Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023

Nguyên An - Thanh Minh Thứ sáu, ngày 29/12/2023 18:09 PM (GMT+7)
Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản, trong đó tập trung vào sản phẩm lúa gạo và chuối là một sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức hoành tráng và công phu trong chương trình Lễ hội nông sản thành phố Hà Nội năm 2023.
Bình luận 0

Lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - sự kiện lớn của ngành nông nghiệp Thủ đô

Lễ hội nông sản thành phố Hà Nội năm 2023 là sự kiện lớn của ngành nông nghiệp Thủ đô, nhằm đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, tôn vinh các nghệ nhân làng nghề, các đơn vị, cá nhân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Lễ hội nông sản năm 2023 được diễn ra trong 05 ngày, từ ngày 27 đến ngày 31/12/2023 tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội với chuỗi sự kiện hứa hẹn tạo ra sân chơi, cầu nối, diễn đàn,... thú vị, hấp dẫn và thu hút được đông đảo người dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thành phố Hà Nội và các sở, ngành tham quan các gian hàng. Ảnh: T.L

Cụ thể, chuỗi các sự kiện được tổ chức tại Lễ hội nông sản thành phố Hà Nội năm 2023 bao gồm có: (1) Ngày 27/12/2023: Khai trương điểm bán, giới thiệu sản phẩm làng nghề, OCOP của huyện Hoài Đức tại khu đô thị An Lạc, xã Vân Canh và khai mạc Lễ hội nông sản thành phố Hà Nội và Lễ công bố chỉ dẫn địa lý Chỉ dẫn địa lý "La Tinh Hoài Đức" cho sản phẩm bưởi đường huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. (2) Ngày 28/12/2023: Vòng Chung khảo Hội thi Khoa học kỹ thuật, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi Hà Nội lần thứ 2- năm 2023. (3) Ngày 29/12/2023: Hội nghị Xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản (Bưởi, lúa chất lượng và Chuối). (4) Ngày 31/12/2023: Bế mạc Lễ hội.

Lễ hội là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên. Đây cũng là dịp để chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức quảng bá các tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương.

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 2.

Lễ hội cũng là dịp để chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức quảng bá các tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương. Ảnh: H.L

Tại sự kiện lần này, thu hút được trên 100 tổ chức, cá nhân của thành phố Hà Nội và các tỉnh bạn tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tại 145 gian hàng và 2 khu trưng bày giới thiệu cây cảnh có giá trị cao.

Trong đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường xuất khẩu và mở rộng đầu ra cho nông sản đặc sản địa phương, Hà Nội đang tập trung vào việc xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng và có mã vùng trồng để đảm bảo nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm. Các chuỗi liên kết và thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực cũng được xây dựng để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phát huy hết giá trị của những loại nông sản tiềm năng

Sáng nay (29/12), Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản, trong đó tập trung vào sản phẩm lúa gạo và chuối. Trong đó, công tác xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, đầu tư cho chế biến và quản lý vùng sản xuất, hướng tới xuất khẩu nông sản... là vấn đề được các đại biểu tham dự đưa ra thảo luận.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội thông tin: "Hà Nội cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong tốp đầu cả nước, sản lượng gạo tiêu thụ vào khoảng 1.1 triệu tấn/năm. Diện tích sản xuất lúa của Hà Nội hiện nay vào khoảng 160 nghìn ha, đứng trong top đầu của khu vực Đồng bằng sông Hồng".

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội. Ảnh: Thanh Minh

"Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa theo hướng chất lượng an toàn, VietGAP, hữu cơ để đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho người tiêu dùng của Thành phố và từng bước tham gia vào thị trường xuất khẩu, xây dựng và củng cố các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo góp phần hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" - bà Hòa chia sẻ.

Ngày 30/11/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5242/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở đó, từ năm 2021 – 2023 Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch Phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu hàng năm để không ngừng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng lúa gạo đảm bảo an toàn chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Song song với phát triển sản xuất, Trung tâm không ngừng đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng và củng cố các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa cho cho người nông dân.

Đến nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng được vùng trồng lúa Japonica và lúa chất lượng cao thuộc 40 hợp tác xã, tại 37 xã của 10 huyện, với quy mô 3.862ha. Trong đó, có 180ha sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ, 1.630ha sản xuất theo VietGAP và 2.025ha lúa an toàn; 15ha lúa thảo dược.

Cũng có mặt tại Hội nghị, ông Đặng Huy Cường - Giám đốc HTX Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) chia sẻ: " Là một xã thuần nông thuộc phía Nam huyện Ứng Hòa, xã Hòa Phú đang có hơn 400ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ lực là lúa và rau màu. Từ sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Hà Nội đến nay, 100% diện tích lúa của xã là chất lượng cao, tiêu thụ được bảo đảm đạt trên 65 triệu đồng/ha. Từ đó, giúp người trồng lúa có thu nhập ổn định hơn".

Chú trọng vào trồng cây ăn quả có giá trị

Bên cạnh việc phát triển vùng trồng lúa thì Thủ đô cũng đang chú trọng vào việc trồng cây ăn quả có giá trị, đó là cây chuối. Hiện, chuối là một trong bốn cây ăn quả chủ lực của Thủ đô và đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung tại các huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ,...

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, năm 2020 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5472 về phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm hình thành và phát triển các vùng chuối hàng hóa theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của Hà Nội và xuất khẩu, đồng thời góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững.

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 4.

Chuối là một trong bốn cây ăn quả chủ lực của Thủ đô và đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung tại các huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Mê Linh, Đan Phượng, Ba Vì, Phúc Thọ,...

Theo số liệu thống kê năm 2022, diện tích trồng chuối của Hà Nội đã lên 3.960 ha, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha, sản lượng đạt 91.245 tấn, tiềm năng hiệu quả kinh tế đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha, trong đó chủ lực có 2 giống chuối tây và chuối tiêu. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng mới, trồng thay thế 450ha, duy trì ổn định ở mức 3.900ha, xuất khẩu đạt 20 - 30% sản lượng. Xây dựng từ 2 đến 4 cơ sở phát triển sản xuất chuối gắn với tiêu thụ, xây dựng và duy trì được từ 3 nhãn hiệu chuối tập thể trở lên, cấp từ 3 đến 5 mã số toàn cầu truy xuất nguồn gốc cho các vùng sản xuất chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…

Bà Hoàng Thị Hòa thông tin thêm: Kết quả trong 3 năm 2021-2023 Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia trồng chuối với quy mô 123ha, hình thành nên 54 vùng trồng. Để thực hiện mục tiêu sản xuất chuối an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu Trung tâm đã tổ chức cấp 9 giấy chứng nhận VietGAP cho các điểm sản xuất. Qua các lớp tập huấn, hướng dẫn ghi chép đã giúp các hộ dân nắm được cách quản lý vùng trồng, các địa phương truy xuất được nguồn gốc, từ đó đẩy mạnh việc minh bạch với người tiêu dùng, nâng cao uy tín và thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đặc biệt, Trung tâm đã hỗ trợ 4 cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ chuối: 2 cơ sở ở xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ); 1 cơ sở Hợp tác xã Văn Khê (huyện Mê Linh), 1 cơ sở tại xã Phú Châu (huyện Ba Vì). Qua đó, đáp ứng yêu cầu khi đưa vào siêu thị và chuỗi cửa hàng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, hướng tới xuất khẩu.

Tại xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh) với 270ha trồng chuối, đây được coi là thủ phủ trồng chuối của Hà Nội. Là một trong những hộ có diện tích trồng chuối lớn nhất tại địa phương, anh Sái Văn Triệu, ở xã Hoàng Kim đang trồng 70ha chuối tây chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Triệu thu hoạch và xuất bán 280 tấn chuối, trừ các khoản chi phí, cho thu lãi 1 tỷ đồng.

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 5.

"Mặc áo giáp" cho chuối.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, những năm gần đây diện tích chuối cấy mô xuất khẩu tăng nhanh do có nhiều lợi thế như cho lợi nhuận cao hơn nhiều cây trồng khác, là cây trồng hằng năm nên nông dân dễ điều chỉnh mùa vụ thu hoạch. Trong trường hợp loại cây này không phù hợp hoặc giá xuống quá thấp thì có thể dễ dàng chuyển sang mô hình sản xuất khác.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu đạt 20-30% sản lượng chuối hằng năm và có 60-80% vùng trồng chuối đạt Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tại hội nghị, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị gửi tới lãnh đạo cấp trên như: ông Trương Văn Thường - Giám đốc HTX Sản xuất và cung ứng rau quả sạch Thắng Lợi (Mê Linh) đề nghị thành phố hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu, trong đó tháo gỡ về nguồn vốn xây dựng cơ sở chế biến. Cùng với đó là các đề xuất, kiến nghị thành phố tiếp tục tăng cường đầu tư hỗ trợ sản xuất, thiết bị, máy móc phục vụ sau thu hoạch cho các doanh nghiệp, cửa hàng tiêu thụ và các vùng sản xuất, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các huyện xây dựng kế hoạch sản xuất các loại cây trồng theo nhu cầu thị trường, phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, giá trị cao của Thủ đô…

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 6.

Cũng tại hội nghị nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất đã ký kết phối hợp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản Hà Nội. Ảnh: Thanh Minh

Phát triển chỉ dẫn địa lý "La Tinh Hoài Đức"

Chiều cùng ngày (29/12), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức thực hiện "Hội thảo Quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý "La Tinh Hoài Đức" cho sản phẩm bưởi đường huyện Hoài Đức, TP Hà Nội".

Bưởi đường La Tinh vừa được chứng nhận công bố chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những giống bưởi quý của Hà Nội.

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 6.

Bưởi đường La Tinh vừa được chứng nhận công bố chỉ dẫn địa lý. Ảnh: H.L

Với việc hình thành mô hình trồng bưởi La Tinh, Hà Nội không chỉ khôi phục được giống cây ăn quả quý mà còn nhân rộng và mở hướng đi mới cho giống bưởi đặc sản này. Theo ngành Nông nghiệp Thủ đô, trong 12 loại bưởi của Hà Nội, bưởi đường La Tinh là ngon nhất, bảo quản được lâu nhất. Bưởi đường La Tinh là giống bưởi chỉ có tại thôn La Tinh, xã Đông La (huyện Hoài Đức).

Chia sẻ rõ hơn về giống bưởi đặc sản này, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, bưởi đường La Tinh có độ brix (ngọt) đạt 13-14%; đặc biệt là không he, ăn ngon, ngọt và giòn tôm.

Cũng theo bà Hòa, Hà Nội có khoảng 12 giống bưởi khác nhau. Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện "Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021-2025" trên 30 mẫu bưởi đường La Tinh trồng tại xã Đông La và 40 mẫu bưởi đối chứng. Kết quả, xét ở độ brix và đường tổng số, bưởi đường La Tinh đều cao hơn hẳn các loại bưởi đối chứng là bưởi Diễn, bưởi Quế Dương và bưởi Sửu. Ở chỉ tiêu độ brix, các loại bưởi đối chứng có giá trị trung bình từ 9,52-12,14%, thấp hơn bưởi đường La Tinh từ 10,83-30,08%. Còn với chỉ tiêu đường tổng số, bưởi đường La Tinh cao hơn các giống đối chứng từ 22,31-32,84%. Chính vì vậy, bưởi đường La Tinh có vị ngọt ít loại bưởi nào sánh kịp.

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 7.

Những gốc bưởi La Tinh lâu năm rất sai quả và có giá trị. Ảnh: T.L

Với nhiều ưu điểm vượt trội, bưởi La Tinh có giá bán khá cao. Theo người dân trồng bưởi La Tinh, mỗi quả bán 20.000-30.000 đồng, trung bình mỗi cây thu được 10 triệu đồng/vụ, cao nhất có cây cho tới 17,5 triệu đồng. Do vậy, chỉ cần vài cây bưởi là người dân cũng có thu nhập ổn định, bảo đảm đời sống.

Tuy nhiên, diện tích trồng bưởi đường La Tinh Hoài Đức đang ngày càng thu hẹp, do quá trình đô thị hóa nhanh. Do đó, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng chương trình khôi phục, bảo tồn và nhân rộng giống bưởi này.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, việc hoàn thành chỉ dẫn địa lý cho giống bưởi quý này, góp phần bảo tồn nguồn gen bản địa quý, thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua việc gắn kết công tác bảo tồn với phát triển du lịch nông nghệp, tạo ra sản phẩm truyền thống bền vững, đa giá trị, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với vùng ven đô của thành phố Hà Nội.

Quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi Thủ đô

Nằm trong khuôn khổ chương trình Lễ hội nông sản thành phố Hà Nội năm 2023, ngày 28/12 vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức chung khảo Hội thi tìm hiểu khoa học kỹ thuật, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi Hà Nội lần thứ 2.

Theo đó, bước vào vòng chung khảo Hội thi bưởi của Hà Nội có 6 đội dự thi gồm đại diện các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phúc Thọ và Ba Vì. Hội thi có 4 hợp phần: Giải vườn xuất sắc nhất, giải phần thi kiến thức tốt nhất, giải trưng bày gian hàng đẹp nhất và phần trình diễn văn nghệ phụ họa.

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 8.

Các thành viên trong đội thi đến từ Ba Vì tham gia vào vòng chung khảo Hội thi bưởi của Hà Nội. Ảnh: H.L

Qua các nội dung thi, các đội mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc, câu trả lời cùng những kinh nghiệm chia sẻ về kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch bưởi, gian hàng trưng bày bắt mắt…

Kết quả, giải Đặc biệt thuộc về huyện Hoài Đức, 1 giải Nhất thuộc về huyện Phúc Thọ, 2 giải Nhì thuộc về huyện Đan Phượng và Sóc Sơn, 2 giải Ba thuộc về huyện Ba Vì và Ứng Hòa, 6 giải Khuyến khích.

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 9.

Gian hàng trưng bày của đội thi đến từ huyện Đan Phượng. Ảnh: H.L

Nhiều sự kiện đặc sắc trong lễ hội nông sản thành phố Hà Nội 2023 - Ảnh 10.

Gian hàng trưng bày của huyện Sóc Sơn. Ảnh: H.L

Ngoài ra, giải tôn vinh được trao cho các cá nhân có vườn tiêu biểu như: Giải Nhất thuộc về vườn Nguyễn Thị Quyền ở xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng); 2 giải Nhì thuộc về: Trần Thị Dần, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức), Cao Văn Ngân, xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ); 3 giải ba thuộc về: Đỗ Văn Bình, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa), Lê Hữu Diện xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ), Nguyễn Văn Lập, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) và 30 giải Khuyến khích…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem