Một năm 5 lần điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi: Nông dân chịu hết nổi, “treo” chuồng vì lỗ

Trần Đáng – Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 20/04/2021 12:40 PM (GMT+7)
Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đột ngột tăng cao khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn khi giá lợn hơi, giá gia cầm đang có xu hướng giảm.
Bình luận 0

Chịu hết nổi giá thức ăn chăn nuôi…

Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, tại khu vực miền Đông Nam Bộ, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) đồng loạt niêm yết giá bán sản phẩm tăng thêm, mức tăng bình quân từ tăng 300 - 400 đồng/kg, cá biệt có sản phẩm TACN của một số DN đã tăng 600 - 800 đồng/kg. 

Theo giới chăn nuôi, đây là đợt tăng giá liên tiếp trong 5 tháng gần đây và chưa có dấu hiệu ngừng khiến cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản đứng ngồi không yên.

Một năm 5 lần điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi: Nông dân “treo” chuồng  vì thua lỗ - Ảnh 1.

Một mô hình chăn nuôi gà của nông dân ở Đồng Nai. Ảnh: I.T

Cụ thể, các loại TACN của các công ty như Lái Thiêu, CP, De Heus… đã tăng 300 - 650 đồng/kg, mức tăng giá đợt này cao gấp đôi so với mức tăng giá bình thường trước đây. Hiện, giá mỗi bao TACN đã tăng 40.000 đồng/bao (loại 25kg) so với trước thời điểm tháng 10/2920.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So, việc giá nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, khô đậu tương tăng tới 30 - 35% chính là một trong những nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng thời gian vừa qua, bởi thực tế nguồn cung lợn của Việt Nam tuy vẫn thiếu, song không quá nhiều như cuối 2019 đầu 2020. 

Các DN sản xuất TACN cho biết, một trong những nguyên nhân cơ bản làm giá các mặt hàng TACN liên tục tăng trên thị trường là do nguyên liệu để sản xuất TACN trong nước, đặc biệt là hàng nhập khẩu đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định: Việt Nam là quốc gia sản xuất TACN thuộc nhóm đầu của các nước Đông Nam Á nhưng lại không chủ động được nguồn nguyên liệu nên phải phụ thuộc vào nước ngoài tới hơn 80%.

Cụ thể, với 2 nguyên liệu chính sản xuất TACN là giá khô đậu nhập khẩu giai đoạn tháng 9/2020 ở mức 8.000 đồng/kg, hiện nay lên hơn 12.000 đồng/kg. 

Có thời điểm lên mức 14.000 đồng/kg; ngô hạt hiện giá nhập 7.300 đồng/kg, tăng 64% so với tháng 9 năm 2020. 

Ngoài ra, cước vận chuyển tăng đáng kể, như: nguyên liệu đóng container tăng hơn 200%, nguyên liệu rời tăng 50%.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai:

Đầu tư vào chất lượng hơn số lượng

Thời gian qua ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, giá cám và nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác tăng cao khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên nhiều. Trong khi đó, giá bán ra lại giảm điều này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành chăn nuôi.

img

Chăn nuôi hiện đang lệ thuộc rất nhiều vào giá thức ăn vì khoảng 75% nguyên liệu thức ăn phải nhập khẩu. Đây là một bất lợi lớn cho ngành chăn nuôi trong nước bởi giá thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng đến gần phân nửa giá thành sản xuất. Hiện tại, chúng ta không kiểm soát được giá cả thức ăn chăn nuôi và bị chi phối nhiều từ các nước xuất khẩu. Với tình hình này tôi e rằng giá thức ăn chăn nuôi còn tăng cao hơn trong thời gian tới.

Để giải quyết vấn đề đầu ra tôi nghĩ người chăn nuôi cần tập trung vào việc tăng chất lượng sản phẩm hơn là số lượng. Ngoài ra phải đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh môi trường chuồng trại để giúp gia súc, gia cầm,… khoẻ mạnh.

Ông Võ Việt Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Chế biến Thực phẩm Nam Hà Nội:

Doanh nghiệp chịu nhiều tác động

Trong khoảng hơn một tháng trở lại đây giá nguyên liệu các mặt hàng đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng một cách "phi mã" do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

img

Cụ thể, mặt hàng ngô tăng tới 30% từ mức giá 6.000 đồng/kg lên 7.800 - 8.000 đồng/kg. Khô dầu đậu tương tăng từ 9.200 - 9.500 đồng/kg lên xấp xỉ 15.000 đồng/kg. Mặt hàng bột xương thịt cũng tăng trên 30% từ 9.500 đồng/kg lên 14.500 đồng/kg.

Khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nông dân chịu hậu quả nặng nề nhất, đặc biệt là người chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ.

P.V (ghi)

Theo Bộ NNPTNT, cả nước hiện có 265 nhà máy sản xuất TACN, trong đó có 180 nhà máy thuộc DN trong nước (chiếm 68%) và 85 nhà máy thuộc DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%). Việt Nam hiện là quốc gia có quy mô và sản lượng tiêu thụ sản phẩm TACN đứng đầu Đông Nam Á.

Ngoài lượng TACN do các nhà máy trong nước cung cấp, các nhà nhập khẩu đã chi khoảng 6 - 7 tỷ USD nhập nguyên liệu để sản xuất TACN. 

Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã chi gần 650 triệu USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu sản xất TACN, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Giá gia súc gia cầm giảm

Trong khi giá TACN tăng liên tiếp đến 5 lần trong gần 1 năm trở lại đây thì giá lợn hơi, giá gia cầm thời gian gần đây lại có xu hướng giảm. 

Theo tính toán, để nuôi 1 con lợn có trọng lượng 100 kg, chi phí tiền thức ăn (8 bao cám) cộng thêm hơn 300.000 đồng là đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Giá thức ăn tăng, nhưng giá lợn hơi xuất chuồng bấp bênh và giảm đáng kể.

Hiện, giá lợn hơi bình quân 70.000 - 75.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với đầu năm 2020 (tương đương trên 1 triệu đồng/con lợn thịt trọng lượng 100kg). Với chăn nuôi lợn thịt, thức ăn cám công nghiệp chiếm khoảng 35% chi phí đầu tư.

Xã Bình Sơn được xem là "thủ phủ nuôi gà" của tỉnh Đồng Nai. Lúc cao điểm số lượng gà ở xã Bình Sơn có hơn 600.000 con với hơn 200 hộ chăn nuôi. 

Tuy nhiên, sau những đợt giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng vừa qua; hơn 50% số hộ nông dân nuôi gà ở xã Bình Sơn đã "treo" chuồng. Khoảng 2/3 số lượng gà giảm sút.

Dù có thâm niên nuôi gà gần 20 năm, nhưng sau những đợt khủng hoảng giá TACN vừa qua, từ chỗ nuôi 100.000 con gà mỗi lứa, hiện ông An chỉ còn nuôi 20.000 con gà. 

"Từ đầu năm đến giờ giá thức ăn gia cầm tăng 4 lần. Hiện, giá thức ăn gia cầm có giá 270.000-275.000 đồng/bao (25kg/bao). Với giá thức ăn này, lãi từ đàn gà, tôi chỉ đủ trả tiền công"- ông An than thở.

Tại "thủ phủ nuôi lợn" ở xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), tình hình chăn nuôi ở đây cũng khá ảm đạm do dịch tả lợn châu Phi trước đó. 

Theo UBND xã Xuân Đông, lúc cao điểm xã Xuân Đông có khoảng 50.000 con lợn, nhưng hiện đàn lợn của xã chỉ còn hơn 6.000 con. Số hộ chăn nuôi heo từ 800, hiện cũng chỉ còn khoảng 200 hộ.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Thuần - cho biết: Từ cuối năm 2020 đến nay, giá TACN liên tục tăng. 

Riêng giá lợn vẫn ở mức cao nên nông dân nuôi lợn chưa thấy bị tác động nhiều từ giá thức ăn. Tuy nhiên, đối với những hộ không nuôi lợn nái thì việc tái đàn cũng gặp khó do giá thành sản xuất quá cao cộng với việc tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Trần Văn Thương - một hộ nuôi lợn xã Xuân Đông - tính toán, với giá TACN tăng như thời gian qua, trung bình 1 con lợn thịt đến lứa xuất chuồng, người nuôi phải tốn thêm khoảng 500.000 đồng. Theo ông Thương, hiện lợn giống tại trại có giá khoảng 4 triệu đồng/con (20kg/con). Trung bình, mỗi con lợn đến lứa xuất chuồng phải tốn thêm 3 triệu đồng tiền thức ăn, tiêm phòng.

Với giá lợn trên thị trường 7-7,2 triệu đồng/tạ như hiện nay, người nuôi có nguy cơ thua lỗ nên không dám tái đàn.

Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng Hoàng Mạnh Ngọc chuyên bán trứng và gia cầm giống ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Giá các loại cám cho gia cầm đã tăng từ 800 đồng/kg lên 1.200-1.300 đồng/kg. 

Với tổng đàn 2,5 vạn con gà như hiện nay và giá bán trứng chỉ 1.100 đồng/quả, giá gà giống là 10.000 đồng/con, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước thì trung bình mỗi tháng công ty thua lỗ hơn 10 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Chữ - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) thông tin thêm, giá nguyên liệu sản xuất TACN thời gian gần đây tăng từ 20 - 30%, thậm chí giá một số phụ gia như lysine, axít amin tăng gấp đôi... đã kéo giá TACN tại Việt Nam tăng chóng mặt.

Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định: Việt Nam là quốc gia sản xuất TACN thuộc nhóm đầu của các nước Đông Nam Á nhưng lại không chủ động được nguồn nguyên liệu nên phải phụ thuộc vào nước ngoài tới hơn 80%. Trong khi đó, dịch Covid-19 đã khiến ngành vận tải gặp khó khăn do khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, thậm chí nhiều nước đã tạm dừng hoạt động này nên gây đứt gãy chuỗi cung ứng. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem