Mờ mắt vì quyền lực, An Lạc công chúa nhận cái kết bi thảm

Anh Văn Chủ nhật, ngày 30/05/2021 14:34 PM (GMT+7)
An Lạc công chúa là một người xinh đẹp, thông minh nhưng nàng công chúa thời Đường này lại có cuộc sống vô độ, bị tham vọng quyền lực làm mờ mắt, cuối cùng phải chịu cái chết đầy bi thảm
Bình luận 0

Đại Đường uy nghi, phồn thịnh, không chỉ bởi những đoàn thương nhân quanh năm tấp nập kéo về từ khắp nơi, mà còn bởi sự phồn vinh từ chính nghề tơ lụa của triều đại này. Vẻ đẹp của kinh thành Trường An không chỉ nằm ở sự thịnh vượng, mà trên hết là tính cởi mở của kinh đô này.

Cũng chính bởi tính cởi mở của triều đại này mà vị nữ hoàng đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa – Võ Tắc Thiên được ra đời. Về sau, các công chúa nhà Đường cũng bắt đầu thi nhau tranh giành ngôi vị, trong đó công chúa An Lạc thời Đường Trung Tông Lý Hiển là người có dã tâm lớn hơn cả.

1. Tuổi thơ khổ cực

Năm 685, công chúa An Lạc ra đời khi mẫu thân theo phụ thân của mình trên đường bị đày ải đến Phòng Châu. Khi ấy Lý Hiển đang ở giai đoạn tối tăm của cuộc đời, ngày nữ nhi ra đời, ngay cả bộ tã sinh cho con ông cũng không có, chỉ đành dùng chính quần áo của mình để bao bọc cho con, cuộc sống khốn khó vô cùng.

Trái lại với cuộc sống gian khổ, An Lạc công chúa từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, lại vô cùng xinh đẹp, nàng luôn đem lại niềm vui tiếng cười cho Lý Hiển. Dần dần, An Lạc công chúa trở thành chỗ dựa tinh thần cho Lý Hiển trong những ngày lưu đày kham khổ tại Phòng Châu, An Lạc cùng phụ thân vượt qua hết lần này tới lần khác những màn đấu tranh chính trị.

Cái kết bi thảm của An Lạc công chúa – vị công chúa thời Đường bị tham vọng quyền lực làm mờ mắt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Có nữ nhi ở bên cạnh cùng vượt qua cuộc sống gian khổ, Lý Hiển vô cùng yêu quý An Lạc, thời gian đó kéo dài liên tục suốt 13 năm.

Năm 698, Lý Hiển phụng chỉ hồi triều, trở thành người kế vị lúc bấy giờ, sau này, trong cuộc biến động chính trị Thần Long ( từ tháng 1/705 đến tháng 9/707 ) ông đã thuận lợi lên ngôi, lấy niên hiệu là Đường Trung Tông.

2. Được sủng ái đến ngang ngược

Lý Hiển là người trọng tình nghĩa, sau khi đăng cơ, biết ơn thê tử cùng con gái đã ở bên cạnh trong những ngày tháng khốn khó ở Phòng Châu, ông lập tức phong Vĩ Thị làm Hoàng hậu. Không chỉ vậy, ông càng ngày càng tỏ ra yêu chiều, thiên vị mù quáng An Lạc công chúa, cho dù An Lạc có làm sai chuyện gì cũng không hề trách phạt.

Ỷ vào sự ân sủng của phụ hoàng, An Lạc công chúa ngang nhiên can thiệp vào triều chính, một mình lộng hành mua chức bán quyền. Vốn dĩ quan lại thời Đường đều tuân theo sự chỉ đạo của Trung Thư, nhưng An Lạc đã tự ý đặt ra quy tắc "phong quan chéo".

An Lạc công chúa tự mình đặt ra mức giá cho các chức quan, kẻ mua chức phải trả hàng trăm nghìn ngân phiếu để mua chức tước cho mình. Sau đó An Lạc sẽ gửi Chiếu phong quan cho kẻ mua chức quyền. Sắc chiếu này không hề được thông qua Trung Thư xem xét ban bố, mà do An Lạc tự mình tạo nên.

Cứ như vậy, bất kể xuất thân từ người dân bình thường hay từ những kẻ nô bộc thấp kém, chỉ cần trả đủ tiền là có thể một bước thăng quan, số người tìm An Lạc công chúa để mua chức quyền lên đến cả năm sáu nghìn người.

Trong triều quan lại thật giả lẫn lộn, tình hình vô cùng rối rắm, nhưng Đường Trung Tông quá nuông chiều con gái, không hề mảy may động chạm gì tới chuyện này, thậm chí khi An Lạc tự mình viết Chiếu sắc phong với nội dung lấp liếm, Đường Trung Tông cũng chỉ đành cười xòa chấp thuận.

Cái kết bi thảm của An Lạc công chúa – vị công chúa thời Đường bị tham vọng quyền lực làm mờ mắt - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Mua bán chức quyền khiến An Lạc ngay lập tức trở nên giàu có, thậm chí mua cả chiếc váy tạo nên từ lông vũ của vô số loài chim, còn gọi là "bách điểu quần".

Mặc "bách điểu quần" An Lạc càng trở nên xinh đẹp lộng lẫy, ngoài ánh nắng hay ở trong bóng râm chiếc váy đều có thể phản chiếu những màu sắc vô cùng lộng lẫy, có thể gọi là đẹp không gì sánh bằng.

Không chỉ có được y phục lộng lẫy, An Lạc còn cho xây dựng cả công trình kiến trúc hồ Định Côn.

Hồ Định Côn mô phỏng lại kiến trúc hồ Côn Minh trong Hoàng cung, hai bên bờ hồ đan xen cây cối và đình các, bờ hồ được xây bằng đá ngọc thạch, đáy hồ rải san hô, nhìn từ xa chỉ thấy mặt hồ xanh biếc, đình các bên hồ ánh lên màu sơn đỏ thắm, bóng bẩy xa hoa vô cùng.

Nhưng sơn son thếp vàng đã ngấm mùi thịt rượu tanh hôi, vùi lấp sương máu nhân dân lầm than. Phía sau cuộc sống xa hoa của An Lạc công chúa, là mồ hôi nước của trăm họ.

Chiếc váy lông vũ bách điểu kia, đủ để xây dựng một ngôi nhà khang trang cho cả một gia đình, hồ Định Côn kia đã lấy đi bao nhiêu đất đai của người dân.

3. Bị dã tâm thao túng

Không chỉ tham cuộc sống vật chất, An Lạc công chúa còn thèm khát quyền lực, luôn tham vọng trở thành "Hoàng thái nữ" thống trị thiên hạ.

An Lạc nhiều lần làm khó Thái tử, còn không ít lần cầu xin Đường Trung Tông phế truất Thái tử để mình lên làm người kế vị.

Đường Trung Tông trước giờ luôn đồng ý với ái nữ mọi việc, nhưng không đồng ý chuyện này, vì vậy An Lạc nảy sinh lòng oán hận với Đường Trung Tông.

Để mình có thể nắm quyền giống như Võ Tắc Thiên, An Lạc quyết định lật đổ Đường Trung Tông - người cản trở con đường của mình, sau đó tính toán sắp đặt để mẫu thân – Vĩ Thị phong mình làm Hoàng Thái Nữ trước triều.

Cái kết bi thảm của An Lạc công chúa – vị công chúa thời Đường bị tham vọng quyền lực làm mờ mắt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

An Lạc công chúa lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của cha mẹ, nhưng từ lâu đã coi đó là một lẽ thường tình.

Năm 710, An Lạc công chúa có lần đem bánh đến cho Đường Trung Tông, lúc đó ông vừa xử lý chính sự cả buổi, liền ăn luôn chiếc bánh. Không ngờ sau đó, Đường Trung Tông đột nhiên đau bụng dữ dội, không kịp đợi thái y đến đã trúng độc băng hà.

Sau khi Đường Trung Tông qua đời, An Lạc công chúa không hề đau buồn, ngược lại, nghĩ mình sẽ là người kế vị mà vui vẻ khôn cùng. Nhưng đáng tiếc, An Lạc và Vĩ Thị chỉ đa mưu mà không túc trí, cũng không có được thời cơ.

Vĩ Thị vừa lâm triều, Lý Long Cơ liền dấy lên cuộc chính biến. Đêm xuống, vũ lâm quân xâm nhập vào Huyền Vũ Môn, thảm sát Vĩ Thị cùng thủ hạ, An Lạc Công chúa cũng bỏ mạng ngay trong trận chính biến này.

An Lạc công chúa đã dốc sức tính kế để được lên ngôi, nhưng cuối cùng lại phải bỏ mạng, trở thành con tốt thí trong ván cờ của kẻ khác.

Có lẽ An Lạc công chúa không bao giờ hiểu được, cái chết của Đường Trung Tông không đồng nghĩa với thắng lợi, mà đó mới chính là khởi đầu cho sự thất bại của nàng. Hoặc cũng có thể nói, ngay khi dã tâm vượt qua năng lực của mình, cũng chính là lúc đếm ngược đến kết cục bị thảm dành cho An Lạc công chúa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem