Một tháng nằm dưới sự cai trị của Taliban, cuộc sống của người dân Afghanistan ra sao?

Thứ năm, ngày 16/09/2021 14:00 PM (GMT+7)
Hôm 15/8, lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul, chiếm dinh Tổng thống, qua đó tuyên bố chiến thắng trước toàn thể người dân Afghanistan cùng các đồng minh.
Bình luận 0
Một tháng nằm dưới sự cai trị của Taliban, cuộc sống của người dân Afghanistan ra sao? - Ảnh 1.

Những chiến binh ở Hairatan. Ảnh: BBC

Tại biên giới Afghanistan với Uzbekistan, một đoàn tàu chở hàng đi qua cầu và tiến vào "Tiểu vương quốc Hồi giáo" mới được thành lập. Lá cờ trắng và đen của Taliban phấp phới bên cạnh cờ của người Uzbekistan. Một số thương nhân hoan nghênh sự trở lại của lực lượng này. Người lái tàu nói rằng trong quá khứ anh ta thường xuyên phải đưa hối lộ cho các quan chức cảnh sát tham nhũng mỗi khi đi qua trạm kiểm soát. "Bây giờ tôi không còn gặp phải tình trạng như vậy nữa", anh ta nói. "Tôi có thể lái xe đến tận Kabul mà không cần phải tốn một xu".

Đã đúng một tháng kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, lượng tiền mặt hiện đang thiếu hụt và đất nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng.

Một nguồn tin cho biết tốc độ giao thương, thương mại đã giảm đáng kể, phần nhiều là do các nhà nhập khẩu ở Afghanistan không thể trả tiền cho hàng hóa mới. Ông nói: "Giao thương sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển nền kinh tế".

Cách đó khoảng một giờ lái xe là Mazar-i-Sharif, thành phố lớn thứ 4 của đất nước. Tại đó, cuộc sống dường như vẫn tiếp tục bình thường, tuy nhiên trên thực tế nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính.

Một tháng nằm dưới sự cai trị của Taliban, cuộc sống của người dân Afghanistan ra sao? - Ảnh 2.

Nhà thờ Hồi giáo Blue Mosque ở Mazar-i-Sharif. Ảnh: BBC

Hồi đầu tháng 8, không lâu trước khi Taliban tiếp quản, tại nhà thờ Hồi giáo Blue Mosque được lát gạch tinh xảo, trung tâm văn hóa của thành phố, dường như chật cứng nam nữ giao lưu và chụp ảnh cùng nhau.

Mặc dù vậy, Taliban hiện đã phân bổ thời gian thăm viếng riêng biệt theo giới tính: Phụ nữ có thể đến vào buổi sáng, còn nam giới tới vào những thời gian còn lại trong ngày. "Số lượng khách đến thăm ít hơn đáng kể so với trước đây, có lẽ mọi người vẫn cần thêm thời gian để làm quen với chính phủ mới," một người phụ nữ rụt rè gợi ý.

Có những chỉ trích rằng những luật lệ của Haji Hekmat, một thủ lĩnh Taliban có ảnh hưởng ở địa phương, đang giết chết nền văn hóa của khu vực này.

"Không," ông trả lời một cách dứt khoát, "Chính những ảnh hưởng của phương Tây trong 20 năm qua mới là sai trái... Quyền kiểm soát Afghanistan đã truyền từ tay nước này sang nước khác trong 40 năm, chúng tôi đã đánh mất truyền thống và giá trị của chính mình. Chúng tôi đang đưa văn hóa của mình trở lại với cuộc sống".

Theo sự hiểu biết của ông về đạo Hồi, việc nam nữ đứng gần nhau nên bị cấm.

Một tháng nằm dưới sự cai trị của Taliban, cuộc sống của người dân Afghanistan ra sao? - Ảnh 3.

Haji Hekmat cho biết: "Chúng tôi đang đưa nền văn hóa của mình trở lại cuộc sống". Ảnh: BBC

Haji Hekmat có vẻ thực sự bị thuyết phục rằng Taliban đang nhận được sự ủng hộ của người dân.

Trên thực tế, tại các thành phố lớn của Afghanistan, nhiều người vẫn nghi ngờ Taliban do tiền sử về các vụ đánh bom liều chết và những vụ ám sát có chủ đích ở khu vực đô thị.

Tại con phố chính trung tâm Mazar-i-Sharif, bốn xác chết với vết thương do đạn bắn được tìm thấy. Bên cạnh là một dòng chữ viết tay nhỏ ghi rằng đây là những kẻ bắt cóc, đồng thời cảnh báo những tên tội phạm khác sẽ phải chịu hình phạt tương tự.

Bất chấp tiết trời nắng gắt, đám đông vẫn chụp ảnh và cố gắng xô đẩy nhau để có cái nhìn rõ hơn. Tội phạm bạo lực từ lâu đã trở thành một vấn đề lớn ở các thành phố Afghanistan, thậm chí một số còn cho rằng hành động của Taliban đã cải thiện an ninh. Một nhân chứng cho biết: "Nếu chúng thật sự là những kẻ bắt cóc thì đó là một điều tốt. Đó sẽ là một bài học cho những kẻ khác".

Tuy vậy, rất nhiều người khác trong thành phố không cảm thấy an toàn. Sinh viên luật Farzana nói: "Mỗi khi bước ra khỏi nhà và nhìn thấy Taliban, tôi rùng mình vì sợ hãi".

Các trường đại học tư như trường đại học của cô đã mở cửa trở lại, nhưng những trường do chính phủ điều hành vẫn đóng cửa cho đến nay. Theo quy định mới của Taliban, sinh viên nam và nữ học trong cùng một lớp học phải được ngăn cách qua một bức màn.

Một tháng nằm dưới sự cai trị của Taliban, cuộc sống của người dân Afghanistan ra sao? - Ảnh 5.

Nam và nữ sinh viên đại học được ngăn cách bởi một bức màn. Ảnh: BBC

Đối với Farzana, điều đó cũng không thành vấn đề. Mặc dù vậy, cô lo ngại rằng Taliban có thể sẽ không để phụ nữ làm việc. Hiện tại, phụ nữ ở Afghanistan được yêu cầu ở nhà vì sự an toàn của chính họ, trừ khi họ là giáo viên hoặc nhân viên y tế.

Farzana nói: "Hiện tại tôi đang cảm thấy vô vọng, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để lạc quan cho tương lai".

Lần cuối cùng Taliban nắm quyền, họ đã áp dụng các biện pháp hạn chế khắt khe hơn nhiều, ví dụ như cấm phụ nữ rời khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng. Rất nhiều người lo ngại rằng những luật tương tự có thể sẽ xuất hiện trở lại.

Taliban đang nắm quyền kiểm soát đất nước, tuy nhiên họ vẫn chưa thu phục được trái tim của nhiều người dân. Haji Hekmat thừa nhận: "Tiếp quản đất nước về mặt quân sự đã khó, thực hiện pháp quyền và bảo vệ nó còn khó hơn".

Lê Phương (BBC)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem