Loài chuối chân voi sống cả đời cô độc tới chết, tỉnh Bình Phước bảo tồn để làm gì?

Thứ tư, ngày 05/08/2020 07:15 AM (GMT+7)
Chuối chân voi có nhiều giá trị tiềm năng trong việc nghiên cứu, ứng dụng. Tuy nhiên, hiện chuối chân voi còn rất ít trong tự nhiên, chỉ tái sinh duy nhất bằng hạt với tỷ lệ thấp nên loài cây này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Bình luận 0

Do vậy, việc bảo tồn và phát triển nguồn gen loài chuối chân voi tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
img
Kỹ sư Khương Hữu Thắng (bên trái), Phó trưởng Phòng Khoa học và Công nghệ Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) giới thiệu với khách tham quan về loài chuối chân voi.
Chuối chân voi và nguy cơ tuyệt chủng
Chuối chân voi còn được gọi là chuối bạc hà, chuối cô đơn, bởi loài chuối này rất đặc biệt, phần gốc phình to như chân voi, mọc đơn côi một cây và không phân nhánh đẻ cây con. 

Cây chuối cô đơn sau khi ra buồng thì chết, hạt văng ra môi trường tự nhiên và mọc cây mới. Đặc biệt, quả chuối cô đơn trông khá bình thường nhưng không nhiều hạt như chuối ta, chỉ vài hạt to hơn đầu đũa. 


Ở mỗi buồng chuối cô đơn sẽ phân chia ra nải đực và nải cái. Chỉ nải cái mới có thể ươm hạt thành cây. Chuối chân voi thường được tìm thấy ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Bình Phước.

Trong bảo tồn đa dạng sinh học, chuối chân voi được các nhà khoa học đưa vào Sách đỏ Việt Nam, ở mức độ “nguy cấp tuyệt chủng”. Chuối chân voi ngoài giá trị đối với môi trường sinh thái, còn được sử dụng trong y học. 

Thời gian gần đây, loài chuối cô đơn này có dấu hiệu suy giảm về số lượng do biến đổi khí hậu, khô hạn kéo dài dẫn đến các loài thực vật kém phát triển, đặc biệt là loài thực vật cần nhiều nước như họ chuối.


Tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), qua khảo sát vào năm 2008 còn 200 cây chuối chân voi, đến năm 2016 còn 25 cây và đầu năm 2019 cả vườn chỉ còn khoảng 15 cây mọc tự nhiên, rải rác, đơn lẻ ở các rừng thưa, ven suối, nơi có độ ẩm cao, thoáng. 

Do vậy, việc bảo tồn loài chuối chân voi để trồng phục hồi hiện trạng trong tự nhiên là vô cùng cần thiết và quan trọng.


Phục hồi loài chuối chân voi

Anh Trần Nguyên Cốp, chuyên viên Phòng Quản lý khoa học và công nghệ Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Tháng 10-2018, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đã họp tuyển chọn kỹ sư Khương Hữu Thắng, Phó trưởng Phòng Khoa học và Công nghệ, Vườn quốc gia Bù Gia Mập làm chủ nhiệm thực hiện Đề tài nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài chuối chân voi tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. 


Mục tiêu của đề tài là tìm hiểu những đặc điểm chung của loài chuối chân voi như: Tình hình phân bố, đánh giá trữ lượng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập; xác định một số yếu tố sinh thái ngoài tự nhiên để lựa chọn khu vực nuôi trồng thích hợp; xác định khả năng gây trồng, thị trường tiêu thụ; nghiên cứu kỹ thuật nhân giống bằng nhiều phương pháp để đạt kết quả cao nhất; trồng, bảo tồn loài chuối này tại vườn quốc gia; thu hái, ước tính sản lượng trên 1 ha, đánh giá tiềm năng kinh tế... 


Bên cạnh đó, đề tài còn xác định thành phần dược lý cơ bản của quả và hạt, đồng thời biên soạn các tài liệu về loài thực vật này.


Kỹ sư Khương Hữu Thắng, chủ nhiệm đề tài, cho hay, sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, ươm giống rồi gửi về Trung tâm Công nghệ sinh học, thành phố Hồ Chí Minh để cấy mô và phân tích dược liệu của chuối chân voi, anh và các cộng sự đã tiến hành trồng, tự tay chăm sóc 2 mô hình trồng chuối chân voi. 


Cụ thể, 1 khu trồng tập trung chuyên canh và 1 khu trồng ven rẫy điều, với tổng diện tích 1 ha. Cây chuối cô đơn được trồng, chăm sóc bài bản, cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên phát triển rất tốt.


Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) có 724 loài thực vật khác nhau, trong đó 52 loài có giá trị bảo tồn, 278 giống cây dùng làm thuốc. 


Ngoài nhiệm vụ bảo tồn, phát triển gen các chủng loại cây quý hiếm phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch, giáo dục học sinh bảo vệ đa dạng sinh học thì việc thực hiện Đề tài nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài chuối chân voi tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập nếu thành công sẽ góp phần phục hồi quần thể loài cho rừng tự nhiên, đồng thời bổ sung sự lựa chọn cây trồng trong phát triển kinh tế hộ tại tỉnh Bình Phước.


Hiền Lương (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem