dd/mm/yyyy

Mô hình chăn nuôi gà tự động của nông dân ngoại thành Hà Nội

Nhờ mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa (CGH) trong chăn nuôi, trang trại gà của anh Nguyễn Trung Dũng (SN 1981), ở thôn Xuân Long, xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) luôn đạt năng suất, chất lượng cao, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua ổn định.

Khởi nghiệp với 4.000 con gà trắng siêu thịt từ những năm 1999, đến nay, với khoảng 8.000 m2 chuồng trại, anh Dũng đang nuôi gần 40.000 con gà, trong đó có 5.000 gà bố mẹ, 15.000 gà đẻ trứng thương phẩm và 20.000 gà mái hậu bị. Gần 20 năm kinh nghiệm cộng với không ít lần phải đối mặt với điệp khúc “được mùa, mất giá” đã thôi thúc anh Dũng tìm đến một giải pháp chăn nuôi giảm thiểu rủi ro, nâng mức lợi nhuận, đó là ứng dụng CGH trong chăn nuôi.

Trang trại nuôi gà của anh Nguyễn Trung Dũng, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ được đầu tư cơ giới hóa đồng bộ.
Trang trại nuôi gà của anh Nguyễn Trung Dũng, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ được đầu tư cơ giới hóa đồng bộ.

Sau nhiều ngày tháng tìm tòi, học hỏi, cùng với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, tháng 6.2017, anh Dũng đã lắp đặt thành công dây chuyền cho gà ăn tự động với kinh phí 150 triệu đồng. Anh Dũng chia sẻ, phần lớn thiết bị của dây chuyền được anh nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với điều chỉnh lắp đặt cho phù hợp với thực tế trang trại.

Theo đó, cám được đổ vào silo, sau đó được dây chuyền chuyển đều đến từng máng ăn của gà. Điều này giúp tránh được nấm mốc xâm nhập, rơi vãi cám và đảm bảo đúng định lượng khẩu phần ăn của gà, giúp gà đẻ ổn định và chất lượng trứng tốt, đồng đều hơn. Mặt khác, dây chuyền còn có bộ phận lau chùi máng ăn tự động giúp máng ăn luôn sạch sẽ, nhờ đó hạn chế được các bệnh về đường tiêu hóa cho đàn gà.

Nhận thức rõ lợi ích của ứng dụng CGH, anh Dũng lại tiếp tục mày mò, sáng chế ra máy phân loại trứng tự động và máy thu phân gà. Chia sẻ về việc đầu tư CGH đồng bộ trong chăn nuôi gà, anh Dũng cho hay, nếu lắp đặt cả 3 hệ thống tự động (cho ăn, phân loại trứng, thu phân) thì số kinh phí đầu tư tương đối lớn, không phải trang trại nào cũng áp dụng được. Vì vậy anh đã thiết kế toàn bộ hệ thống theo cơ chế có thể tách rời, nghĩa là có thể áp dụng từng hệ thống riêng rẽ tùy theo năng lực vốn của trang trại.

Với việc vận hành hệ thống tự động, mỗi tháng anh Dũng đã tiết kiệm được gần 20 triệu đồng, bởi, nếu như trước đây anh phải thuê tới 4 nhân công lao động thì nay anh chỉ phải thuê 2 nhân công làm việc với mức lương trung bình 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ thành công trong việc ứng dụng CGH vào chăn nuôi, anh Dũng còn ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Ba Huân và các cửa hàng, đại lý trứng gia cầm lớn trên địa bàn TP. Nhờ đó, anh Dũng luôn yên tâm về đầu ra của sản phẩm, trang trại chăn nuôi cũng dần đi vào hoạt động ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao. “Người chăn nuôi được hưởng lợi nhiều nhất từ ứng dụng CGH, vì vậy, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các chủ trang trại khác trong việc thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống chăn nuôi gia cầm tự động” – anh Dũng nói.

Ngọc Ánh