Loạt nhà máy chế biến tôm hàng trăm tỷ được khánh thành

09/03/2021 16:22 GMT+7
Từ năm 2020 tới đầu năm 2021 một loạt các nhà máy chế biến tôm với mức đầu tư hàng trăm tỷ đến nghìn tỷ đồng được khánh thành.

Loạt nhà máy chế biến tôm hàng trăm tỷ đồng mới được khánh thành

Thông tin từ Hiệp Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong thập niên tới đây thủy sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ có tốc độ phát triển tốt hơn. Mặc dù năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng trầm trọng đến chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu nhưng chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn khởi sắc.

Từ năm 2020 tới đầu năm 2021 một loạt các nhà máy chế biến tôm với mức đầu tư hàng trăm tỷ đến nghìn tỷ đồng được khánh thành.

Đầu năm 2021, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang. Nhà máy có khuôn viên gần 3 hecta, với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm ngày, kho lạnh công suất 3.000 tấn.

Loạt nhà máy chế biến tôm hàng trăm tỷ đồng được khánh thành - Ảnh 1.

Từ năm 2020 tới đầu năm 2021 một loạt các nhà máy chế biến tôm với mức đầu tư hàng trăm tỷ đến nghìn tỷ đồng được khánh thành. Ảnh minh họa internet

Bên cạnh đó, An An có vùng nuôi tôm 200 hecta tại Bến Tre. Đây sẽ trở thành vùng trọng điểm lý tưởng, phù hợp cung ứng nguyên liệu cũng như tạo sự chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm. An An được xây dựng đồng bộ, với hệ thống xử lý nước thải công suất đến 1500 m3/giờ, bảo đảm môi trường và mục tiêu phát triển bền vững của mình.

Tương tự, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã có kế hoạch cuối quý I/2021 sẽ khởi công 2 nhà máy chế biến lớn tại Hậu Giang và Cà Mau, công suất chung gần 50.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đồng thời Minh Phú còn có kế hoạch xây thêm nhà máy ở Kiên Giang.

Công ty CP thực phẩm Sao Ta (FIMEX) cũng nhanh tay tranh thủ thời cơ với 2 nhà máy trong Khu công nghiệp An Nghiệp Sóc Trăng, thi công cùng lúc từ trong năm 2020, công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.

Công ty CP Nha Trang Seafood –F17 (NTSF) cũng “Nam tiến” như Thuận Phước. NTSF đã có nhà máy chế biến tôm và cá tra ở Thốt Nốt, đang hoàn thiện những khâu cuối cùng cho nhà máy chế biến tôm ở Hộ Phòng, Bạc Liêu, công suất 10.000 tấn/năm.

Công ty CP thủy sản Minh Hải (Sea Minh Hải) đang cải thiện điều kiện sản xuất, nâng công suất chế biến và an toàn thực phẩm cho cả 3 nhà máy của mình tại Bạc Liêu. Công ty Chế biến và dịch vụ Thủy sản Cà Mau (CASES) đã làm mới nhà máy chế biến sâu và nâng công suất kho thêm 3.000 tấn.

Cũng nói thêm các “đại gia” ngành tôm tại Sóc Trăng đều có chương trình phát triển hoạt động của mình những năm tới như Stapimex, Cleanfood, Taika, Khánh Sủng... Tại đây sự hình thành của các doanh nghiệp mới như Thái Hoà (2019), Khanganfoods (đầu năm 2021) sẽ khiến sự cạnh tranh của ngành tôm thêm sôi động, nhưng sẽ là một động lực khiến Sóc Trăng sớm thành vùng trọng điểm tôm của cả nước.

"Việt Nam sẽ thành cường quốc sản xuất tôm số 1 thế giới"

Tại "Đối thoại 2045" với Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, hiện nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản, đặc biệt là tôm, đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.

Ông Quang cho biết, Minh Phú đã kết hợp công nghệ AI và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) quản lý nuôi tôm, được thiết kế riêng cho từng đối tượng người dùng.

Ứng dụng cho phép người nông dân, kỹ sư, nhà quản lý, người thu mua, nhà máy sản xuất, các đơn vị tài chính như ngân hàng, bảo hiểm,... truy cập vào cơ sở dữ liệu và nhận được thông tin về tình hình nuôi trồng theo thời gian thực; giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu chi phí sản xuất cho cả chuỗi giá trị.

Theo phân tích và đánh giá, các mô hình khu phức hợp nuôi tôm này là giải pháp tiềm năng và khả thi nhất để mang lại công ăn việc làm cho hàng triệu lao động; nâng cao GDP bình quân đầu người của khu vực; đóng góp lớn vào nguồn ngân sách Nhà nước; góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo kinh tế-xã hội, và tương lai phát triển của khu vực duyên hải các tỉnh từ Kiên Giang đến Ninh Thuận.

"Và đặc biệt là sẽ biến Việt Nam thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045", ông Lê Văn Quang tin tưởng.

Để thực hiện được điều này, ông Quang cho rằng cần sự chấp thuận và ủng hộ của Nhà nước và đề xuất chính quyền các cấp tạo ra các hành lang pháp lý cũng như các cơ chế, chính sách thông thoáng để các dự án được triển khai trong thời gian nhanh nhất có thể.

Cụ thể, DN được tiếp cận và giải ngân vay ưu đãi các nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Chính phủ; được tiếp cận và vay các nguồn vốn từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài. Các dự án triển khai được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong các năm tiếp theo của dự án.

Cán bộ công nhân viên và dân cư trong vùng dự án hưởng thuế suất thu nhập cá nhân là 15% trên tổng thu nhập của họ. Nhà nước quy hoạch và đầu tư các công trình cấp nguồn nước biển sạch xa bờ cho các vùng nuôi tôm lớn để đảm bảo nguồn cung tôm sạch xuất khẩu.

"Nếu có được những sự hỗ trợ trên, chúng tôi tự tin rằng chuỗi giá trị tôm này sẽ thu hút được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ nhiều nguồn lực khác nhau... để cùng xây dựng một hệ sinh thái tôm hoàn chỉnh, bền vững, và thành công", ông Lê Văn Quang nói.

An Vũ
Cùng chuyên mục