Lính biên phòng nơi “sống lưng khủng long”

Nguyễn Quý Thứ bảy, ngày 01/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Cái tên mốc biên giới 1305 ở Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) giờ đây không còn xa lạ với nhiều người, nhất là người thích du lịch, khám phá. Nhưng ít người để ý đến cuộc sống gian khổ, thầm lặng của những chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP), đang ngày đêm bảo vệ những cột mốc thiêng liêng vùng Đông Bắc.
Bình luận 0

Chuyện ở chốt số 2

Tháng 12, hoa sở nở trắng muốt điểm giữa khoảng xanh thẫm của những cánh rừng thông mã vĩ. Chốt số 2 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô quản lý 17,2km đường biên giới với 10 cột mốc chính, trong đó cột mốc 1305 ở vị trí cao nhất (hơn 1.000m so với mực nước biển). Chưa lên tới chốt mà tai chúng tôi đã bị ù đặc do áp suất không khí. Chốt trưởng - đại úy Nguyễn Minh Quang đón chúng tôi vào căn nhà tôn - "đại bản doanh" chính của chốt số 2, nằm bên một hẻm vực. Đại úy Quang nói, anh em được ở trong căn nhà tôn này là tốt lắm rồi, bởi trước đây chỉ ở trong những mái lều dựng tạm. Mùa đông nhiệt độ xuống tới 3-4 độ C, còn mùa hè thì nóng như bị mặt trời rang muối.

Một câu chuyện tưởng đùa mà tôi được nghe các chiến sĩ chốt số 2 kể lại, đó là có những chuyến tuần tra không kịp về đến lán, không có chỗ ngủ, anh em phải chui vào trong cống hộp (được lắp đặt để thoát nước qua đường) để ngủ. "Chuyện đó có đâu xa, mới chỉ hơn 1 năm về trước. Bây giờ thì có thêm 3 chốt cố định rồi, nên anh em không phải ngủ trong cống hộp nữa" – đại úy Quang nói.

gop/ Lính biên phòng nơi “sống lưng khủng long” - Ảnh 1.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tại khu vực chốt số 2. Ảnh: Nguyễn Quý

Với những người lính biên phòng, việc thay phiên nhau lên mốc 1305 để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát các mốc biên giới; kiểm soát người và phương tiện; phòng chống dịch Covid-19… đã thành thói quen thường ngày.

Thế nhưng, đời BĐBP nơi trùng điệp núi rừng này đâu chỉ có lo chuyện ngủ! Bão gió nhỡ bữa đã có cá khô, cháo trắng, hay mì tôm nấu với rau bớp (một loại rau rừng ở Bình Liêu), nhưng hết nước ngọt mới là điều đáng sợ!

Mùa khô ở Bình Liêu kéo dài tới 6 tháng. Tuy là ở vùng núi, nhưng những ngọn núi trên chốt số 1, 2, 3 chủ yếu là núi trọc, khô cằn. Mùa mưa đã ít nước, mùa khô lại càng khan hiếm hơn. Có nước để tắm vào mùa đông là một điều xa xỉ với các chiến sĩ BĐBP ở các chốt 1, 2, 3. Nguồn nước duy nhất được lấy từ khe nhỏ cách chốt số 2 hơn 1km. Mọi thứ có thể dùng đựng nước đều được mang ra tận dụng, ưu tiên cho ăn, uống, đánh răng, rửa mặt.

Những ngày thiếu nước trầm trọng, anh em lại phải chờ những chuyến xe nước chi viện từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô lên, ngót 20km đường đèo hiểm trở. "Cái khó ló cái khôn! Từ ngày được Bộ Tư lệnh BĐBP đầu tư dựng chốt kiên cố, anh em chúng tôi làm luôn một cái "đập thủy lợi", dẫn nước từ đập này về chốt số 2. Thế là vấn đề "an ninh nước ngọt" được giải quyết ổn thỏa" – thiếu tá Nguyễn Văn Hiển, người vừa trở về chốt từ mốc 1305, kể.

Điều day dứt với "sống lưng khủng long"

gop/ Lính biên phòng nơi “sống lưng khủng long” - Ảnh 3.

Với những người Bộ đội Biên phòng, việc leo qua sống lưng khủng long, đến mốc 1305 là nhiệm vụ thường ngày. Ảnh: Nguyễn Quý

Bình Liêu có nhiều cột mốc nằm rải rác trên đường tuần tra biên giới, cũng là "thiên đường cột mốc" của dân "phượt". Trong đó, mốc 1305 vẫn là niềm khát khao lớn nhất đối với các "phượt thủ", bởi đây là cột mốc cao nhất không chỉ ở Bình Liêu mà còn cả tỉnh Quảng Ninh, thực sự là thử thách sức khỏe và sự kiên trì, bền bỉ của con người. Để lên mốc phải đi bộ gần 2km đường dốc, với 1.600 bậc, có nhiều đoạn như dựng ngược.

Sáng 16/12/2021, kíp trực tuần tra của trung tá Phạm Khắc Ánh lên mốc 1305 bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 sáng. Sinh năm 1968, theo quy định của ngành, chỉ còn 3 tháng nữa là trung tá Ánh nghỉ hưu. Vậy mà cách đây hơn 1 tháng, khi đang thực hiện nhiệm vụ ở thôn Nà Xa, xã Hoành Mô, trung tá Ánh liền đề xuất chỉ huy đồn điều anh lên chốt 2, nơi có địa hình khó khăn nhất, cũng là nơi vất vả nhất.

gop/ Lính biên phòng nơi “sống lưng khủng long” - Ảnh 4.

Hành trình 2km leo bộ với 1.600 bậc dốc dựng đứng từ “sống lưng khủng long” lên mốc 1305, thực sự là hành trình thử thách sức khỏe và sự kiên trì, bền bỉ của con người. Ảnh: Nguyễn Quý

"Gắn bó 33 năm quân ngũ ở Quảng Ninh, 3 năm ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, 3 tháng nữa về hưu mà chưa thực hiện nhiệm vụ ở "sống lưng khủng long", tôi cứ thấy day dứt thế nào ấy" – trung tá Ánh bộc bạch.

Thế là tâm nguyện của người lính sắp rời quân ngũ được đáp ứng. Trước khi đi lên mốc 1305 sáng nay, anh tranh thủ chở 2 can nước ngọt tiếp tế cho anh em ở chốt 1, rồi chắt ra mươi chai nhỏ để mang đi tuần tra. Từ chốt 2, anh và đồng đội trong kíp tuần tra lên mốc 1305 phải đi xe máy 17km đường đèo đến điểm dừng chân trên "sống lưng khủng long".

Từ đây, những người Bộ đội Biên phòng bắt đầu cuộc hành trình leo bộ gần 2km, với 1.600 bậc dốc, có đoạn dựng đứng tưởng như chỉ một cơn gió mạnh có thể cuốn bay người về phía sau. "Với những người lính trẻ khỏe, chỉ cần mất tầm 1 tiếng là có thể chạm mốc 1305. Nhưng với lính già như tôi cũng phải mất tầm 1 tiếng 30 phút, tuy nhiên cũng phải cố gắng, không để anh em phải đợi" – trung tá Ánh cười hiền. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem