Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh, vùng núi cao nguy cơ có tuyết, băng giá, nhà nông bảo vệ đàn gia súc cách nào?

Trần Quang Thứ hai, ngày 27/12/2021 06:15 AM (GMT+7)
Miền Bắc đón đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa đông năm nay, khả năng xuất hiện mưa tuyết và băng giá ở những vùng núi cao. Bà con nông dân cần làm gì để bảo vệ đàn gia súc?
Bình luận 0

Hỗ trợ trồng, chế biến thức ăn chăm sóc vật nuôi

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ người dân bảo vệ hiệu quả đàn gia súc trong điều kiện giá rét.

TS Nguyễn Thị Liên Hương - đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang chủ trì và quản lý 27 dự án, trong đó có 9 dự án về đại gia súc. Các dự án triển khai ở cả 63 tỉnh thành trong cả nước, trong đó các dự án về chăn nuôi đại gia súc được triển khai ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ có thế mạnh về điều kiện tự nhiên chăn thả rất phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ như trâu, bò. 

Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt vào mùa rét khi nhiệt độ giảm sâu và thức ăn thô xanh khan hiếm.

Do đó, khi triển khai các dự án khuyến nông Trung ương trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc đã lồng ghép các nội dung như xây dựng mô hình trình diễn kết hợp với công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền để giảm thiểu tác hại trong mùa đông rét cũng như nhanh chóng khôi phục và phát triển đàn vật nuôi sau rét đậm, rét hại.

Khuyến nông và các dự án chống đói, rét cho đàn gia súc: Nhà nông chủ động trồng, trữ thức ăn... - Ảnh 1.

Người dân Sa Pa đưa gia súc xuống vùng thấp tránh rét. Ảnh: Trần Quang

"Các dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang làm tại các tỉnh, thành rất thiết thực và sáng tạo. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương để nhân rộng hiệu quả các dự án trên".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến

Các dự án đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật thâm canh cỏ, kỹ thuật chế biến và bảo quan các phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, thân cây ngô đã thu bắp và dây lang, thân và lá lạc...), đơn giản, dễ kiếm, không cạnh tranh lương thực với con người và vật nuôi khác.

Với nguồn nguyên liệu sẵn có trên khi kết hợp với các kỹ thuật chế biến như ủ chua, dự trữ cỏ khô, xử lý hóa học (xử lý bằng urê, xử lý bằng vôi, xử lý kết hợp urê với vôi...) làm tăng khả năng tiêu hóa của vật nuôi, tăng hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn.

Đặc biệt, khi vào mùa đông, ở các tỉnh miền Bắc nước ta, thức ăn thô xanh thường khan hiếm thì ủ chua, dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh ngay từ thời điểm thu hoạch chính trước đó đã giúp người chăn nuôi chủ động được trong mùa rét, không cần chăn thả. 

Mặt khác, hàm lượng dinh dưỡng thức ăn thô xanh thông qua ủ chua và chế biến và bảo quản không giảm đi mà còn có thể tăng sau khi lên men yếm khí, đặc biệt là hàm lượng protein thô trong khẩu phần.

Các dự án sử dụng giống cỏ mới voi xanh Đài Loan, VA06 và ứng dụng các kỹ thuật (mật độ trồng, kỹ thuật bón phân, kỹ thuật thu cắt…) đã nâng cao năng suất, chất lượng vườn cỏ. Năng suất đạt > 250 tấn chất xanh/ha, cao hơn năng suất các vườn cỏ của người dân trong vùng hơn 30%.

Khuyến nông và các dự án chống đói, rét cho đàn gia súc: Nhà nông chủ động trồng, trữ thức ăn... - Ảnh 3.

Mô hình bảo quản chế biến cỏ bằng phương pháp ủ chua của dự án đảm bảo chất lượng cỏ, giảm hao hụt dinh dưỡng và kéo dài thời gian bảo quản lên 4-5 tháng. 

Kết hợp việc rải vụ thu cắt cỏ vào cuối năm và ủ chua cỏ đã giải quyết tình trạng thiếu thức ăn thô xanh cho trâu bò trong mùa đông khô lạnh.

"Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng thâm canh cỏ của dự án tăng trên 20% so với canh tác thông thường của người dân. Thông qua hoạt động tuyên truyền và đào tạo huấn luyện đã nâng tỷ lệ hộ thường xuyên dự trữ thức ăn vào mùa rét từ 12,29% lên 91,36% và tỷ lệ hộ hạn chế chăn thả gia súc trong mùa giá rét từ 11,86% lên 91,76%" - bà Hương nhấn mạnh.

Kinh nghiệm làm chuồng trại, phòng dịch bệnh

Bên cạnh việc triển khai các dự án hỗ trợ cung cấp thức ăn cho vật nuôi, bà Hương cho hay: Các dự án khuyến nông Trung ương còn tổ chức tập huấn và hướng dẫn các hộ xây dựng chuồng trại bảo đảm quy cách và tập trung cho việc chống rét trong vụ đông.

Theo đó, trước khi nhập giống, 100% các hộ tham gia mô hình đã hoàn thành việc làm chuồng theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và được nghiệm thu: Đảm bảo có mái che mưa, che nắng; có văng chuồng... Hệ thống chứa, ủ phân cũng được xây theo mẫu đảm bảo kỹ thuật, hợp vệ sinh.

Trong xây dựng mô hình trình diễn chăn nuôi đại gia súc, cán bộ kỹ thuật còn đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phòng các bệnh hay gặp và nguy hiểm đối với trâu, bò như tụ huyết trùng, lở mồm long móng và khuyến cáo các hộ tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên, tập trung vào 2 đợt tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm.

Theo bà Hương, trong quá trình triển khai, tất cả các dự án khuyến nông đã xây dựng sổ tay ghi chép hay nhật ký chăn nuôi và hướng dẫn các hộ thực hiện.

"Khi mới tham gia, đa phần các hộ gặp khó khăn khi ghi chép, tuy nhiên cán bộ chỉ đạo đã đến hướng dẫn chi tiết, sau các dự án cho thấy 100% các hộ ghi chép, số thường xuyên đạt trên 75%, các hộ đều đánh giá cao hiệu quả từ ghi chép sổ sách mang lại" - bà Hương khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem