dd/mm/yyyy

Một phụ nữ Thái chia sẻ cách nuôi con biết ăn cả lá ngón

Ngoài nuôi trâu, bò, lợn, một phụ nữ dân tộc Thái ở Sơn La đã có thu thập cao nhờ nuôi thêm dê, loài vật biết ăn cả lá ngón không chết.

Từng một thời là hộ khó khăn, nhưng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chị Lò Thị Hoạ, sinh năm 1974, bản Bú Bon, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã bứt phá thành hộ khá giả và có nguồn thu nhập ổn định.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, chị Hoạ cho biết: Trước đây, nhà tôi trồng ngô, sắn nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mùa giáp hạt, ngoài ăn ngô, sắn, vợ chồng tôi đào thêm củ mài để giúp các con no cái bụng. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, cuộc sống ngày một khổ hơn do đất đai bạc màu, cây sắn, cây ngô năng suất ngày một giảm.

Bỏ túi trăm triệu nhờ nuôi con biết ăn cả lá ngón - Ảnh 1.

Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê của chị Hoạ con nào cũng béo tốt, khoẻ mạnh.

Năm 2010, chị Hoạ may mắn được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi gia súc do các cơ quan chuyên môn của huyện Quỳnh Nhai phối hợp với xã Mường Sại tổ chức. Sau đó, gia đình chị Hoạ nhận thấy, bản Bú Bon có tiềm năng, lợi thế trong chăn nuôi gia súc. Với số vốn tích góp được sau nhiều năm lao động cộng với số tiền vay mượn của bạn bè, người thân, gia đình chị Hoạ làm chuồng và mua 5 con dê về nuôi.

Theo chị Hoạ, ban đầu, mặc dù đã được tập huấn nhưng trên sách vở khác rất so với thực tế khi bắt tay vào nuôi dê núi. Sau một thời gian khi nuôi, một vài con dê xuất hiện tình trạng đau bụng, ra phân lỏng, nát dẫn đến còi cọc và chết.

Bỏ túi trăm triệu nhờ nuôi con biết ăn cả lá ngón - Ảnh 2.

Theo chị Hoạ, nuôi dê đực không những sức đề kháng cao mà giá bán lại cao hơn so với dê cái.

Để khắc phục tình trạng này, chị Hoạ tìm đến những mô hình nuôi dê lâu năm để học hỏi cách trị bệnh. Bên cạnh đó, chị Hoạ còn tìm đến cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân xã để mua thuốc phòng bệnh cho đàn dê. Năm này qua năm khác, chị Hoạ tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm hơn. Từ đó, đàn dê của chị Hoạ không còn hiện tượng ốm đau, phân lỏng, nát mà phát triển rất tốt.

Tiết lộ bí quyết nuôi dê, chị Hoạ bảo: Để nuôi dê thành công cần nhận biết được những dấu hiệu bệnh tật ở dê. Từ đó, có cách điều trị kịp thời. Mặt khác, chuồng nuôi dê phải được vệ sinh sạch sẽ, khô ráo. Nếu dê nhiều, một tuần quét dọn 2 lần, dê ít thì một tuần một lần. Đồng thời, rắc thêm vôi bột. Cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống đảm bảo vệ sinh cho dê. Lưu ý, thức ăn phải khô ráo, tránh ôi thiu, ẩm, mốc. Khi có hiện tượng ra phân lỏng, nát, chướng bụng, cho dê uống nước lá ổi và tỏi giã nhuyễn với dấm...

Bỏ túi trăm triệu nhờ nuôi con biết ăn cả lá ngón - Ảnh 3.

Thức ăn của dê chủ yếu là rau rừng nên chất lượng thịt rất thơm ngon.

Cũng theo chị Hoạ, dê là loại động vật ăn tạp, thức ăn chủ yếu là các loại rau ở trong rừng nên rất dễ nuôi. Đặc biệt, dê ăn được cả lá ngón nhưng không chết. Trong khi đó, người và các động vật khác ăn lá ngón là chết. Ngoài ra, bổ sung thêm muối để cung cấp thêm chất vi lượng cần thiết.

Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, đàn dê của chị Hoạ đã phát triển lên đến hàng chục con. Nếu như trước đây, chị Hoạ nuôi dê sinh sản là chính thì mấy năm trở lại đây để tăng hiệu quả kinh tế, chị chuyển sang nuôi 100% dê đực thương phẩm. Để tăng thêm thu nhập, chị Hoạ nuôi thêm 10 con trâu, bò; 30 con lợn. Mỗi năm, từ bán dê, trâu, bò, lợn, chị Hoạ thu trên 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, chị Hoạ bỏ túi trên 100 triệu đồng.

Bỏ túi trăm triệu nhờ nuôi con biết ăn cả lá ngón - Ảnh 4.

Để tăng thêm nguồn thu, chị Họa nuôi thêm bò.

Nhìn mô hình chăn nuôi của chị Hoạ, bà con bản Bú Bon đều thán phục nghị lực làm giàu của người phụ nữ dân tộc Thái này. Nhiều người nói vui, từ hộ khó khăn, chị Hoạ đã bứt phá thành hộ khá giả nhờ nuôi con ăn được cả lá ngón mà vẫn không chết.

PV Tây Bắc