Mối duyên Park Hang-seo - Chung Hae-seong: Chẳng ai học được chữ "ngờ"

Long Nguyên Thứ sáu, ngày 31/07/2020 07:10 AM (GMT+7)
Từ khi còn là cầu thủ cho tới thời điểm chuyển sang công tác huấn luyện kéo dài đến lúc này, HLV Park Hang-seo và đồng nghiệp, đồng hương Chung Hae-seong có mối duyên rất đặc biệt.
Bình luận 0

Khi còn chơi bóng đá chuyên nghiệp tại Hàn Quốc, quãng thời gian huy hoàng nhất của Chung Hae-seong là tại Lucky Goldstar FC (tiền thân của FC Seoul hiện nay). Chơi ở vị trí hậu vệ, Chung Hae-seong gắn bó với đội bóng này từ năm 1984 đến năm 1989, khoác áo 106 trận và ghi 2 bàn.

Đỉnh cao trong sự nghiệp của hậu vệ Chung Hae-seong là ngôi quán quân ông giành được vào mùa giải 1985. Đáng chú ý, đội trưởng của Lucky Goldstar FC chính là Park Hang-seo.

Mối duyên Park Hang-seo - Chung Hae-seong: Chẳng ai học được chữ "ngờ" - Ảnh 1.

Park Hang-seo và Chung Hae-seong trong một lần gặp lại HLV Guus Hiddink. Bộ ba này từng cùng làm việc trong ban huấn luyện đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002

Nhiều hơn Chung Hae-seong, tiền vệ Park Hang-seo cũng đến Lucky Goldstar FC vào năm 1984 và gắn bó tại đây đến năm 1988. Ở đội bóng này, Chung Hae-seong không chỉ là đồng đội mà còn thay nhau tiếp quản băng đội trưởng. Ban đầu, người giữ chức thủ quân là Park Hang-seo. Đến năm 1986, Chung Hae-seong đảm nhận vai trò này cho đến năm 1989.

Năm 2002, mọi người yêu bóng đá Hàn Quốc lại thấy Park Hang-seo và Chung Hae-seong làm việc cùng nhau ở một đội bóng. Lần này, họ là các trợ lý của HLV lừng danh Guus Hiddink tại đội tuyển Hàn Quốc tham dự World Cup 2002. Những nỗ lực của bộ đôi này đã góp phần không nhỏ vào thành công lọt tới bán kết của Hàn Quốc.

Sau giải đấu này, Park Hang-seo và Chung Hae-seong bắt đầu có những bước ngoặt khác nhau với nhiều nốt thăng, trầm trong sự nghiệp huấn luyện.

Đầu tiên là Park Hang-seo, người tưởng như sẽ "lên hương" khi được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Olympic Hàn Quốc tham dự Asian Games tổ chức ở Busan trên quê nhà vào năm 2002. Nhưng thất bại đã khiến ông Park nhanh chóng mất ghế.

Mối duyên Park Hang-seo - Chung Hae-seong: Chẳng ai học được chữ "ngờ" - Ảnh 2.

HLV Park Hang-seo đạt được nhiều thành công rực rỡ tại Việt Nam sau nhiều năm thất bại ở Hàn Quốc

Sau đó, chiến lược gia này có nhiều năm tháng phiêu bạt tại các CLB Hàn Quốc. Thành công thì rất hiếm hoi mà thất bại lại không đếm xuể. Có giai đoạn, ông Park không thể kiểm soát đội bóng, khi các cầu thủ... bán độ. Khi đó, trả lời truyền thông Hàn Quốc, ông Park đã chua chát thừa nhận nỗi buồn khi không thể thay đổi được thực trạng đen tối ấy.

Nói tóm lại, đến trước cột mốc sang Việt Nam làm việc vào năm 2017, lý lịch của HLV Park Hang-seo chỉ gắn bó với vai trò trợ lý ở World Cup 2002. Không ít người đã nghi ngờ vào khả năng thành công của HLV Park Hang-seo, khi niềm tin của người hâm mộ với bóng đá Việt Nam giảm sút sau thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 29.

Nhưng rất nhanh chóng, thầy Park khiến tất cả bất ngờ với hàng loạt thành công ở nhiều cấp độ đội tuyển. Băt đầu từ ngôi á quân VCK U23 châu Á 2018, bóng đá Việt Nam đã có thêm vô số dấu ấn nổi bật như lọt vào bán kết ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, á quân King's Cup 2019, đoạt HCV SEA Games 30, đang dẫn đầu bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á.

Những điều này có được hiển nhiên gắn với khả năng huấn luyện, truyền lửa và nâng cấp khả năng chuyên môn cho cầu thủ của HLV Park Hang-seo. Rất nhiều người từ mức độ cầu thủ giỏi đã được bồi dưỡng để thành ngôi sao như Quang Hải, Công Phượng, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu, Phan Văn Đức...

Bản thân HLV Park Hang-seo từng trao đổi với truyền thông, trước khi đến Việt Nam, ông đã có sự lo lắng nhất định. Nhưng cuối cùng, với nhiệt huyết và bản lĩnh của mình, ông đã được ghi nhận và đã quyết định gắn bó lâu hơn với bóng đá Việt Nam.

Mối duyên Park Hang-seo - Chung Hae-seong: Chẳng ai học được chữ "ngờ" - Ảnh 3.

Có danh tiếng khi tới Việt Nam, nhưng HLV Chung Hae-seong không có được thành công như mong đợi tại HAGL và TP.HCM. Ảnh: ZING

Về phía Chung Hae-seong, từ sau World Cup 2002, ông nổi tiếng nhanh hơn thầy Park. Tại World Cup 2010, ông Chung một lần nữa làm trợ lý HLV và cũng đạt được thành công. Sau đó, ông chuyển tới dẫn dắt Jeonam Dragons, khi đội bóng này... sa thải HLV Park Hang-seo do thành tích bết bát.

Năm 2017, mối duyên giữa hai ông Park - Chung đậm nét hơn khi họ cùng tới Việt Nam làm việc. Nhưng khác với HLV Park Hang-seo, đồng hương Chung Hae-seong không giành được danh hiệu nào.

Thực tế, HLV Chung Hae-seong là người vừa có tâm vừa có tầm, không kém HLV Park Hang-seo. Ông Chung có được thành công lớn nhất là ngôi á quân V.League mùa giải trước cùng TP.HCM.

Tại V.League 2020, ông Chung đã đặt tham vọng rất lớn để TP.HHCM có thể cạnh tranh ngôi vô địch. Nhưng chẳng ai học được chữ ngờ, dù ông Chung đã làm tất cả những gì có thể như đưa về đội trợ lý thân cận Lee Jeong-soo hay tranh thời gian gian nghỉ để sang Tây Ban Nha học thêm kỹ năng tại Getafe và Levante.

Mối duyên Park Hang-seo - Chung Hae-seong: Chẳng ai học được chữ "ngờ" - Ảnh 4.

Bầu Đức có công lớn đưa cả 2 HLV Chung Hae-seong và Park Hang-seo tới Việt Nam. Nhưng đến lúc này, chỉ có thầy Park thành công

Mặc dù vậy, chỉ sau vòng 11 V.League, ông Chung Hae-seong đã phải rời "ghế nóng". TP.HCM đã muốn mời ông ngôi vào ghế Giám đốc kỹ thuật, nhưng ông đã cho thấy lòng tự trọng khi từ chối điều này.

Mối duyên giữa Park Hang-seo và Chung Hae-seong đã kéo dài đến gần 40 năm. Chẳng ai ngờ, tại Việt Nam, hai người đến với 2 tư thế khác nhau lại đạt sự thành - bại theo những dự đoán trái ngược. Nhưng cũng chưa biết chừng, chữ "duyên" sẽ lại đưa đẩy Park Hang-seo và Chung Hae-seong gặp lại nhau, ở một thời điểm nào đó trong tương lai gần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem