dd/mm/yyyy

Lão nông vùng cao thu lãi 300 triệu đồng nhờ nuôi cả trăm con lợn

Thông qua các lớp tập huấn của Hội Nông dân, ông Lò Văn Thịnh, bản Sao Và, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi lợn. Nhờ cách làm này, mỗi năm, ông Thịnh "bỏ túi" 300 triệu đồng.

Trong chuyến công tác đến với xã Mường Khiêng, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt được Hội Nông dân xã giới thiệu về trang trại nuôi lợn của ông Lò Văn Thịnh ở bản Sao Và.

Nông dân vùng cao lãi 300 triệu đồng nhờ nuôi cả trăm con lợn - Ảnh 1.

Nhờ biết cách tận dụng tối đa nguồn thức ăn có sẵn tại chỗ, ông Thịnh đã giải quyết được bài toán chi phí.

Qua giới thiệu được biết, ông Thịnh là một trong những gương nông dân điển hình trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm, nâng cao cho người dân tại các cơ sở, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Từ UBND xã Mường Khiêng di chuyển khoảng 2km trên con đường nhựa phẳng phiu, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi lợn nái và lợn thịt thương phẩm của ông Thịnh. Hôm đến, đúng lúc ông Thịnh đang tất bật phun nước tắm cho đàn lợn.

Nông dân vùng cao lãi 300 triệu đồng nhờ nuôi cả trăm con lợn - Ảnh 2.

Chuồng trại nuôi lợn nhà ông Thịnh luôn luôn sạch sẽ, thoáng mát.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thịnh kể: "Sau khi học xong phổ thông, tôi theo học ngành Chăn nuôi thú y của Trường Trung cấp nông lâm Tây Bắc ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La (nay là Trường Cao đẳng nông lâm Sơn La).

Sau khi ra trường, ông Thịnh làm cán bộ kỹ thuật cho một doanh nghiệp nuôi bò nhốt chuồng trên địa bàn huyện. Sau vài năm làm cho doanh nghiệp, ông Thịnh nhận thấy đồng lương chỉ đủ nuôi sống bản thân chứ không thể làm giàu được.

Trở về nhà, ông Thịnh luôn khát khao làm giàu trên quê hương mình. Bằng kiến thức đã được trang bị trên ghế nhà trường cộng với kinh nghiệm từng làm cán bộ kỹ thuật cho một doanh nghiệp chăn nuôi, đặc biệt thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lợn của Hội Nông dân các cấp, ông Thịnh quyết tâm mở trang trại nuôi lợn.

Nông dân vùng cao lãi 300 triệu đồng nhờ nuôi cả trăm con lợn - Ảnh 3.

Đàn lợn được ông Thịnh chăm bẵm theo đúng kỹ thuật nên phát triển rất tốt.

Từ số vốn tiết kiệm của gia đình, ban đầu ông Thịnh mua 6 con lợn nái về nuôi. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, qua nhiều năm, đàn lợn của ông Thịnh đã phát triển lên đến hàng trăm con. Khu chuồng trại nuôi lợn của ông Thịnh được chia thành 3 dãy chuồng. Mỗi dãy chia thành 5 ô, mỗi ô rộng 20m2. Dãy chuồng đầu tiên ông Thịnh nuôi lợn nái. Hai dãy kế tiếp nuôi lợn thương phẩm. Đàn lợn con nào con nấy đều to béo, khỏe mạnh.

Tiết lộ kỹ thuật nuôi lợn, ông Thịnh bảo: "Ngoài việc cung cấp thức ăn đầy đủ cho đàn lợn, cần chú ý đến công tác vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh theo định kỳ. Bên cạnh đó, gia đình tôi luôn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi của cán bộ Hội Nông dân... Nhờ vậy, năm 2019, gia đình tôi xuất bán khoảng 10 tấn lợn hơi ra ngoài thị trường. Với giá bán 60.000 đồng/kg, cho doanh thu 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thuốc thang, nhân công, thức ăn, lãi trên 300 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi dự kiến xuất bán trên 10 tấn lợn ra thị trường”.

Nông dân vùng cao lãi 300 triệu đồng nhờ nuôi cả trăm con lợn - Ảnh 4.

Theo ông Thịnh, khâu quan trọng nhất trong nuôi lợn là phải tiêm phòng đầy đủ để phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, hiện nay, trang trại nuôi lợn của ông Thịnh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông Thịnh còn mở cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho người dân sở tại.

Theo ông Thịnh, để giảm chi phí, gia đình tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, như: Bột ngô, sắn, cây chuối, rau rừng… Cùng vói đó, gia đình ông Thịnh còn làm đậu phụ, vừa giúp tăng thêm thu nhập, vừa tận dụng nước đậu, bã đậu, váng đậu cung cấp thức ăn cho đàn lợn.

Nông dân vùng cao lãi 300 triệu đồng nhờ nuôi cả trăm con lợn - Ảnh 5.

Ông Thịnh cho biết: "Đối với lợn thương phẩm chỉ cần nuôi từ 3 - 4 tháng là xuất bán được ra thị trường".

 Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Quàng Văn Hỏa – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Khiêng, cho biết: "Trước đây, gia đình ông Thịnh có hoàn cảnh khá khó khăn. Nhưng bằng sự cần cù, chịu khó, từ nuôi lợn, gia đình ông Thịnh đã vươn lên thành hộ khá giả. Ông Thịnh là gương nông dân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Qua đó, hộ gia đình ông Thịnh đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền xã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sở tại trong xây dựng nông thôn mới".

Tuệ Linh