Mặn đắng đời diêm dân (kỳ 2): Gánh muối mặn đưa con vào đại học

Bùi Phụ - Quang Đăng Thứ ba, ngày 15/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Dù cuộc sống thiếu thốn nhưng nhiều gia đình diêm dân ở thôn Khánh Nhơn (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) vẫn quyết cho con ăn học tới nơi tới chốn để thoát khỏi cái nghèo. Ai cũng hy vọng con mình sau khi tốt nghiệp đại học, đem tri thức về làm giàu cho quê hương, nhất là đưa muối Ninh Thuận lên tầm cao mới…
Bình luận 0

Đời cha muối mặn, đời con quả ngọt!

Trong những ngày lang thang qua những cánh đồng muối thôn Khánh Nhơn, chúng tôi luôn nghe bà con diêm dân tâm sự rằng dù đời mình cực khổ mấy cũng cam lòng để con cái được học hành tử tế…

Một trong những người làm ngày, làm đêm để có tiền cho con ăn học phải kể gia đình ông Nguyễn Hẹn, còn gọi là Mười Hẹn (gần 60 tuổi). Bà con thôn Khánh Nhơn nói vui: Trâu bò cày bừa còn có giờ nghỉ chứ vợ chồng Mười Hẹn thì không!

Gia đình ông Mười Hẹn có 3 sào đất (1 sào = 1.000m2) làm muối theo kiểu truyền thống hàng mấy chục năm qua. Một ngày của ông là thức dậy từ 4 giờ sáng và kết thúc khi mặt trời lặn. Năm 2014, vì làm quá sức nên ông bị ngã quỵ trên cánh đồng muối, gia đình chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu. Ông hôn mê đến 5 ngày mới tỉnh lại. Sau sự cố này, ông được các bác sĩ khuyên giảm làm việc nặng để bảo vệ sức khỏe… Thế nhưng, thời điểm này, ông đang nuôi 2 người con học đại học ở TP.HCM, nên sau khi xuất viện ông vẫn làm việc cật lực trên cánh đồng muối, bất kể nắng mưa.

Mặn đắng đời diêm dân (kỳ 2): Gánh muối mặn đưa con vào đại học    - Ảnh 2.

Vợ chồng diêm dân Nguyễn Hẹn - Nguyễn Thị Ít vất vả trên cánh đồng muối Khánh Nhơn. Ảnh: Quang Đăng

Ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Thuận cho biết, Sở đã có đề xuất gửi UBND tỉnh triển khai xây dựng đề án phát triển bền vững cánh đồng sản xuất muối Bắc Tri Hải - Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) 350ha từ nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng trên 95 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cấp nước, kho bãi của HTX muối; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến muối. Đồng thời đào tạo cho khoảng 200 diêm dân nắm vững quy trình sản xuất muối tiên tiến, liên kết với HTX muối Khánh Nhơn giải quyết đầu ra cho muối.

Nhìn cảnh ông Mười Hẹn hì hục đẩy xe muối nặng hàng mấy chục ký trên lối đi gập ghềnh, dễ ngã giữa nắng trưa như lửa đốt, chúng tôi không khỏi xót xa và thán phục trước sự lao động miệt mài của ông.

Đưa tay quệt mồ hôi ướt đẫm trên trán, ông Mười Hẹn nói: "Muối giá thấp nên phải tranh thủ lấy công làm lời chứ giờ mà thuê người thu hoạch nữa thì không có tiền trả công!".

Nơi trú ngụ của vợ ông Mười Hẹn mấy mươi năm qua là căn nhà cấp 4 thấp, cũ kỹ nhưng sạch sẽ, nằm sâu trong thôn Khánh Nhơn. Trong nhà không có tài sản gì quý giá ngoài chiếc ti vi đời cũ và chiếc xe gắn máy đã bị nước mặn bào mòn theo năm tháng.

"Thoát ly" đời diêm dân, nâng tầm hạt muối

Nghe ông Hẹn kể lại hành trình những năm tháng nuôi hai đứa con học đại học ở TP.HCM, chúng tôi càng thán phục sự hy sinh cao cả của vợ chồng ông. Vợ chồng ông có 5 người con, 3 người con lớn học hết 12 đành nghỉ vì gia đình hết khả năng cho học thêm. Người con gái thứ tư tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM và đứa con trai út tốt nghiệp Trường Đại học Lao động Xã hội. Đưa tay lấy hai tấm bằng cử nhân của hai người con được ông cất trong tủ kính ra lau chùi, ông Mười Hẹn thổ lộ: "Đây là kỷ niệm và gia tài quý giá nhất, bởi đến giờ tôi cũng không ngờ đời diêm dân cực khổ của mình đã nuôi được hai con tốt nghiệp đại học…".

Mặn đắng đời diêm dân (kỳ 2): Gánh muối mặn đưa con vào đại học    - Ảnh 4.

Diêm dân Nguyễn Hẹn lao động cực nhọc giữa nắng trưa trên cánh đồng muối Khánh Nhơn. Ảnh Quang Đăng.

Lật từng trang trong tập vở học trò do chính ông ghi ngày tháng thu chi đã qua, ông Mười Hẹn tâm sự: "Khoảng chục năm trước, hay tin đứa con gái đậu đại học ở TP.HCM, tôi mừng đến chảy nước mắt. Đêm xuống, vợ chồng tôi không ngủ được vì không biết xoay đâu ra tiền cho con học suốt 4 năm liền. Nhờ sự giúp đỡ của bà con, bạn bè vay mượn thêm tiền bán muối trước, đứa con gái cũng khăn gói vào giảng đường. Con chị chưa hết năm thứ 2 thì thằng em tiếp tục đậu đại học. Lúc này tôi tưởng chừng như phải bỏ cuộc thì nhiều người cho hay Nhà nước đang có chương trình cho sinh viên nghèo vay tiền đi học, nên tôi làm hồ sơ và được vay 40 triệu đồng cho 2 đứa. Nhờ số tiền này mà tụi nhỏ có bằng đại học như hôm nay. Tôi, dành dụm từng đồng bán muối suốt nhiều năm qua nên vừa trả dứt nợ cho Nhà nước…".

Con gái ông Mười Hẹn sau khi tốt nghiệp có gia đình, cùng chồng thành lập doanh nghiệp tư nhân tại địa phương. Riêng người con trai lập nghiệp, có vợ ở TP.HCM. Chúng tôi hỏi, gia đình con cái ổn định rồi sao chú vẫn còn theo nghề muối chi cho cực?

"Bỏ sao được chú, nghề này nuôi mình bao nhiêu năm qua mà! Nghiệp muối đã ăn vào máu nên tôi hy vọng sẽ tìm ra một phương án làm muối mới, bán giá cao hơn để diêm dân sau này bớt cực như mình…" - ông Mười Hẹn nói.

Trong thôn Khánh Nhơn còn có những diêm dân khác, chấp nhận khổ cực cả đời để nuôi con vào đại học. Trong đó có gia đình ông Trần Nhị (54 tuổi). "Nghề gì Nhị tôi cũng làm, từ làm thuê cuốc đất, làm muối, bốc vác miễn không phạm pháp và có tiền nuôi con ăn học. Ban ngày tôi làm diêm dân, tối ra chân núi chăn nuôi, trồng trọt. Cực khổ vậy tôi mới nuôi được 3 đứa con vào đại học…" - diêm dân Trần Nhị nói.

Cũng như nhà ông Mười Hẹn, các con ông Trần Nhị được nhà nước cho vay tiền đi học đại học. Tích cóp từ nhiều nguồn, trong đó có tiền bán muối, đầu năm 2021, ông Trần Nhị đã trả hết nợ. Được biết, ông Nhị thuê 3 sào đất làm muối và ăn chỉ tỷ lệ với chủ đất.

Hai con trai lớn ông Nhị tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM đã có việc làm. Đứa con gái út đang học Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Ông Nhị hy vọng con gái ông khi ra trường sẽ tìm cách đưa thương hiệu muối Ninh Thuận lên tầm, giá bán được cao hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem