dd/mm/yyyy

Mô hình trồng đậu phộng dọc sông Cái, lãi gấp 2 lần trồng rau màu khác

Vụ Hè thu 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên phối hợp với xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), triển khai mô hình trồng đậu phộng giống L14 trên diện tích 8ha. Mô hình mang lại hiệu quả cao nên thời gian đến, các địa phương trong tỉnh tiếp tục chuyển đổi, trồng đậu phộng trên đất lúa, màu kém hiệu quả.

Trồng đậu phộng lãi gấp 2 lần trồng lúa

Bà Ngô Thị Bích Diễm, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Vụ Hè thu 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với xã Xuân Quang 2, triển khai mô hình trồng đậu phộng giống L14 tại soi Sũng (dọc sông Cái), thuộc thôn Phước Huệ (xã Xuân Quang 2) trên diện tích 8ha, với 50 hộ nông dân tham gia.

Nông dân tham quan mô hình trồng đậu phộng tại xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: LÊ Trâm Trâm
Nông dân tham quan mô hình trồng đậu phộng tại xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: LÊ Trâm Trâm

Trong thời gian sinh trưởng, giống đậu phộng L14 có khả năng phân cành nhiều, năng suất đạt 59,8 tạ/ha, năng suất thực thu đạt 51,2 tạ/ha, lợi nhuận trên 13,7 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu bà con nông dân trồng các loại cây rau màu như bắp, mè tự phát thì năng suất không cao do không chú trọng tưới nước nên lãi ròng khoảng 4,9 triệu đồng/ha. Như vậy lãi ròng mô hình trồng đậu phộng cao gấp 2 lần so với trồng các loại rau màu khác.

Bà Nguyễn Thị Phương, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên cánh đồng thôn Phước Huệ, cho hay: Gia đình tôi trồng 1.500m2, thu hoạch được 9 tạ. Giống đậu phộng này chống chịu sâu bệnh đốm nâu, kháng bệnh chết ẻo (héo xanh vi khuẩn). Trong suốt vụ, giống đậu phộng L14 cũng bị sâu xám gây hại, bệnh lở cổ rễ, tuy nhiên mức độ gây hại không đáng kể.

Còn ông Lê Xuân Kỳ, cũng tham gia trồng đậu phộng tại soi Sũng, cho hay: “Tôi trồng 1.000m2, thu hoạch được gần 6 tạ, bán với giá 12.000 đồng/kg tươi, thu 7,2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 1,8 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của tôi, trong quá trình sinh trưởng phải tưới nước để đậu phộng đâm tia nhiều, khi ra trái thì chắc hạt”.

Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, chia sẻ: Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng (đậu phộng) trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả từng bước hình thành vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tập trung, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân tại địa phương.

Ngoài ra, mô hình đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cho bà con, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích sản xuất lúa bấp bênh trong những năm tới.

Hình thành vùng chuyên canh đậu phộng

Thông qua mô hình này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội nghị đầu bờ, nông dân các huyện Đồng Xuân, Tuy An tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm thực tế, qua đó mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng vào sản xuất. Viện Khoa học Kỹ thuật duyên hải Nam Trung Bộ cam kết ký hợp đồng thu mua toàn bộ đậu phộng theo giá thị trường.

Bà Phạm Thị Hiền, nông dân ở xã An Hải (huyện Tuy An), tham quan mô hình, nói: Mô hình trồng đậu phộng giống L14 cho năng suất cao, lãi nhiều so với trồng lúa và các cây màu khác. Thời gian đến, tôi áp dụng trồng loại cây này trên đất màu kém hiệu quả của gia đình.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ), cho biết: Bước đầu chúng tôi đánh giá cao mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả thuộc dự án “Phát triển vùng chuyên canh đậu phộng ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.

Mô hình trồng đậu phộng đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cho bà con nông dân trực tiếp tham gia và tạo điều kiện cho hàng trăm bà con nông dân trong vùng tham quan học tập về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân, mô hình còn tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt cầu nối sâu bệnh giữa 2 vụ trồng cây màu và giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương.

Trâm Trâm