Lý Hải và những lần "chơi lớn" đưa vẻ đẹp nông thôn Việt Nam vào "Lật mặt"

Hà Thúy Phương Thứ tư, ngày 24/04/2024 06:21 AM (GMT+7)
Vốn xuất thân là nông dân, là người con của miền Tây, tình yêu với vẻ đẹp thôn quê luôn chảy trong tim của nhà sản xuất, đạo diễn Lý Hải.
Bình luận 0

Trong các phần phim Lật mặt gần đây, vẻ đẹp của nông thôn Việt Nam được Lý Hải truyền tải từng chi tiết, từng khung hình khi chấp bút lẫn khi đứng sau máy quay. Có thể thấy chất liệu nông thôn bình dị đã được Lý Hải làm mới hoàn toàn, mang đến một góc nhìn mới lạ mà vẫn đậm chất văn hóa địa phương.

Lật mặt 5: 48h - Những cảnh miền Tây đặc trưng

Trong Lật mặt 5: 48h, Lý Hải chọn bối cảnh tại một ngôi làng người Chăm ở Châu Đốc, An Giang. Do làng có từ lâu đời, nhiều sàn gỗ bị mục, anh gia cố lại hệ thống đường đi, cột nhà... để đảm bảo cho các cảnh hành động. Ê-kíp mất 1 tháng thiết kế 15 nhà sàn - nơi nhân vật chính (Võ Thành Tâm) đối đầu với đám tay sai của tên trùm. Lý Hải nói: "Chúng tôi phải tính toán để các ngôi nhà vừa đủ vững chãi cho những pha đánh đấm, vừa dễ đổ sập theo kịch bản".

Lý Hải và những lần "chơi lớn" đưa vẻ đẹp nông thôn Việt Nam vào "Lật mặt"- Ảnh 1.

Chất miền Tây đậm nét trong Lật mặt 5 của Lý Hải. Ảnh: NSX

Lý Hải mời khoảng 1.000 diễn viên quần chúng quay cảnh lễ hội truyền thống của người Chăm trước trận hỗn chiến. Do ngôi làng nằm ở nơi hẻo lánh, anh phải huy động người dân ở các địa phương lân cận như Long Xuyên (An Giang), Cần Thơ... Phân cảnh mất một tháng chuẩn bị nhưng lên phim chỉ dài khoảng 30 giây đến 1 phút.

Đạo diễn seri Lật mặt, từng chia sẻ với Dân Việt thời điểm làm Lật mặt 5: 48h rằng: "Chất liệu để làm nên những cảnh miền Tây mượt mà là do tôi được sinh ra và lớn lên ở miền Tây. Thuở nhỏ, tôi được đi trên những chiếc xe lôi, võ lãi nên khi viết kịch bản tôi muốn đưa vào phim. Quay ở dưới nước, quay ở quê cái gì cũng khó hơn, nhất là khi quay cảnh trên sông phải giữ thăng bằng thật vững chứ sóng đánh vào thuyền gây ra lật máy quay là không có tiền đền luôn.

Lý Hải và những lần "chơi lớn" đưa vẻ đẹp nông thôn Việt Nam vào "Lật mặt"- Ảnh 2.

Lý Hải đưa hình ảnh miền Tây vào Lật mặt 5. Ảnh: NSX

Phần 5 của Lật mặt, tôi chủ đích đưa vào những cảnh miền Tây đặc trưng để những ai chưa biết thì sẽ đi du lịch miền Tây còn những ai biết rồi thì tiếp tục quay về. Chính vì vậy, tôi chọn cảnh đẹp, cảnh "hot" ví dụ cảnh chợ nổi, khán giả có thể nhận ra ngay như: xe lôi, làng Chăm, võ lãi…

Song song đó, tôi cũng đưa tình người miền Tây vào phim để khán giả có thể an tâm đi du lịch miền Tây với phong cảnh đẹp sôi nổi và người dân hiền lành mến khách…"

 Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh - Khôi phục làng nghề truyền thống

Trong phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, ngay từ khâu xây dựng kịch bản, Lý Hải tiếp tục mong muốn đưa hình ảnh quê hương lên màn ảnh. Anh luôn đau đáu tìm kiếm một làng nghề truyền thống của Việt Nam làm bối cảnh chính cho bộ phim. Sau khi đi khắp nơi và tìm hiểu nhiều làng nghề truyền thống như: đan giỏ lát, đan túi đệm, làm bánh tráng, làm bánh phồng… Lý Hải đã dừng chân ở làng chiếu Định Yên.

Lý Hải và những lần "chơi lớn" đưa vẻ đẹp nông thôn Việt Nam vào "Lật mặt"- Ảnh 3.

Chợ chiếu nhìn từ trên cao trong Lật mặt 6. Ảnh: NSX

Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh đánh dấu lần đầu có một đạo diễn Việt dám đầu tư đến tiền tỷ để xây dựng và đầu tư quay phim bối cảnh là làng nghề truyền thống. 

Làng nghề truyền thống - nơi Lý Hải chọn quay phim gần như đã ngưng hoạt động. Để có thể khôi phục và tái hiện hình ảnh những con đường làng chiếu chân thật như xưa, ê-kíp Lật mặt phải xây dựng nhiều lò nhuộm lát và bãi sân phơi lát - phơi chiếu, cũng như tái hiện phiên chợ chiếu ngày - đêm với quy mô còn hoành tráng hơn cả thời làng chiếu khi còn hưng thịnh. Bên cạnh đó, để bối cảnh thêm sống động, Lý Hải đã mua hàng ngàn chiếc chiếu để ghi hình.

Lý Hải và những lần "chơi lớn" đưa vẻ đẹp nông thôn Việt Nam vào "Lật mặt"- Ảnh 4.

Chợ chiếu do Lý Hải phục dựng trong Lật mặt 6. Ảnh: NSX

Được biết, sau khi hoàn thành những cảnh quay, Lý Hải đã tặng lại lò nhuộm lát cho người dân nơi đây để bất kỳ ai đều có thể sử dụng với hy vọng phần nào níu giữ nét tinh túy của làng chiếu truyền thống. Việc phục dựng làng nghề truyền thống đã khiến đoàn phim tốn công sức và nhiều thời gian. Chỉ riêng quá trình phục dựng và ghi hình tại một bối cảnh này, đoàn phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh đã mất một tuần. Ngoài ra, để có thể tạo dựng được làng chiếu Định Yên chân thật với hình ảnh trước đây, ê-kíp của Lý Hải đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của chính quyền và bà con địa phương nơi đây.

Lật Mặt 7: Một điều ước - Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ lên màn ảnh

Với Lật Mặt 7: Một điều ước, ê-kíp Lý Hải tiếp tục chiêu đãi khán giả với “buổi triển lãm” danh lam thắng cảnh xuyên Việt đặc sắc. Bên cạnh bối cảnh chính tại làng K’Long K’Lanh, Lâm Đồng, phim còn khiến khán giả thích thú khi “cập bến” một cảng cá tuyệt đẹp - Cảng cá Mỹ Tân, Ninh Thuận và là nhà của vợ chồng nhân vật Tư Hậu (do Quách Ngọc Tuyên và Tín Nguyễn đóng).

Bối cảnh của phim Lật mặt 7. Nguồn: NSX

Trong video hậu trường mới nhất của Lật mặt 7, Lý Hải tiết lộ quá trình lựa chọn Mỹ Tân làm địa điểm quay chuyện nhà Tư Hậu. Lý Hải chia sẻ với Dân Việt: “Tôi và ê-kíp đã đi rất nhiều bãi biển đẹp ở miền Trung và sau cùng chọn được cảng cá Mỹ Tân. Những buổi sáng sớm khi mặt trời chưa mọc, mọi người đã đến họp chợ rất đông. Khung cảnh rất vui tươi và hào hứng”.

Phía ê-kíp còn tiết lộ rằng, đây là một trong những bối cảnh tốn kém và đầu tư phức tạp nhất. Để tạo nên hình ảnh cảnh cá nhộn nhịp, Lý Hải đã huy động 100 tàu bè, sẵn sàng “chi mạnh” để phục vụ cho cảnh quay. Trong đoạn video có hé lộ cảnh ngôi làng sau khi cơn bão đi qua. Sự tan hoang của cảng cá được ê-kíp dụng tâm dựng mọi thứ, với sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân.

Lý Hải và những lần "chơi lớn" đưa vẻ đẹp nông thôn Việt Nam vào "Lật mặt"- Ảnh 5.

Lý Hải đã huy động 100 tàu bè, sẵn sàng “chi mạnh” để phục vụ cho cảnh quay. Ảnh: NSX

Với những cảnh ngoài khơi, ê-kíp Lý Hải đã lái tàu ra giữa biển khơi để có những thước phim chân thật nhất cho khán giả. “Tưởng rất đơn giản nhưng rất khó khăn, do đa số anh em ê-kíp không quen đi tàu, thành ra nôn mửa rất nhiều”, Lý Hải nói.

Ngoài những cảnh biển, ê-kíp Lật mặt 7 còn tái hiện cảnh lễ hội ở Lăng Thần Nam Hải. Lý Hải đã nghiên cứu tỉ mỉ, tự mình cùng ê-kíp dựng lại lễ hội sao cho đúng đến từng chi tiết. Về phần trình diễn, Lý Hải nhờ hẳn một đội hát bội từ Quy Nhơn bay vào để thực hiện cảnh quay. Với mong muốn tốt đẹp của Lý Hải đưa văn hóa lễ hội ở Lăng Thần Nam Hải cộng hưởng âm nhạc cổ truyền hát bội vào phim.

Lý Hải và những lần "chơi lớn" đưa vẻ đẹp nông thôn Việt Nam vào "Lật mặt"- Ảnh 6.
Lý Hải và những lần "chơi lớn" đưa vẻ đẹp nông thôn Việt Nam vào "Lật mặt"- Ảnh 7.

Lý Hải đưa nghệ thuật hát bội vào Lật mặt 7 - Một điều ước. Ảnh: NSX

Ngoài ra, để tạo ra không khí nhộn nhịp, đông người của lễ hội, ê-kíp đã huy động bà con khắp làng đến xem, bất kì ai tại đó cũng có thể đến dự.

"Làng K'long K'lanh 90% là người đồng bào dân tộc K'Ho và đời sống còn nhiều khó khăn. Tôi muốn làm một chút gì đó để đóng góp cho sự phát triển nơi này. Đây là nơi rất đẹp, có thể săn mây quanh năm. Nếu được mọi người quan tâm thì là điều rất đáng quý", Lý Hải chia sẻ với Dân Việt.

Lý Hải - Minh Hà đều cho biết, không có ý định biến nơi đây thành địa điểm kinh doanh nhưng mong muốn địa điểm quay Lật mặt 7: Một điều ước là cơ hội để khán giả biết đến vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của K'long K'lanh, giúp phát triển du lịch ở đây, tạo công việc cho người dân địa phương.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem