Lạng Sơn: Gian nan trong bảo tồn làng nghề dệt vải thêu tay truyền thống

Chang Liễu Thứ bảy, ngày 23/06/2018 06:16 AM (GMT+7)
Nghề dệt vải thêu tay ở Co Cam, xã Hòa Cư, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã từng là niềm tự hào của cả làng khi có các Dự án của nước ngoài về với bản nghèo. Tuy nhiên, hiện làng nghề dệt vải này đang dần bị mai một bởi những sản phẩm thêu dệt truyền thống giờ chỉ còn lại trong hồi ức của các già làng, hoặc may mắn một vài người biết và giữ nghề.
Bình luận 0

Cách TP. Lạng Sơn chừng 10km, chúng tôi đến thăm một vùng quê yên bình. Nếu trước đây, nơi này từ sáng sớm đến chiều muộn đều văng vẳng tiếng thoi đưa của các khung cửi từ những nếp nhà cổ kính thì giờ đây, dọc theo con đường vào thôn là tiếng máy cày, máy nổ, máy xay xát. Đâu đó trên bậc thềm của một vài ngôi nhà nhỏ chúng tôi vẫn may mắn được nghe tiếng kẽo cà, kẽo kẹt đều đều được phát ra từ khung dệt.

img

Tiếng khung cửi tại nơi vốn là làng nghề nổi tiếng giờ đây đã vắng dần.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề dệt có từ bao giờ và do ai truyền lại đến nay vẫn là một câu hỏi, chỉ biết rằng, từ lâu lắm rồi người làng Co Cam đã thạo nghề canh cửi.

Việc thêu thùa với con gái người Nùng nơi đây trước kia rất được coi trọng, nhìn vào từng đường kim mũi chỉ có thể biết được đâu là cô gái khéo léo, đảm đang. Khi về nhà chồng họ sẽ mang theo chăn, gối tự làm và coi đó như “của hồi môn” cho hạnh phúc lứa đôi. Tất cả họa tiết thổ cẩm đều được thêu tay trên nền vải chàm truyền thống. Đó là sự cách điệu họa tiết hình hoa lá, mặt trời.

img

Người thợ dệt đang dệt khăn quấn đầu nhiều màu sắc của người Nùng Phàn Sình.

Tìm đến nhà người “nghệ nhân” duy nhất đang còn gắn bó với nghề, ông Chu Minh Lợi buồn rầu tâm sự: “Trước đây làng này nổi tiếng trồng dâu, nuôi tằm dệt vải và cho ra những sản phẩm thêu tay mang đậm nét văn hóa phong tục của người Nùng (Nùng Phàn Sình). Nhưng do sự phát triển của ngành công nghiệp dệt hiện đại người đồng bào dân tộc thiểu số dần thay những sản phẩm bằng công nghiệp. Chính vì thế, những bộ quần áo thổ cẩm truyền thống ngày càng ít xuất hiện trong đời sống hàng ngày”.

img

Mặc dù đã ngoài 60 nhưng hàng ngày ông Lợi vẫn miệt mài bên chiếc máy khâu, may những chiếc gối, túi vải hay khăn để kịp giao cho khách đặt.

Cũng vì lẽ đó, trước những thềm nhà của đồng bào ở đây vắng dần đi hình ảnh những người phụ nữ miệt mài ngồi hàng giờ với sản phẩm thổ cẩm cùng tiếng khung dệt nghe đều đều. Ngay cả những người cao tuổi trước đó mặc quần áo chàm cả ngày, nay cũng cất trang phục truyền thống vào rương, hòm.

Đã hơn 20 năm gắn bó với nghề, ông Lợi luôn suy nghĩ cách khôi phục lại nghề truyền thống ông cha để lại. “Để làm ra một sản phẩm có hoa văn thêu tay đẹp đòi hỏi ở người làm sự tỉ mỉ, kiên trì và tâm huyết nghề. Trung bình người làm phải mất một ngày mới thêu xong một chiếc vỏ gối nhưng đầu ra cho sản phẩm thì hạn hẹp, công trả cho mỗi sản phẩm chỉ từ 15-20 nghìn đồng”, ông Lợi thông tin.

img

Hiếm hoi những sản phẩm ông chuẩn bị giao cho khách hàng ở Hà Nội.

 "Có lẽ mà vì thế ít người còn mặn mà với việc làm sản phẩm thêu thủ công trên vải chàm. Những chiếc túi vải, khăn, gối... không còn xuất hiện trong cuộc sống hiện đại mà thay vào đó là sản phẩm may sẵn. “Không còn ai mặc quần áo Nùng Phàn Sình xịn nữa. Họ mua vải kẻ may áo, vải phin bóng may quần cũng kiểu dáng truyền thống, nhưng chất liệu thay đổi, tất cả đều là vải công nghiệp. Bọn trẻ trong làng bây giờ chủ yếu đi làm công ty, không còn ai mặn mà với nghề này nữa”, ông Lợi buồn bã nói.

img

Những chiếc túi vải được các bà, các mẹ thêu tay những họa tiết cách điệu hình hoa lá rực rỡ sắc màu.

Bên khung cửi, chị Lộc Thị Bé cho biết: “Giờ chẳng còn mấy ai ngồi bên khung cửi nữa. Cũng chẳng còn ai làm ra được những tấm vải chàm như xưa. Mọi thứ bây giờ đều là sản xuất công nghiệp, chỉ là còn thêu tay các họa tiết và may theo kiểu dáng trang phục dân tộc”.

img

Chị Bé cũng đang trau chuốt đường kim, mũi chỉ cho chiếc túi chị đang làm cho khách hàng.

Thông thường phụ nữ người Nùng Phàn Sình khi thêu không mấy khi sử dụng đến khung thêu. “Người nào thêu càng đều, càng đẹp thì càng thể hiện được khả năng tư duy, bàn tay khéo léo trên nền chàm, nên từ trước đến nay tôi vẫn thêu trơn như thế này”, chị Bé chia sẻ.

img

Những bộ quần áo, túi vải và khăn quấn đầu của người Nùng Phàn Sình luôn rực rỡ sắc màu.

Trao đổi với Dân Việt ông Hoàng Văn Văn Đông, phó Chủ tịch xã Hòa Cư (Cao Lộc) cho biết: Trên địa bàn có làng Co Cam trước đây nổi tiếng với nghề dệt vải thêu tay. Nơi đây cũng đã từng được các tổ chức nước ngoài đầu tư, hỗ trợ máy móc để người dân sản xuất nhưng đến nay dự án này cũng chìm dần vào lãng quên. Một trong những nguyên nhân đó là do các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào làm ra không cạnh tranh được với các sản phẩm làm theo hình thức công nghiệp. Với phương thức sản xuất thủ công truyền thống để tạo ra được một sảm phẩm họ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức dẫn tới chi phí giá thành cao, trong khi đó các sản phẩm được sản xuất theo phương thức công nghiệp ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, giá thành thấp, người dân dễ dàng chọn mua các sản phẩm ở bất cứ đâu.

Mặt khác, các ngành nghề sản xuất thủ công truyền thống ở đây diễn ở phạm vi gia đình là chủ yêu, chưa mang tính hàng hoá cao và còn bị lệ thuộc vào yếu tố đầu ra cho sản phẩm. Các sản phẩm sản xuất ra không bán được sẽ không mang lại nguồn thu nhập cho gia đình dẫn tới họ không thiết tha với nghề nữa mà tự chuyển sang làm các nghề khác. 

Chính quyền địa phương đã đến tuyên truyền, vận động người dân tích cực giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này. Đồng thời cũng tìm kiếm đầu ra, tăng cường quảng bá các sản phẩm do bà con làm ra tại các Hội chợ triển lãm, phòng trưng bày với mong muốn duy trì và khôi phục nghề may dệt truyền thống của người Nùng nơi đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem