dd/mm/yyyy

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên tạo bất ngờ lớn

Đó là câu chuyện về một lão nông người dân tộc Thái ở một xã vùng biên Sơn La-người trong một lần tình cờ đã mua được hoẵng rừng sắp bị giết thịt của người đi săn về nuôi với mục đích làm cảnh và bảo tồn. Ai dè hoẵng mang về lại đẻ sòn sòn, giống không đủ bán…

Hoẵng sinh sản trong môi trường nuôi nhốt ở Sơn La

Những ngày cuối tháng 5, vùng biên giới huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nóng như đổ lửa. Ấy thế mà khi chiều buông xuống, những làn khói lam chiều bắt đầu tỏa ra từ các ngôi nhà sàn cũng là lúc cái nóng gần 40 độ C nhường chỗ cho một cơn mưa rào bất chợt cùng một không gian với khí trời mát mẻ và dễ chịu… Tôi đến với xã biên giới Mường Lèo vào một ngày như thế.

Là một trong những xã biên giới nghèo, còn nhiều khó khăn của huyện Sốp Cộp, Mường Lèo từng được nhắc đến là một vùng đất heo hút, hoang sơ với những câu chuyện đầy sức hút cho những người thích khám phá trải nghiệm những điều kỳ bí.

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên lãi lớn - Ảnh 1.

Khu nuôi hoẵng của gia đình ông Lường Văn Hặc rộng trên 200m2 tại bản Mạt, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Chả thế, hôm ở bản Liềng, bên mâm cơm tối tại nhà một cán bộ xã với sự góp mặt của mấy người trong bản, được nghe kể nhiều câu chuyện khám phá trải nghiệm gắn với những điểm du lịch hoang sơ như hang động, mó nước nóng hay những câu chuyện khảo cổ tự phát đầy sự huyễn hoặc nơi vùng biên giới này…

Cũng từ những câu chuyện đầy sự huyễn hoặc đó, vô tình trong bữa cơm tối được nghe kể thêm về những nông dân chân đất "điều khiển" hàng trăm con gia súc trong rừng sâu chỉ bằng muối trắng hay câu chuyện về một lão nông người dân tộc Thái vừa phải bỏ tiền mua vừa phải nài nỉ cánh thợ săn đừng giết thịt những chú hoẵng rừng để được mang về nuôi với mục đích là làm cảnh, bảo tồn và trở thành người sở hữu nhiều hoẵng nhất vùng Tây Bắc.

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên lãi lớn - Ảnh 2.

Ông Lường Văn Hặc là người đầu tiên nuôi thành công hoẵng rừng sinh sản ở vùng Tây Bắc.

Không chỉ vậy, lão nông này còn có thu nhập không nhỏ khi người từ khắp các tỉnh đổ xô về để mua giống… Thậm chí, nhiều người còn phải đặt cọc tiền làm tin để đến tận năm 2022 và 2023 được sở hữu những cặp hoẵng giống về nuôi.

Khoảng cách từ bản Liềng-nơi câu chuyện về người nuôi thành công hoẵng rừng vô tình được kể cho đến bản Mạt-nơi những chú hoẵng rừng suýt bị làm thịt được nuôi thành công không xa lắm. Bởi sáng hôm sau, chỉ mất chừng 5 phút đi ô tô trên những con đường nhựa, đường bê tông được hình thành nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi đã có mặt tại nhà ông Lò Văn Hặc, người rất nổi tiếng khi nuôi thành công hoẵng rừng sinh sản và sẵn sàng chia sẻ cho bất kỳ ai về kinh nghiệm nuôi loài vật vốn dĩ chỉ thấy trong rừng hay các khu vườn thú ở các thành phố lớn.

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên lãi lớn - Ảnh 3.

Một con hoẵng đực giống trong khu nuôi nhốt của nhà ông Lường Văn Hặc, dân tộc Thái, bản Mạt, xã Mường Lèo.

Đưa tôi ra thăm khu nuôi hoẵng được quây xung quanh bằng tường xây phía dưới và phía trên được chồng thêm lưới B40 với tổng chiều cao trên 3m. Thấy tôi thắc mắc, ông Hặc cười: Không làm cao thế hoẵng nhẩy ra mất. Tường bao tầm 2,5m trở xuống là chúng nhẩy ra ngon lành như vận động viên nhẩy cao chuyên nghiệp.

Khoát tay chỉ về những chú hoẵng đang rải rác ở các khu nuôi với dáng vẻ rất đề phòng những người đang quan sát chúng, ông Hặc bảo: Khu này rộng trên 200m2. Nuôi nhốt, nhưng nhiều con vẫn nhát khi thấy người. Nuôi chúng không hề khó, còn dễ hơn cả nuôi lợn và các vật nuôi khác. Từ khi nuôi đến nay, chưa hề có một con nào bị chết vì dịch bệnh, không phải tiêm phòng hay cho uống, ăn thuốc gì cả. Về thức ăn là các loại củ quả, rau, cây rừng chúng đều ăn được hết. Như quả mận hậu chúng rất thích ăn…

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên lãi lớn - Ảnh 4.

Cùng với xây tường gạch bao quanh, phía trên tường còn được chồng thêm lưới B40 để phòng hoẵng nhẩy ra ngoài..

Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi hoẵng, ông Lường Văn Hặc kể: Năm 2013, tình cờ gặp một cánh thợ săn bẫy được 1 con hoẵng cái được mang về từ rừng với ý định để giết thịt. Lúc đó phải nài nỉ mãi cánh thợ săn mới bán lại cho mình để về nuôi làm cảnh và bảo tồn. Khi đó, nhiều người cản tôi lắm, kể cả các thành viên trong gia đình cũng cho rằng "nuôi làm sao được loài này, bán đi hoặc mổ thịt ăn cho đỡ vất vả".

Thấy tôi quyết tâm nuôi, mọi người cũng không cản nữa và cũng hướng dẫn tôi đăng ký thủ tục nuôi với cán bộ kiểm lâm. Sau đó, đến năm 2014, tôi lại tình cờ mua được một con hoẵng đực do người dân ở vùng cao bẫy được. Lúc đó cũng chỉ nghĩ mua về cho nó có cặp, có đôi, chứ ai nghĩ nó có thể sinh sản được trong môi trường nuôi nhốt.

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên lãi lớn - Ảnh 5.

Chuồng xây để cho hoẵng trú ẩn được thiết kế các ô cửa hình chữ nhật để tiện cho hoẵng chui ra, chui vào.

Đầu năm 2015, trong những lần cho hoẵng ăn, ông Hặc phát hiện bụng con hoẵng cái to dần theo từng ngày. Lúc đó ông khấp khởi mừng thầm vì thấy hoẵng nuôi nhốt đang chửa. Thế rồi sự khấp khởi đó vỡ òa khi hoẵng nuôi nhốt đã đẻ được 1 con hoẵng cái. Thời điểm hoẵng đẻ và những ngày sau đó, bà con trong bản và các nơi, thậm chí cả cán bộ xã, huyện cũng kéo nhau đến xem và bàn tán sôi nổi… Và bất ngờ hơn là đến đầu năm 2016, con hoẵng mẹ lại tiếp tục đẻ thêm một con hoẵng cái nữa. Cứ vậy, đàn hoẵng ông Hặc nuôi nhốt đã sinh sản theo thời gian. Thời điểm trong khu nuôi nhốt hoẵng của ông Hặc nhiều nhất là trên 30 con hoẵng.

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên tạo bất ngờ lớn - Ảnh 6.

Đôi hoẵng giống trưởng thành như này đang được thương lái trả 100 triệu đồng nhưng ông Hặc không bán.

Chỉ tay vào một đôi hoẵng được khoảng 3 tháng tuổi đang nằm ở góc khu nuôi nhốt, ông Hặc khoe: 2 con đó đã được khách tận Quảng Ninh đặt tiền rồi. Họ bảo 6 tháng mới đến bắt về nuôi. Giống này 2 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa đẻ 1 con. Hiện tại, tôi đang nhận đơn đặt mua giống của nhiều khách từ các tỉnh và khách họ đã đặt đến tận năm 2022. Do vậy, vừa rồi có nhiều người đến hỏi mua tôi đành phải lắc đầu. Hiện tại trong khu này còn 12 con, trong đó có 2 con đực giống. Nhiều người đến trả gấp đôi tôi không bán vì phải để mà nhân đàn.

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên lãi lớn - Ảnh 7.

Ông Hặc bảo: Mỗi năm hoẵng sẽ rụng sừng một lần và sau đó sẽ mọc sừng mới.

Qua tìm hiểu được biết: Tính từ năm 2016 đến nay, ông Lò Văn Hặc đã bán được trên 20 con giống từ 3 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi. Trong đó, có khách ở tận tỉnh Hà Giang đã bỏ ra gần 200 triệu đồng để mua 7 con giống về nuôi. Mỗi cặp giống 3 tháng tuổi ông bán 40 triệu đồng và 50 triệu đồng nếu khách mua 1 đôi giống 6 tháng tuổi.

Để tiện cho việc nuôi hoẵng khi số lượng đã nhiều hơn trước, nền đất trong khu nuôi nhốt đã được ông Hặc đổ bê tông, xây mấy dãy chuồng có mái như nuôi lợn để hoẵng có chỗ trú ẩn. Đồng thời, ông còn dẫn nguồn nước tự nhiên để tạo một dòng suối rộng chừng 1m chạy qua khu nuôi hoẵng. Ở trong khu nuôi nhốt, ông Hặc còn trồng các loại cây lấy bóng mát, trong đó có cây vả, cây sơn tra để vào mùa có quả rụng xuống cho hoẵng ăn.

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên lãi lớn - Ảnh 8.

Một con hoẵng cái đang chửa, cuối năm nay sẽ đẻ.

Thấy tôi thắc mắc sao có dòng nước dẫn tự nhiên chảy qua khu nuôi nhốt hoẵng rồi còn phải có mấy cái ao rộng chừng 20m2 ở trong khu nuôi nhốt cùng lưới B40 quây xung quanh, ông Hặc chia sẻ thêm: Trước đây chưa có kinh nghiệm, mỗi lần bắt giống bán hò nhau lùa bắt vừa khó khăn vừa nguy hiểm khi bị chúng đá hay bị cắn, nhất là con đực có nanh sắc nhọn mà cắn rất nguy hiểm. Thậm chí, những con hoẵng đang chửa khi bị lùa bắt như thế sẽ bị sảy thai, ảnh hưởng tới thể trạng của chúng. Có mấy cái ao đó, mỗi khi cần bắt giống thì mình lùa chúng xuống ao và dùng lưới bắt tiện lợi hơn rất nhiều…

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên lãi lớn - Ảnh 9.

Qua thực tế nuôi cho thấy: 2 năm hoẵng sẽ sinh sản 3 lứa, mỗi lứa chỉ đẻ 1 con.

Trao đổi về mô hình nuôi thành công hoẵng của gia đình ông Lường Văn Hặc, ông Đào Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp, cho biết: Trong nhiều năm qua, tình trạng săn, bắn động vật hoang dã vẫn xảy ra tại một số địa bàn của các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Sơn La. Trong đó, hoẵng rừng là một trong những sản phẩm được các nhà hàng và không ít người tiêu dùng tìm mua. Bởi thịt hoẵng là một trong những loại thịt ngon. Chính vì vậy, cá thể hoẵng tại các cánh rừng đang ngày một bị giảm sút về số lượng trước tình trạng săn bắn nói trên. Việc nuôi thành công hoẵng sinh sản theo hướng hàng hóa sẽ vừa đảm bảo được việc bảo tồn giống loài và lợi ích kinh tế. Đồng thời, cũng sẽ góp phần giảm thiểu được tình trạng săn, bắn loài động vật này để lấy thịt…

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên lãi lớn - Ảnh 10.

Theo ông Lò Văn Hặc: Nuôi hoẵng rất dễ, không lo bệnh dịch. Thức ăn cho hoẵng là củ, quả, rau các loại...

Được biết, không chỉ khách ở các tỉnh đến tìm mua hoẵng giống của gia đình ông Lường Văn Hặc về nuôi, mà các cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La của tỉnh Sơn La cũng đã góp tiền mua 1 cặp hoẵng giống của ông Lường Văn Hặc về để nuôi nhốt với mục đích là nhân giống và bảo tồn.

Mang hoẵng rừng về nuôi làm cảnh, lão nông vùng biên lãi lớn - Ảnh 11.

Trong thời gian tới, ông Lường Văn Hặc sẽ tiếp tục nhân đàn và chia sẻ kinh nghiệm nuôi hoẵng cho những ai có nhu cầu.

Cùng suy nghĩ trên, hôm chia tay, ông Lường Văn Hặc khẳng định: Mục tiêu của tôi là tiếp tục nhân đàn và chia sẻ kinh nghiệm nuôi cho bất kỳ người nào có nhu cầu mua giống để phát triển kinh tế và bảo tồn giống loài. Bởi nếu việc nuôi hoẵng này được phổ biến rộng rãi, ngoài lợi ích kinh tế thì việc bảo tồn loài này cũng sẽ được tốt hơn, không đứng trước nguy cơ bị giảm về số lượng do tình trạng săn, bắn động vật hoang dã trái phép vẫn diễn ra tại một số địa bàn…

Quốc Tuấn