Mang thai hộ sẽ bị xử lý hình sự khi nào?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 19/02/2023 11:37 AM (GMT+7)
Qua đường dây nóng Báo điện tử Dân Việt, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, ở Việt Nam có quy định về việc mang thai hộ hay không. Nếu không có quy định nhưng vẫn tự ý mang thai hộ thì có vi phạm pháp luật?
Bình luận 0

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn rất cần sự can thiệp, hỗ trợ của y học hiện đại để sinh con.

Mang thai hộ sẽ bị xử lý hình sự khi nào? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Đoàn luật sư TP Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chính vì vậy mà các biện pháp can thiệp hỗ trợ sinh sản được áp dụng ngày càng phổ biến, trong đó có hình thức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, theo luật sư Đồng, tại khoản 22, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Còn trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Bởi hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội như lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động, mua bán người và làm suy thoái đạo đức con người.

Theo vị luật sư, hiện nay, luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đang quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

Luật cũng quy định cụ thể điều kiện đối với cặp vợ chồng người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Theo đó, khoản 3, Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

Hoặc đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Từ phân tích trên, luật sư Đồng khẳng định, các trường hợp mang thai hộ hay không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, không thực hiện các thủ tục theo quy định, đồng thời việc mang thai hộ hướng đến mục đích để được hưởng lợi ích vật chất, coi những đứa trẻ như là món hàng mua bán, trao đổi là hành vi vi phạm pháp luật.

Người tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mai" quy định tại Điều 187 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem