dd/mm/yyyy

Muốn có nông nghiệp 4.0 phải làm tốt truy xuất nguồn gốc

Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP… nhưng như vậy vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức khi cần có thể kiểm tra được ngay.

Xu thế của ngành nông nghiệp hiện đại

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.

Muốn có nông nghiệp 4.0 phải làm tốt truy xuất nguồn gốc - Ảnh 1.

Truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu của nông nghiệp thời 4.0. Ảnh minh Họa

"Đã qua cái thời làm ra nông sản nào cũng bán được và nông dân chỉ quan tâm tăng năng suất để thu lợi nhuận cao. Bây giờ bà con phải thực hiện truy xuất nguồn gốc và chứng nhận bảo đảm về chất lượng sản phẩm thì mới xuất khẩu được sang thị trường khó tính".

Ông Nguyễn Văn Sol

Với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin về sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Khi chủ động truy xuất bằng chính mã vạch trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống thông tin hiện đại, người tiêu dùng yên tâm mua sắm, còn nhà bán lẻ dễ kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa.

Các thị trường phát triển rất chú trọng việc truy xuất nguồn gốc, đặc biệt trong ngành thực phẩm. Theo ông Bùi Huy Bình - Giám đốc điều hành TraceVerified, TraceVerified đưa thông tin minh bạch về thực phẩm của Việt Nam, là cầu nối thông tin giữa nhà sản xuất và người mua. Đây là hệ thống được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, dễ sử dụng với mọi đối tượng. Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc cũng như mã số vùng trồng được các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Hiệp Thành, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, Tây Ninh) cho biết, qua tìm hiểu thị trường, ông nhận thấy bơ booth là cây ăn trái dễ trồng, ít tốn công chăm sóc lẫn chi phí đầu tư, lại mang về thu nhập lớn và ổn định cho hộ trồng. Nếu áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, cây bơ sẽ cho năng suất cao vượt trội, cải thiện đời sống kinh tế của hộ trồng một cách đáng kể nhờ giá bơ bán ra ngoài thị trường.

Không nằm ngoài xu thế

Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Sol đã áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trên trái na Hoàng hậu, với diện tích 10ha, tại ấp 7, xã Suối Dây (Tân Châu, Tây Ninh). Theo ông Sol, năng suất của na Hoàng hậu khoảng 4 tấn/ha.

Để khẳng định vị thế sản phẩm na Hoàng hậu trên thị trường, điều đầu tiên là người trồng phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đăng ký chứng nhận VietGAP và áp dụng truy xuất nguồn gốc cũng như mã vùng cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hòa (ấp Trường Xuân, xã Trường Hòa (thị xã Hòa Thành, Tây Ninh) cho biết, thời gian qua, trái nhãn gặp nhiều khó khăn và đầu ra không ổn định. Với quyết tâm làm giàu từ cây nhãn, ông Hòa thay đổi phương thức sản xuất và bắt đầu áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho trái nhãn với diện tích canh tác gần 2ha.

Theo ông Hòa, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc làm chi phí sản xuất tăng thêm (400 - 500 đồng/tem). Tuy nhiên, đây là giải pháp hữu hiệu để xác nhận trái nhãn mình làm ra và mạnh dạn khẳng định chất lượng, độ an toàn của sản phẩm.

Lợi ích của việc áp dụng truy xuất nguồn gốc trên cây ăn trái là góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm mình làm ra, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít nhà vườn vẫn còn khá lơ là về vấn đề này.

Nhiều nông dân có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, đã từng tham gia vào thị trường xuất khẩu, vẫn có tâm lý chờ hỗ trợ mới triển khai chương trình này. Trong khi đó, hiện nay, thị trường ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng, đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc.

Thanh Tâm