Mang thứ tảo xanh lét, siêu đẻ, siêu đạm từ Pháp về nuôi, cô nàng xinh đẹp tỉnh Lâm Đồng kiếm bộn tiền

Văn Long Thứ hai, ngày 12/10/2020 13:06 PM (GMT+7)
Mang nửa lít tảo xoắn từ Pháp về nước, chị Nguyễn Thị Bích Trâm (32 tuổi, ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã nhân giống, nuôi trồng thành công. Hiện trung bình mỗi tháng, chị Trâm sản xuất ra 16-18kg tảo xoắn khô thành phẩm, bán giá 3,2 triệu đồng/kg.
Bình luận 0

Mang tảo ngoại về nước

Khi phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đến văn phòng công ty của chị Bích Trâm tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng chị vẫn đang còn mải mê nghiên cứu chính sản phẩm tảo xoắn của mình.

Nữ thạc sĩ đưa tảo xoắn ngoại về Tây Nguyên nuôi trồng - Ảnh 1.

Với những thành công ban đầu về nuôi trồng tảo xoắn mình đạt được, chị Trâm, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã phải trải qua nhiều khó khăn, trắc trở khi bắt đầu. Ảnh: V.L

Hiện sản phẩm tảo xoắn của chị Trâm được tiêu thụ chủ yếu ở Đà Lạt, Hải Phòng, TP HCM. Đặc biệt, nữ thạc sĩ này đang hợp tác với một doanh nghiệp và mở khu sản xuất tảo xoắn quy mô 9ha tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án đang được triển khai và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2021.

Chị Trâm là sinh viên của Trường Đại học Yersin (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) chuyên ngành quản trị khách sạn, nhà hàng. Chị tốt nghiệp năm 2012. Sau đó 1 năm, chị Trâm được sang Pháp du học theo diện học bổng dành cho sinh viên xuất sắc.

Cũng chính từ chuyến đi đó, cô gái người Lâm Đồng đã tiếp cận được mô hình nuôi trồng tảo xoắn của một người Pháp gốc Việt nên tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu.

Cầm trên tay chính sản phẩm tảo xoắn do mình làm ra tại Lâm Đồng, chị Trâm chia sẻ: "Trong một lần đến thành phố Montpellier (Pháp) thực tập, tôi đã gặp ông Hay làm kinh tế bằng cách nuôi, trồng tảo xoắn rất hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Là người con ở Lâm Đồng, lại có thành phố du lịch nổi tiếng là Đà Lạt nên tôi luôn muốn làm điều gì đó để Lâm Đồng có thêm một sự đặc biệt. Chính vì ý nghĩ này mà tôi đã học hỏi, nghiên cứu về tảo xoắn với mong muốn đưa về Lâm Đồng nuôi trồng".

Sau 2 năm học tại Pháp, năm 2015, chị Trâm đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản lý du lịch và về nước mang theo 0,5 lít tảo xoắn. Thời điểm đó, chị mang trong mình mong muốn phát triển sản phẩm tảo xoắn tại quê hương. 

Với 0,5 lít tảo xoắn "ngoại", chị Trâm đã nhân giống, nuôi trồng trong hồ có diện tích 20m2. Một thời gian ngắn sau, 0,5 lít tảo giống mang về từ Pháp đã phát triển lên hàng chục ngàn lít trong diện tích nuôi trồng của gia đình chị Trâm.

Hiện nay, từ khu nuôi trồng thử nghiệm tảo xoắn của chị Trâm đã trở thành khu sản xuất tảo xoắn lên đến 300m2. Tháng 7/2019, biết được mô hình đặc biệt của chị Trâm, một doanh nhân ở Hải Phòng tìm đến đặt vấn đề hợp tác phát triển. 

Được sự hỗ trợ của vị doanh nhân, chị Trâm đã thành lập Công ty TNHH Tảo xoắn Spinténaas để phát triển các sản phẩm tảo xoắn của mình.

Chị Trâm cho hay, 3 sản phẩm chủ đạo là tảo khô dạng bột, sợi tảo xoắn và tảo xoắn tươi của mình bước đầu có những khách hàng lớn, đang dần mở rộng được thị trường. Các sản phẩm tảo này đều có thể sử dụng pha nước uống, làm bánh với hương vị ngon, dịu, phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng.

Nữ thạc sĩ đưa tảo xoắn ngoại về Tây Nguyên nuôi trồng - Ảnh 3.

Tảo xoắn là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng với hàm lượng protein cao gấp khoảng 3 lần trong thịt bò; gấp hơn 2 lần trong đậu tương nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Có thể nói, tảo xoắn là thực vật siêu đạm.

"Để có được sản phẩm tảo xoắn thuần Việt Nam, tôi đã phải nhiều lần kết nối với người ở Pháp để nhờ giúp đỡ. Bởi những ngày đầu, khi mới bắt tay vào làm, tảo bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nguồn nước nên tảo xoắn chậm phát triển, thậm chí sủi bọt rồi chết. Quãng thời gian đó quả thật là khó khăn" - chị Trâm nhớ lại thở dài.

Bán 3,2 triệu đồng mỗi kg tảo xoắn siêu đạm

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, chị Trâm cho biết, tỏa xoắn phù hợp với vùng nóng ấm, ít mưa, độ ẩm không quá cao. Vì vậy, khi đưa tảo từ Pháp về, chị Trâm phải đầu tư xây dựng nhà nuôi trồng với điều kiện kín gió, ít mưa, nhiệt độ, độ ẩm ổn định.

"Trong qua trình nuôi trồng tảo xoắn, tôi sử dụng nước giếng khoan, pha chế vào đó một lượng muối, NaHCO3 để tạo nước lợ nuôi tảo. Sau khoảng 5 ngày thả tảo vào bể thì nó sẽ phát triển đủ khối và cho thu hoạch. Tuy nhiên, tôi và công nhân không thu hoạch toàn bộ và chỉ lấy khoảng 25% tảo trong hồ. Phần còn lại sẽ tiếp tục được thu hoạch vào 5 ngày tiếp theo" - nữ thạc sĩ tiết lộ.

Hiện nay, với diện tích 150m2 nuôi trồng tảo xoắn, trung bình mỗi tháng chị Trâm thu hoạch được 80 - 90kg tảo xoắn tươi, tương đương 16-18kg tảo khô. Với khối lượng tảo xoắn này, chị Trâm đã chế biến thành các sản phẩm khô để cung ứng ra thị trường. 1kg thành phẩm tảo xoắn khô được bán với giá từ 3 - 3,2 triệu đồng, tảo khô nguyên liệu dao động từ 2,7 - 3 triệu đồng/kg. Hiện chi phí, sản xuất tảo dao động khoảng 50% nên chị Trâm đã có lợi nhuận ban đầu khá ổn định.

Trong quá trình chăm sóc, tảo xoắn luôn được chị Trâm, ã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng kiểm tra tỉ mỉ bằng nhiều thiết bị hiện đại. Trường hợp lượng khoáng chất trong nước sụt giảm, người nuôi trồng phải pha thêm sắt, kali, phốt pho,canxi... theo tỉ lệ khoa học để trung hòa. Nếu có điều kiện thời tiết phù hợp và ổn định, tảo xoắn sinh trưởng khá nhanh, mỗi ngày có thể nhân lên với tỷ lệ 10 - 25%.

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem