dd/mm/yyyy

Lợi ích từ việc “mặc áo” cho trái cây ở Sơn La

Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2021. Việc “mặc áo” cho trái cây sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm quả, chống được sâu bệnh hại, giảm chi phí chăm sóc… Qua đó, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Trong năm 2021, tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu xuất khẩu khoảng 22.000 tấn quả. Do vậy, việc Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với huyện Yên Châu tổ chức Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2021 sẽ giúp trái cây của tỉnh Sơn La đảm bảo chất lượng sản phẩm cao nhất cho khâu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Lợi ích từ việc “mặc áo” cho trái cây ở Sơn La - Ảnh 1.

Việc "mặc áo" cho trái cây sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí chăm sóc.

Theo ông Công, quả xoài nói riêng và các loại quả khác nói chung sau khi được bao trái sẽ tránh được côn trùng, sâu bệnh hại. Thứ hai là giảm được tối đa công chăm sóc và chi phí bảo quản. Thứ ba, khi bao trái thì những sản phẩm trái cây của Sơn La đưa ra thị trường là những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao. Điều quan trọng là đáp ứng được thị trường tiêu thụ và các nhà nhập khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La lấy ví dụ: Thị trường Mỹ ưa xoài có vỏ màu vàng nên chúng ta sẽ dùng túi bao 2 lớp màu vàng; thị trường Úc, Anh, Trung Quốc thích xoài vỏ màu xanh nên chúng ta sử dụng túi bao màu trắng. Bên cạnh đó, việc phát động phong trào bao trái cây giúp các HTX, doanh nghiệp và người nông dân nhận thức: Việc tổ chức bao trái là một trong những công đoạn của sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất sạch được đặt lên hàng đầu. Đó là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng thị trường tiêu thụ. Kết quả là đem lại giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu sản phẩm quả của chúng ta trên thị trường trong nước, quốc tế. Nhờ đó, tăng được tỷ trọng xuất khẩu ngày càng cao.

Lợi ích từ việc “mặc áo” cho trái cây ở Sơn La - Ảnh 2.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Yên Châu hướng dẫn các thành viên HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc "mặc áo" cho xoài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khuyến cáo, người dân "mặc áo" cho quả xoài khi đã hết thời gian rụng sinh lý, tức là quả xoài khi bắt đầu đậu trái đến khoảng thời gian từ 35 ngày – 40 ngày. Tiếp đó, lựa chọn những quả xoài không bị sâu bệnh hại, mẫu mã đẹp, không bị lép, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý toàn bộ sâu bệnh và tiến hành bao trái. Thời gian bao trái đến lúc thu hoạch không sử dụng thuốc BVTV nên chất lượng quả sẽ tăng lên rất cao.

Hơn nữa, người dân cần lựa chọn những doanh nghiệp, những cơ sở sản xuất bao trái đảm bảo các yếu tố như: Chất lượng tốt, sản phẩm đã được kiểm định, đánh giá đảm bảo an toàn. Bởi, nếu bà con sử dụng những bao trái an toàn thì quả xoài không bị thẩm thấu nước, không bị côn trùng, từ đó có quả xoài chất lượng. 

Nếu bao trái chúng ta mua không đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ thì quả xoài sẽ bị hỏng. Do vậy, bà con phải mua bao trái ở những đơn vị đã được cấp phép tiêu thụ trên thị trường, đã được kiểm định chất lượng trong thời gian qua. Thêm vào đó, đến thời gian thu hoạch, bà con phải thu hoạch đúng quy trình, quy chuẩn trong thu hoạch. Tránh trường hợp bao trái tốt nhưng khâu thu hoạch không tốt thì sản phẩm của chúng ta sẽ không đảm bảo.

Lợi ích từ việc “mặc áo” cho trái cây ở Sơn La - Ảnh 3.

Việc bao trái cây giúp sản phẩm quả có mẫu mã đẹp hơn.

Trao đổi với PV, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Mục tiêu của chúng tôi là hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, xanh, sạch và phấn đấu các sản phẩm nông sản của hội viên, nông dân toàn tỉnh sẽ đủ điều kiện tiêu thụ và xuất khẩu.

"Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân toàn tỉnh tổ chức bao 10 triệu trái cây. Để đạt được điều đó, Hội Nông dân tỉnh đã ký cam kết với Hội Nông dân các huyện, thành phố trong việc tổ chức bao trái cây. Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh sẽ chỉ đạo các HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân sẽ thực hiện bao trái để phục vụ cho mục tiêu tiêu thụ và xuất khẩu.

Đến thời vụ, nếu đủ điều kiện Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu để thực hiện bao tiêu và xuất khẩu. Sau đó, khi hết vụ xoài năm nay, Hội Nông dân tỉnh sẽ có sơ kết và đánh giá cụ thể về việc bao trái cây", Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La nhấn mạnh.

Lợi ích từ việc “mặc áo” cho trái cây ở Sơn La - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, việc bao trái cây sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu cho nông sản Sơn La trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, cho biết: Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả của Yên Châu là 10.115 ha, trong đó diện tích xoài của Yên Châu gần 3.000 ha. Diện tích đưa vào kinh doanh là 1.500 ha. Việc trồng cây ăn quả trên đất dốc đã giúp bảo vệ môi trường như chống xói mòn, rửa trôi, giúp người nông dân canh tác bền vững. Mặt khác, trồng cây ăn quả giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân từ 5 lần – 10 lần so với các loại cây khác. Cá biệt có những diện tích xoài cho thu nhập trên 350 triệu đồng/ha.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, việc "mặc áo" cho trái cây là một giải pháp rất hiệu quả trong quá trình áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; giúp chống được các loại sâu bệnh hại trên trái cây. Hưởng ứng phong trao bao trái cây của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện Yên Châu sẽ tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng, tăng cường áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ.

"Vận động người dân hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng các loại chế phẩm sinh học, thuốc hữu cơ trong khâu chăm sóc cây ăn quả. Nói không với việc sử dụng thuốc trừ cỏ để chăm sóc cây trồng.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện sẽ tuyên truyền, vận động 100% hội viên, nông dân trên địa bàn huyện tiến hành "mặc áo" cho các loại cây ăn quả giảm chi phí chăm sóc, tạo ra sản phẩm có mẫu mã có chất lượng tốt, đảm bảo tiêu thụ và xuất khẩu", ông Điện cho biết thêm.

Chia sẻ với PV, ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), cho hay: HTX đang trồng và chăm 25 ha xoài GL4, trong đó 14,5 ha được cấp mã số vùng trồng. Trong năm 2021, HTX phấn đấu xuất khẩu khoảng 300 tấn xoài. 

Để đạt được mục tiêu đó, hiện HTX đang cùng với các thành viên làm tốt công tác chăm sóc vườn xoài. Cụ thể, HTX đang áp dụng cách thức chăm sóc bằng cách bao trái cho quả xoài bằng túi bao màu vàng và túi bao màu trắng. Việc "mặc áo" cho quả xoài sẽ tránh được sâu bệnh hại, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu quả đẹp, đáp ứng được thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuệ Linh - Trung Hải