Mặn đắng đời diêm dân (kỳ 3): Những "địa chủ" lạ kỳ ở đất muối

Bùi Phụ - Quang Đăng Thứ tư, ngày 16/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong quá trình đi thu thập tư liệu viết loạt bài này, chúng tôi nghe bà con diêm dân nói nhiều về vai trò của những chủ cho thuê đất làm muối. Ban đầu tôi cứ nghĩ đây là những "địa chủ - phát canh thu tô thời phong kiến". Nhưng khi được diện kiến, chúng tôi khá bất ngờ về những ông chủ đất này...
Bình luận 0

Ông chủ đất thu nhập ra sao?

Qua điện thoại, ông Trần Tài (hơn 60 tuổi ở thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), chủ cho diêm dân thuê đất làm muối hẹn tiếp chuyện ở một quán nước nhỏ trên đường ra cánh đồng muối Khánh Nhơn.

Sau khi "khoe" căn bệnh cao huyết áp xong, máu nhiễm mỡ cùng một số bệnh khác, ông Tài thổ lộ: "Tiếng chủ đất vậy chứ ngày 2 buổi tôi phải ra đồng "cày ải" như những diêm dân khác. Có điều mình lớn tuổi, nhiều bệnh nên các em, các cháu chỉ cho làm tư vấn kỹ thuật theo từng con nước để muối tốt hơn...".

Ông Trần Tài, 1 trong 10 diêm dân làm muối nền đất kỳ cựu của thôn Khánh Nhơn. Bằng kinh nghiệm, ông Tài có thể đoán gần chính xác độ mặn từng con nước lấy vào ruộng muối.

Mặn đắng đời diêm dân (kỳ 3): Đi tìm "địa chủ" cho thuê đất làm muối - Ảnh 1.

Diêm dân cào muối trên cánh đồng muối xã Tri Hải huyện Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Quang Đăng

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), khó khăn lớn nhất đối với nghề muối diêm dân hiện nay là chưa có hệ thống nước mặn cũng như hạ tầng giao thông không thuận lợi để kết nối vào các trung tâm vùng sản xuất muối nền đất. Ngoài ra, thị trường chưa được mở rộng, "điệp khúc" được mùa mất giá, được giá mất mùa khiến đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn…

Sau nhiều năm làm diêm dân cực khổ, qua tuổi 60, ông Tài "sở hữu" nhiều bệnh nên giao 2ha (20 sào đất, mỗi sào 1.000m2) cho các diêm dân trẻ tuổi thuê làm ăn chia theo tỷ lệ. Ông Tài đầu tư toàn bộ hệ thống (trả luôn tiền điện), ống nước, toàn bộ những thiết bị cần thiết khác, người thuê đất chỉ bỏ công sức ra làm. Muối bán 400.000 đồng/tấn, người thuê hưởng 180.000 đồng/ tấn, phần còn lại của ông Tài. Trừ đi tất cả chi phí như trả tiền điện, vật tư hư hao khác, số tiền vào túi ông Tài cũng chẳng là bao. Giống như những diêm dân khác, ông Tài lấy "công kinh nghiệm" của mình làm lời.

Đưa tầm mắt nhìn về cánh đồng muối, ông Tài trút bầu tâm sự: "Có nhiều lúc muốn nghỉ cho khỏe, nhưng nghĩ lại thấy mình khỏe rồi các gia đình diêm dân trẻ sống ra sao nên phải tiếp tục! Vùng này chỉ biết làm muối chứ biết làm gì khác khi đất đã mặn. Mặt khác, mấy đứa nhỏ thuê đất cũng là em, cháu, trong xóm nên bỏ tụi nó bơ vơ giữa đồng muối sao được! Tiếng cho thuê đất chứ thực chất đây là cuộc chuyển giao nghề của ông bà xưa để lại cho thế hệ sau mưu sinh...".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở cánh đồng muối Khánh Nhơn rộng hơn 600ha này, rất nhiều diêm dân kỳ cựu áp dụng kiểu cho thuê đất làm ăn chia theo tỷ lệ như ông Tài. Nhiều người đánh giá, việc này tích cực giúp cho thế hệ sau giữ vững nghề muối truyền thống ông cha để lại...

Hợp tác xã "3 không"

Mặn đắng đời diêm dân (kỳ 3): Đi tìm "địa chủ" cho thuê đất làm muối - Ảnh 3.

Chúng tôi tìm gặp ông Trần Thanh (52 tuổi) - Giám đốc HTX Muối Khánh Nhơn, khi ông tâm sự, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi cho phận diêm dân.

Ông Thanh sinh, lớn lên trên chính vùng muối mặn này. Dù chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn nào (ngoài trình độ học phổ thông), nhưng trong tâm ông luôn day dứt tìm đầu ra cho muối Khánh Nhơn, với mục đích bán được giá cao cho bà con được đồng nào hay đồng ấy!

Giữa năm 2020, ông Thanh cùng nhóm bạn diêm dân "bạo gan", thành lập HTX Muối Khánh Nhơn với 11 thành viên. Dù mới thành lập nhưng trung bình mỗi tháng HTX đã bán được khoảng 1.600 tấn muối. Khách hàng là những doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam như TP.HCM, tận Kiên Giang - Cà Mau... Doanh nghiệp mua muối Ninh Thuận về chế biến muối ăn hàng ngày để cung cấp cho các siêu thị, chế biến hải sản xuất khẩu...

Theo ông Thanh, HTX chỉ đứng ra bán giùm cho hội viên chứ chưa dám thu đồng phí nào vì sợ họ hụt tiền! Tính đến đầu tháng 6/2021, HTX đã hoạt động được 7 tháng nhưng chưa hội viên nào biết nghiệp vụ kế toán nên giao dịch với các công ty, khách hàng các tỉnh bị khó khăn. Thấy rõ việc này, vừa qua ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ mỗi tháng 3,4 triệu đồng để HTX trả lương cho nhân viên kế toán làm sổ sách.

Hiện tại HTX vẫn chưa có mặt bằng nên đặt ở quán cà phê nhỏ tại nhà ông Thanh để sáng sáng mỗi ngày bà con giao dịch xong ra đồng cho tiện.

Ông Thanh mong muốn được các cơ quan chức năng hỗ trợ cho HTX mặt bằng khoảng 2ha để làm kho chứa muối của diêm dân. "Nếu trời mưa muối ở ngoài đồng sẽ bị ướt, tan chảy hao hụt còn bị thương lái ép giá tội nghiệp bà con…"- ông Thanh tâm sự.

Ông Thanh mơ ước: "Nếu được Nhà nước hỗ trợ hệ thống dẫn nước mặn từ biển vào, và xây cho cái hồ lớn chứa nước biển nằm trong cánh đồng muối để bà con lấy lại nguồn nước này làm muối thì diêm dân giảm chi phí rất nhiều, hạt muối cũng chất lượng hơn. Bên cạnh đó là con đường giao thông bằng bê tông nhựa cho xe tải lớn trên 12 tấn vào tận nơi vận chuyển muối từ đồng về kho chứa…".

Lấy cuốn sổ tay ghi chép kế hoạch, ông Thanh kể tiếp: "Tin vui cho nhà báo biết, đầu tháng 6/2021, anh em trong HTX chúng tôi họp quyết định gom tiền mua dàn máy vi tính, kết nối internet, nhờ người lập trang web giới thiệu sản phẩm muối Khánh Nhơn cho nhiều người biết. Việc này mới tính thôi chứ chưa có tiền mua máy nhưng hy vọng làm chúng tôi làm được..."- ông Thanh nói.

Nghe ông Thanh trình bày kế hoạch mua máy tính bàn, kết nối internet, lập trang web… lòng chúng tôi như muốn quặn lại! Cảm thấy thương ông Thanh, thương bà con diêm dân, thời 4.0 này, nhiều người có điện thoại thông minh trong tay, lướt mạng vù vù thì HTX Muối Khánh Nhơn vẫn "3 không". Không trụ sở, không kho, không máy tính... 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem