dd/mm/yyyy

Lo hàng Tết, trang trại thắng thua quyết ở keo này

Năm nào cũng vậy, mỗi dịp cuối năm nhà nông lại tất bật lựa chọn những nông sản có giá trị nhất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Nhưng câu chuyện hàng Tết năm nay còn muôn nỗi trần ai.

Đặc sản bưởi Diễn là sản vật không thể thiếu trong ngày Tết

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán nhưng nhà nông vẫn đau đáu nỗi lo âu mùa vụ.

Không lo âu sao được khi năm nay thiên tai, lũ lụt bủa vây nhà nông khắp từ Bắc chí Nam. Ở vùng cao Tây Bắc dấu vết những đợt lũ quét vẫn ngổn ngang trên những cung đường loang lở, những bản làng chìm trong bóng tối chờ ánh điện. Hay ở miền Trung vẫn chưa thôi ám ảnh khi những vườn cam, bưởi đặc sản rụng đỏ vườn vì mưa ngập. Thủ phủ hoa mai miền Trung thuộc xã An Nhơn (Bình Định) hai lần ngập chìm trong lũ, đến nay chưa thể phục hồi.

Nói về một năm khó khăn có lẽ "quán quân" giành cho người nuôi lợn. Từ giáp Tết năm ngoái, người nuôi lợn đã lao đao vì giá liên tục lao dốc. Nhưng ròng rã hơn một năm giá vẫn tiếp tục giảm đẩy người nuôi chìm vào cơ cực. Con lợn làm giàu trở thành con nợ, thành nỗi ám ảnh dập tắt bao hy vọng phát triển sinh kế ở nông thôn.

Thế nhưng nhà nông chưa bao giờ buông tay và cam chịu thất bại, đó là phẩm chất nông dân Việt Nam ngàn đời vẫn vậy. Trong gian khó vẫn bật lên những ý chí, quyết tâm và sáng tạo để trong câu chuyện làm ăn luôn ấm áp niềm vui.

Ở những thủ phủ nuôi lợn, dù không còn sầm uất nhưng người chăn nuôi vẫn kiên nhẫn chờ thời, vận dụng mọi cách để duy trì đàn lợn. Nhiều hộ còn năng động nuôi thêm những vật nuôi khác, những con "đặc sản" chờ dịp Tết.

Đó là câu chuyện của ông Phạm Văn Minh ở Nghĩa Hưng (Nam Định) dù chịu thua lỗ hàng trăm triệu đồng vì nuôi lợn, ông Minh đã chuyển sang sử dụng, thiết kế lại chuồng thành nơi nuôi cá chuối. Hiện trang trại của ông đã chuẩn bị lứa cá chất lượng 1.000 con để phục vụ kịp thị trường Tết Nguyên đán 2018 sắp tới.

Làng hoa Sa Đéc không chỉ là “thủ phủ” hoa mà còn là điểm du lịch hấp dẫn dịp cuối năm

Nhiều nông dân khác thì chọn lựa những con đặc sản vốn rất được ưa chuộng trong dịp Tết. Chỉ cần trúng một vụ Tết người chăn nuôi đủng đỉnh cả năm. Đó là bí quyết của anh Trần Nhật Giáp, một chủ trang trại nuôi con “đặc sản” có tiếng. Bí quyết của anh là luôn "đọc vị" sở thích của người tiêu dùng từng năm để bung hàng. Tết năm nay anh chuẩn bị cung cấp hàng trăm con sâm cầm thuộc hàng hiếm cho các “thượng đế”.

Không khí ở các làng hoa kiểng cũng xôm tụ không kém vào những dịp này. Dù thời tiết đã khiến hoa trái không được rực rỡ như mọi năm nhưng mỗi nhà vườn đã vận dụng hết những kinh nghiệm để thỏa mãn khách hàng.

Trận ngập lụt đã khiến trang trại của bà Nguyễn Thị Ngọc Kiều (ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong, Mỹ Tho, Tiền Giang) thiệt hại 6.000 giỏ hoa cúc Hà Lan vừa xuống giống. Hiện nay, bà phải lựa từng cây còn sót trong những chậu hoa tả tơi sau ngập lụt để có khoảng 10.000 cây cúc Hà Lan phục vụ dịp Tết.

Ông Bảy Nhung một người có thâm niên làm hoa kiểng ở Mỹ Tho nhận định: Người làm hoa, kiểng rất dễ chủ động để làm ra những chậu hoa tốt, ra hoa đẹp vào đúng 3 ngày Tết. Nhưng bây giờ, thời tiết rất cực đoan, không biết lúc nào mưa hay nắng để chủ động làm hoa.

Trọng Đạt