Long An: Nuôi loài kị thuốc trừ sâu, thả vô rừng tràm làm ra thứ "nước" này bán 1 vốn 4 lời

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 09/01/2021 19:06 PM (GMT+7)
Nuôi ong lấy mật được xem là nghề “một vốn bốn lời” ở tỉnh Long An. Nhưng, muốn có vụ mật thành công, người nuôi phải nhọc nhằn đưa đàn ong tìm đến những vùng hoa trù phú.
Bình luận 0

Nhiều năm nay, tận dụng rừng tràm rộng lớn ở xã Tân Long (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), ông Võ Văn Bo từ huyện Cái Bè (Tiền Giang) đã đưa đàn ong lên nuôi.

Du mục với đàn ong khắp các vùng hoa trù phú, nông dân sống khỏe với những vụ mật ngọt ngào - Ảnh 1.

Chị Vũ Thị Thơm (phải) đang cho khách xem một tổ ong mật.

 "Vợ chồng tôi "bén nghề" này hơn 15 năm nay. Quê tôi có khá nhiều hộ nuôi ong vì có nhiều vườn cây ăn trái", ông Bo cho biết.

Theo ông Bo, nghề nuôi ong đòi hỏi người nuôi phải quen với không gian tĩnh lặng, hạn chế đèn điện, tiếng ồn.

Ngoài ra, bên cạnh sự cần cù, chịu khó, người nuôi ong còn phải áp dụng đúng kỹ thuật, am hiểu đặc tính con ong.

Đặc biệt, người nuôi cần có kinh nghiệm để biết những vùng có các loại cây trái, thời điểm cây ra hoa để kịp thời di chuyển đàn ong đến.

"Có năm, vợ chồng tôi phải di chuyển thùng ong ra tận các tỉnh miền Trung, miền Bắc", ông Bo cho biết.

Ông Bo hiện đang nuôi 200 thùng ong mật.  Vào mùa hoa tràm nở rộ (mùa khô), trung bình một tháng một thùng ong "quay" mật hai lần, mỗi lần hơn 1 lít.

Hiện nay, dọc các khu rừng tràm tại khu vực Đồng Tháp Mười (Long An) có khá nhiều người nuôi ong mật.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, một nông dân nuôi ong ở xã Thủy Đông (huyện Thạnh Hóa) cho biết, gần đây mật ong hoa tràm có giá trở lại. Người tiêu dùng tin tưởng vì cây tràm không bị phun thuốc trừ sâu.

Giá mỗi lít mật ong hoa tràm mùa khô có giá 300.000 - 500.000 đồng/lít; và  200.000 - 400.000 đồng/lít vào mùa mưa.

Du mục với đàn ong khắp các vùng hoa trù phú, nông dân sống khỏe với những vụ mật ngọt ngào - Ảnh 2.

Một khu vực nuôi ong ở Đồng Tháp Mười.

Ngoài mật ong, người nuôi còn bán phấn và tổ ong, con nhộng, sáp ong để người tiêu dùng ngâm rượu.

 "Nhiều khách hàng ở TP.HCM rất chuộng phấn hoa từ tổ ong. Thậm chí, họ còn mua cả thùng ong về nuôi", bà Ngoan thổ lộ.

Tại xã Phú Lập (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), chị Vũ Thị Thơm đang có trại ong với 700 thùng. Mỗi năm, trung bình chị "quay" được 25 tấn mật.

"Năm qua, giá mật ong có phần khởi sắc, người nuôi ong sẽ có lãi", chị bộc bạch.

Theo chị Thơm, với nghề nuôi ong, có hai yếu tố chính quyết định thành bại là thời tiết và sự sung túc của mỗi mùa hoa.

Để có vụ mật thành công, chị thường phải đưa đàn ong đi rong ruổi khắp nơi như: Bình Phước (để lấy mật hoa điều, cao su), Bắc Giang (để lấy mật vải), Hưng Yên (để lấy mật nhãn)… Chuyến đi phải tính bằng tháng và chi phí vận chuyển hàng chục triệu đồng.

"Khó khăn nhất là chọn địa điểm đặt thùng ong. Nếu không may đặt thùng ong ở vườn đang xử lý thuốc hóa học, ong đi lấy mật hoa trúng thuốc sẽ chết hàng loạt, trắng tay", chị Thơm bộc bạch.

Được biết, hiện nay đa số người nuôi ong ở Đồng Tháp Mười (Long An) đến từ các tỉnh, như: Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng,…

Ngoài ra, số người nuôi ong của tỉnh Long An cũng đang tăng dần, nhất là ở các huyện: Thạnh Hóa, Thủ Thừa và Mộc Hóa.

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện, sắp tới, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong.

Du mục với đàn ong khắp các vùng hoa trù phú, nông dân sống khỏe với những vụ mật ngọt ngào - Ảnh 3.

Khách hàng thích thú với những thùng ong mật đang được nuôi tại trại ong của chị Thơm.

"Tỉnh khuyến khích nuôi ong an toàn và ứng dụng công nghệ cao nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời bảo tồn hệ sinh thái đa dạng trong nông nghiệp", ông Thiện cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem