Liên kết chặt hơn để phát triển ngành lan

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 15/02/2017 13:00 PM (GMT+7)
Những hạn chế trong sản xuất, tiêu thụ, chất lượng giống… đòi hỏi tính liên kết trong mô hình kinh tế hợp tác phát triển ngành hoa lan phải phải chặt chẽ hơn, từ đó giúp ngành này đi lên vững mạnh.
Bình luận 0

“Bấp bênh” cả đầu vào lẫn đầu ra

Tại buổi gặp gỡ đầu năm 2017 với các hộ nông dân chuyên trồng lan do Hội Nông dân TP.HCM tổ chức, hàng loạt vấn đề đã được các nhà vườn đưa ra trao đổi thẳng thắn. Ông Phạm Văn Long - Chủ tịch  Hội Nông dân huyện Củ Chi thông tin, huyện có 165ha trồng lan đang mang lại thu nhập ổn định cho hơn 300 hộ. Thị trường tiêu thụ hoa lan tuy có mở rộng nhưng việc xây dựng thương hiệu chỉ ở những nơi có diện tích sản xuất lớn. Vấn đề đầu ra luôn là nỗi lo của nông dân.

img

Để đưa ngành hoa lan TP.HCM đi lên, cần nhiều người dám đầu tư làm lớn. Ảnh:  N.V

Tình hình phát triển hoa lan tại TP.HCM:

340ha là mục tiêu mở rộng diện tích thời gian tới (hiện là 320ha)

200 tỷ đồng là doanh thu từ hoa lan dịp Tết Đinh Dậu 2017 (5,2 triệu chậu, gần 9 triệu cành)

96.000 cành (và 24.000 cây giống lan mokara) được xuất khẩu sang Campuchia, thu về 2,35 tỷ đồng

Bà Lê Thị Mỹ Phước - Giám đốc HTX Hoa lan Ngọc Điểm (huyện Hóc Môn) cho hay, sản lượng hoa mokara của trang trại phát triển ổn định nhưng khâu tiêu thụ ngày bình thường khá bấp bênh. Sau các dịp lễ tết, giá hoa càng xuống thấp. Bà Phước đã tự tìm thêm kênh tiêu thụ tại các siêu thị nhưng Co.op Mart thì chưa có kinh nghiệm cho mặt hàng hoa tươi; việc kinh doanh ở Metro theo dạng ký gửi cũng không giúp thu hồi được vốn...

Chuyên về dòng lan dendrobium, ông Nguyễn Văn Thọ ở huyện Bình Chánh cho rằng giống hoa này yêu cầu cao hơn hẳn về kỹ thuật chăm sóc, kể cả vấn đề nước tưới bị nhiễm phèn thì nông dân vẫn biết cách khắc phục. Vấn đề đáng ngại lại ở chất lượng giống và phân bón giả...

Nhiều nhà vườn đồng quan điểm này, cho rằng hầu hết nguồn giống hoa lan hiện nay vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, dẫn tới khó kiểm soát chất lượng giống, kiểm soát mầm bệnh... Giống nhập khẩu cũng khiến giá thành sản xuất cao, nông dân khó cạnh tranh.

Hoa đẹp nhưng… vô danh

Bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền - Giám đốc HTX hoa lan Huyền Thoại cho biết, nhiều ý tưởng xây dựng hình ảnh hoa lan đại diện vùng đất Củ Chi ở sân bay, nhà hàng, khách sạn đã có nhưng nhà vườn vẫn “tự bơi” là chính.

Theo đó, ngành du lịch chỉ mới tham gia ở lý thuyết dù đã tiếp cận chương trình hơn 1 năm.  Chưa kể đặc thù của vườn lan rất dễ lây lan mầm bệnh trong không khí, không phải cứ muốn vào tham quan là được.

Ông Mai Quốc Thái - Phó Chủ tịch Hội Trang trại và làm vườn TP.HCM cũng cho rằng, mặc dù diện tích hoa lan trên địa bàn thành phố được mở rộng nhưng sản phẩm cung ứng cho thị trường còn khiêm tốn về chủng loại, màu sắc đặc trưng. Công tác lai tạo giống chưa đáp ứng được nhu cầu dù thành phố có trung tâm công nghệ sinh học.

Với tư cách người làm công tác nghiên cứu, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng tính liên kết và trao đổi thông tin vẫn là khâu yếu hiện nay. Dẫn chứng trường hợp HTX Hoa lan Huyền Thoại, ông Nghĩa cho rằng mô hình kinh tế hợp tác vẫn là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Sau 1 năm hoạt động, từ 8 thành viên với diện tích 18ha, HTX Huyền Thoại đã đi vào sản xuất, tiêu thụ ổn định và thu mua cho một số hộ nông dân trồng lan nhỏ lẻ xung quanh. Diện tích trồng lan hiện đã mở rộng thêm là 3ha, bốn hộ nông dân trồng lan khác đang xin gia nhập HTX để được hưởng lợi như thành viên.

Nhưng quyết tâm phát triển hoa lan ở đây cũng không hề suôn sẻ. Bà Huyền đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện cho HTX xin được giao thuê đất, mở rộng diện tích trồng lan nhằm phát triển mô hình mokara cắt cành theo hướng chuyên canh, cánh đồng lớn kết hợp du lịch sinh thái.

Nông dân vẫn ngại mở rộng diện tích

img

Ông Mai Quốc Thái (ảnh) - Chủ tịch CLB Hoa lan TP.HCM, cho rằng tự thân nông hộ không thể đưa ngành trồng hoa lan đi lên nếu thiếu liên kết.

Nhiều người cho rằng, họ ngại mở rộng diện tích hoa lan vì giá trị không tăng mà còn giảm trong những năm qua?

- Vì nông dân mình chưa thích nghi với việc sản xuất quy mô lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm về thị trường, kinh doanh... Họ quen làm nhỏ một mình. Ví dụ như ngay trong CLB Hoa lan TP.HCM, nhiều người trồng lan rất giỏi nhưng bảo mở rộng thì họ sợ không quản lý được. Theo tôi, để thị trường phát triển, số lượng và chất lượng phải tăng nhưng giá thành giảm xuống. Sản phẩm của nông dân hiện chỉ ở quy mô vừa phải. Muốn cạnh tranh được phải đầu tư phát triển lớn.

Có ý kiến than phiền nhiều đối tượng tham gia trồng lan để hưởng ưu đãi lãi suất nhưng thiếu kinh nghiệm nuôi trồng?

- Trên thực tế, để vay được vốn cần có dự án khả thi, có tài sản thế chấp. Đất ruộng của nông dân đem đi thế chấp không thấm vào đâu so với tiền đầu tư hạ tầng, trong khi ngân hàng cũng cần bảo toàn vốn. Đây là khó khăn chung mà nhiều quận, huyện cùng muốn tháo gỡ.

Theo tôi, chính sách thì không phân biệt đối tượng, tuy nhiên, tương quan phát triển giữa số đông và cả ngành hoa lan chưa tương xứng. Thành phố có nhiều hỗ trợ cho nông nghiệp nhưng bản thân nông hộ không thể đưa ngành lan đi lên nếu thiếu những người dám đầu tư làm lớn ở quy mô tập thể hoặc doanh nghiệp.  Tất nhiên, cũng có số ít người muốn lợi dụng chính sách. Họ làm ăn thua lỗ lại tiếp tục lập đề án vay vốn.

 Theo ông, cần làm gì cho ngành hoa lan thời gian tới?

- Chính sách nông nghiệp của thành phố không thể phát huy nếu nông dân vẫn quen tư duy làm ăn riêng lẻ, chân lấm tay bùn. Tôi nghĩ, nhiệm vụ trong năm 2017 là phải tập trung rà soát, nâng chất hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vì chỉ họ mới có sức đưa mặt hàng xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Vy (thực hiện)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem