dd/mm/yyyy

Loại cây dễ trồng, ném hạt ở đâu lên ở đó, không tốn công chăm giúp nông dân Tuần Giáo đổi đời

Từ mảnh đất với nhiều 'cái không', xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đổi thay mạnh mẽ, nhờ trồng và phát triển cây dược liệu, đặc biệt cây thảo quả.


Loại cây dễ trồng, ném hạt ở đâu lên ở đó, không tốn công chăm giúp nông dân Tuần Giáo đổi đời - Ảnh 1.

Những năm được mùa, năng suất có thể đạt cao, người trồng thảo quả ở Tênh Phông có thể thu về từ 70 triệu đến 80 triệu đồng/hộ/năm. Ảnh: Trung Quân.

Hướng thoát nghèo

Nằm trên độ cao từ 1.200m - 1.800m so với mực nước biển, Tênh Phông là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên). Trong quá khứ, nơi đây mang trên mình một vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ đặc biệt, dân cư thưa thớt.

Những tưởng mảnh đất này mãi “dậm chân tại chỗ” nhưng hiện Tênh Phông đã thay da đổi thịt đến không ngờ. Những quả đồi một thời cây thuốc phiện mọc khắp nơi ngày nay đã được thay thế bằng những cánh rừng tự nhiên xanh tốt, xen lẫn là những diện tích trồng nhiều loại cây dược liệu như thảo quả, sơn tra, sa nhân…

Với diện tích đất rừng 2.186ha, trong đó rừng tự nhiên là 2.165ha với nhiều cánh rừng già, đất đai giàu mùn, quanh năm khí hậu mát mẻ... Tênh Phông được đánh giá là có điều kiện thuận lợi cho phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, nhất là cây thảo quả.

Trên địa bàn xã, hiện phân bố nhiều loài dược liệu quý như: Sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, hoàng tinh hoa trắng, đẳng sâm, đương quy… Một số loài đang được khai thác với trữ lượng tương đối lớn như: thảo quả 83ha, sơn tra 56,4ha tại 5 bản Ten Hon, Xá Tự, Háng Rùa, Huổi Anh, Thẩm Nặm. Ngoài ra, Tênh Phông còn có các cây dược liệu tự nhiên bản địa khác như: Huyết giác, củ mài, khúc khắc, bình vôi, đẳng sâm, cẩu tích... mọc rải rác trong các cánh rừng.

Ông Lầu A Nanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tênh Phông cho biết: Với diện tích rừng lớn, trong đó có nhiều diện tích là rừng nguyên sinh, khí hậu, thổ nhưỡng của Tênh Phông rất phù hợp với nhiều hình thức nuôi trồng, nhất là trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Theo ông Nanh, trong các loại cây dưới tán rừng, cây thảo quả đang là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhất đối với người dân địa phương. Dược liệu nói chung và thảo quả nói riêng đã góp công lớn trong việc xóa cây thuốc phiện trong lịch sử, cũng như gần đây ngày càng thay thế các cây trồng truyền thống không có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ chỗ là xã đặc biệt khó khăn với 100% hộ nghèo, đến nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn xã đạt gần 3 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 60%. Ngoài ra, những loại cây này tạo nên một thảm thực vật che phủ rất tốt, làm giảm tình trạng xói mòn đất, góp phần giữ rừng.

Loại cây dễ trồng, ném hạt ở đâu lên ở đó, không tốn công chăm giúp nông dân Tuần Giáo đổi đời - Ảnh 2.

Để bảo quản thảo quả trong thời gian dài, sau khi thu hoạch cần phơi khô hoặc sấy lửa nhẹ cho vỏ quả nhăn lại thành các vết dọc. Không nên sấy ở nhiệt độ quá cao vỏ bị sém lửa nhưng nhăn lại chưa khô, dễ bị vỡ vụn và mất mùi thơm làm giảm giá trị sản phẩm. Ảnh: Trung Quân.

Ông Mùa Dúa Vàng ở bản Ten Hon, xã Tênh Phông có 2ha trồng cây thảo quả không giấu được niềm vui chia sẻ: Cây thảo là cây trồng cho năng suất tương đối cao, cây dễ trồng, cần rất ít công chăm sóc. Sau khi trồng, các hộ dân chỉ cần thường xuyên phát bỏ cây cỏ xâm lấn, dây leo bụi rậm và xới đất quanh gốc là cây có thể phát triển ổn định.

Năm 2020, ông thu hoạch được khoảng 1,5 tấn quả tươi (tương đương 3 tạ quả khô). Với giá bán từ 25.000 - 30.000 đ/kg (quả tươi), 110.000 - 120.000 đ/kg (quả khô), ông thu về khoảng 40 triệu đồng. Những năm được mùa, năng suất có thể đạt cao hơn, người trồng có thể thu về từ 70 triệu đến 80 triệu đồng/năm/hộ.

Cùng ở bản Ten Hon, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông Mùa Chứ Dày, một lão nông với cách làm sáng tạo, lấy lợi nhuận từ việc trồng cây thảo quả đầu tư chăn nuôi thêm trâu, bò, ong để nâng cao thu nhập.

Ông Dày phấn khởi nói: Ngày trước gia đình tôi đông con, 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào diện tích ít ỏi trồng ngô, trồng sắn nên lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ăn. Từ năm 2010, khi thấy một số hộ dân đưa cây thảo quả về trồng, mặc dù chỉ nghe nói là có hiệu quả kinh tế cao hơn cây ngô, cây sắn nhưng ông vẫn đánh liều trồng thử, không ngờ "hợp duyên" với giống cây mới này. Nhận thấy hiệu quả bước đầu tích cực, ông mở rộng thêm diện tích trồng lên 3ha.

Đến nay, gia đình ông Dày không còn cảnh chạy ăn từng bữa, số tiền thu được từ bán thảo quả ông mua thêm 3 con trâu, 3 con bò và đầu tư 50 thùng ong nuôi lấy mật. Từ đó, tạo cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định từ 80 - 100 triệu/năm.

Còn nhiều trăn trở

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương phù hợp với những loại cây dược liệu, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tênh Phông đã tập trung chỉ đạo, phổ biến, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các loại cây dược liệu như thảo quả, sơn tra…

Loại cây dễ trồng, ném hạt ở đâu lên ở đó, không tốn công chăm giúp nông dân Tuần Giáo đổi đời - Ảnh 3.

Vườn ươm dược liệu của anh Hà Quyết, bản Ten Hon (xã Tênh Phông) với nhiều giống dược liệu quý như tam thất hoàng, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến. Ảnh: Trung Quân.

Anh Hà Quyết ở bản Ten Hon là người đi đầu trong việc khôi phục các giống dược liệu trên địa bàn xã Tênh Phông. Vườn ươm giống cây dược liệu của anh hiện đang trồng thử nghiệm 2.000 cây sâm Lai Châu, 20.000 cây lan kim tuyến, ngoài ra còn ươm trồng sâm Ngọc Linh, thất diệp nhất chi hoa, khôi tía, tam thất hoàng…

Anh Hà Quyết cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu trong nước và quốc tế về dược liệu dùng trong việc điều trị bệnh, bồi dưỡng sức khoẻ là rất lớn. Bởi vậy, dược liệu có nguồn gốc từ thực vật được nhiều người chọn lựa.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên tự nhiên này đang ngày một cạn kiệt, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, do người dân không được trang bị đầy đủ kiến thức về cách khai thác, cũng như bảo tồn, dẫn tới tình trạng thu hái tràn lan.

Đứng trước thực trạng đó, anh đã mạnh dạn đầu tư thành lập vườn ươm để khôi phục và tiến tới nhân rộng những giống cây dược liệu quý. Hiện anh đang xây dựng đề án thành lập HTX trồng cây dược liệu, cùng với nhiều hộ dân vừa quy tập, sưu tầm để bảo tồn và phát triển những giống dược liệu quý mọc rải rác tự nhiên trong rừng về ươm giống, vừa tiến hành trồng thử thêm nhiều giống mới đang được thị trường ưa chuộng. Từ đó, giúp người dân dần thay thế những cây trồng truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước thoát nghèo...

Tuy nhiên, khó khăn mà người dân nơi đây gặp phải khi nhân rộng diện tích trồng cây dược liệu đó là việc tiếp cận quy trình kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, giao thông đi lại của xã còn rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới khâu vận chuyển cây giống, phân bón, sản phẩm thu hoạch cũng như sơ chế sản phẩm do các vùng trồng dược liệu thường ở trên núi cao.

Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa ổn định… Đây là những khó khăn cần sớm được quan tâm, nghiên cứu để người dân nơi đây có thể mở rộng việc gây trồng các cây dược liệu quý, góp phần nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường, giữ rừng.

Loại cây dễ trồng, ném hạt ở đâu lên ở đó, không tốn công chăm giúp nông dân Tuần Giáo đổi đời - Ảnh 4.

Diện tích trồng thử nghiệm khôi tía, lan thạch hộc tía.. của anh Hà Quyết dưới tán rừng đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ảnh: Trung Quân.

Ông Phạm Hữu Chiến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đánh giá: Việc ươm trồng một số giống cây dược liệu trên địa bàn xã Tênh Phông bước đầu cho những tín hiệu rất tích cực. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, việc trồng và mở rộng diện tích thảo quả, đã giúp người dân xã Tênh Phông biết quý rừng và có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Do đó, tình trạng chặt phá rừng cũng hạn chế hơn so với trước.

Tuy nhiên, hiện nay điều kiện đầu tư phát triển trồng thảo quả ở xã Tênh Phông cũng như nhiều xã vùng cao khác của huyện Tuần Giáo chưa thực sự bền vững. Việc tìm đầu ra cho nông sản nói chung, cây dược liệu nói riêng chủ yếu phụ thuộc vào lượng mua của thương lái.

"Sự lên xuống bấp bênh của thị trường làm cho việc tiêu thụ các sản phẩm cây dược liệu, nhất là cây thảo quả của người dân còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập cũng như định hướng phát triển bền vững của nhóm cây trồng này.

Để cây thảo quả nói riêng, các cây dược liệu nói chung có điều kiện mở rộng hơn nữa, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và có thị trường tiêu thụ ổn định, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, có chính sách hỗ trợ cho bà con, chúng tôi cũng rất cần các cơ quan khoa học nghiên cứu nhằm trang bị cho bà con kiến thức, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản nông sản nói chung, trong đó có cây dược liệu nhằm tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị cho nhóm cây trồng còn rất nhiều tiềm năng này". Ông Phạm Hữu Chiến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tuần Giáo, Điện Biên.

Trung Quân