân sự và không đóng vai trò quan trọng trên thị trường vũ khí quốc tế. Thế nhưng, mọi biện pháp vẫn không thể ngăn được một số nước cung cấp vũ khí cho Triều Tiên.

Giới phân tích Nga nhấn mạnh, với Nga, không ai dám ngăn chặn việc xuất khẩu vũ khí. Nga đã và đang hợp tác với hàng chục quốc gia trên quy mô lớn. Các loại vũ khí của Nga đã được cung cấp trước đây trị giá hàng chục tỷ USD và cần phải được bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế phụ tùng. Sputnik cũng tỏ rõ sự “tự tin” khi cho rằng trong một số trường hợp, không gì có thể thay thế vũ khí Nga.

Mưu kế kiểu Mỹ

Để hiểu rõ hơn mục đích của Mỹ khi cố gắng siết chặt xuất khẩu vũ khí của Nga chỉ cần đặt câu hỏi ai sẽ được lợi nhất với chính sách này.

Tờ Les Echos (Pháp) mới đây đã chỉ thẳng ra rằng ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ là một trong những lĩnh vực hưởng lợi đầu tiên từ các chính sách kinh tế và quốc phòng của Chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong những ngày gần đây, doanh số cao của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ tiếp tục chứng minh điều đó.

Hãng Boeing đã nâng mức dự báo hàng năm sau khi công bố lãi ròng tăng 37%/năm, cao hơn ước đoán của các nhà phân tích. Tập đoàn này hiện đang nhắm tới mục tiêu đạt doanh thu từ 98 tỷ đến 100 tỷ USD trong năm 2018 nhờ các đơn đặt hàng quốc phòng, lợi tức sẽ tăng 15 USD cho mỗi cổ phiếu, cao hơn 4% mức dự báo trước đó.

Northrop Grumman, tập đoàn kinh doanh vũ khí lớn thứ 5 của Mỹ, cũng đã nâng các mục tiêu kinh doanh của mình, đặc biệt nhờ các hợp đồng mới với Lầu Năm Góc. Dự kiến doanh thu trong năm 2018 của tập đoàn này đạt khoảng 30 tỷ USD, với tỷ suất lợi nhuận là 12%, cao hơn so với 11% trước đó.

img

Mới đây có thông tin Mỹ "ép" Ấn Độ mua F-16 để được miễn trừng phạt

Lockheed Martin, nhà thầu vũ khí hàng đầu của Mỹ, tăng dự báo lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng lên 5-6% trong năm 2019. Tập đoàn này dự đoán triển vọng năm 2019 khá tốt đẹp với giả định rằng Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ và tài trợ các chương trình quan trọng mà họ phát triển.

Những kết quả trên chủ yếu là do chính sách tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ. Hồi tháng 8, Tổng thống Trump đã ký Luật ngân sách năm 2019, trong đó ngân sách dành cho Quân đội Mỹ lên tới hơn 700 tỷ USD. Đây là mức ngân sách kỷ lục, tăng 7% so với ngân sách năm 2018.

Để đáp ứng nhiều đơn đặt hàng thời gian tới, "Năm tập đoàn lớn- Big 5" của Mỹ là Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Raytheon và Northrop Grumman đang có kế hoạch tái cơ cấu hoạt động sản xuất.

img

Nga tự tin nhiều mẫu vũ khí của mình là "không thể thay thế"

Một làn sóng hợp nhất và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đã có những tác động đáng kể đến ngành công nghiệp này trong những tháng gần đây. General Dynamics đã mua lại công ty CSRA chuyên về an ninh mạng với giá 9,6 tỷ USD, trong khi Northrop đã mua công ty Orbital ATK với giá 7,8 tỷ USD.

“Big 5” sẽ chào đón thành viên thứ 6 là L3 & Harris Corp. Hai doanh nghiệp này đã sáp nhập vài tuần trước để tạo thành một tập đoàn với doanh thu khoảng 16 tỷ USD trong năm nay và mức vốn hóa vượt 33 tỷ USD.

Sau khi đáp ứng nhu cầu nội địa, các tập đoàn lớn của Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục vươn ra thị trường thế giới mà ở đó Nga chắc chắn là đối thủ đáng gờm nhất. Sử dụng luật công khai và sức mạnh ngầm để ép các nước chấm dứt mua vũ khí Nga là một trong những cách hữu hiệu.

img

Xe tăng T-90, một trong những mẫu vũ khí đắt hàng của Nga

Theo Sputnik, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể khiến Nga trì hoãn thực hiện một số hợp đồng cho những năm tới. Ví dụ, các phương thức thanh toán thông thường sẽ trở thành phức tạp hơn. Vì vậy, cần phải tạo ra những phương thức mới để bảo vệ các nhà cung cấp Nga và người mua nước ngoài.

Ngày 31.10, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov cho biết hợp đồng cung cấp các tổ hợp S-400 cho Ấn Độ đã được ký kết và sẽ sử dụng phương thức thanh toán bằng đồng ruble. Thực tiễn thanh toán bằng đồng ruble thay vì sử dụng đồng USD có thể trở thành một quy tắc trong các giao dịch của Nga với các đối tác trong hợp tác kỹ thuật quân sự.

Với lập luận trên, Sputnik cho rằng khối lượng xuất khẩu của Nga không thể giảm mà còn tăng lên bởi phương thức thanh toán mới bằng đồng ruble có thể mang lại lợi nhuận cho người mua.

Đông Triều (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem