Làng ngựa bạch “lên hương”

Thứ hai, ngày 04/07/2011 14:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngựa bạch đang trở thành vật nuôi đem lại lợi nhuận cao cho hàng trăm hộ ND xã Dương Thành, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Nhờ ngựa bạch mà Dương Thành ngày càng “lên hương”.
Bình luận 0

Dương Thành nằm trong vùng bán sơn địa. Nuôi ngựa là truyền thống của người dân trong xã. Trước kia, người dân thường nuôi ngựa nâu, ngựa xám, ngựa bạch cũng có nhưng hiếm. Và dù là ngựa màu gì cũng phục vụ cày ruộng, kéo xe, hoặc làm thịt. Nuôi ngựa bạch mới thành phong trào ở Dương Thành hơn chục năm nay.

Hướng đi mới của Dương Thành

img
Nhờ nuôi ngựa bạch, gia đình ông Dương Văn Thặng đã có thu nhập khá.

Ông Dương Văn Thặng, một trong những hộ nuôi nhiều ngựa bạch nhất trong xã (lúc nhiều có 10 con, ít cũng 5 con), cho biết: “Ngựa nâu, ngựa xám giá tiền chỉ gần bằng con trâu, con bò. Ngựa bạch là ngựa thuốc, ngựa nấu cao nên giá trị gấp chục lần ngựa thường. Bình quân, mỗi con ngựa bạch sinh lời hơn 1 triệu đồng/tháng. Nuôi ngựa bạch giờ là hướng đi mới của tôi cũng như nhiều hộ ở Dương Thành”- ông Thặng thổ lộ.

Theo một chủ hộ nuôi ngựa bạch thực tế, một con ngựa bạch 3 tháng tuổi, ngựa đực giá 30 triệu đồng, ngựa cái từ 24-25 triệu đồng/con. Ngựa giống 3 tháng tuổi nuôi 1,5 năm bán. Lúc đó, ngựa đực giá 60-70 triệu đồng/con, ngựa cái giá 50 triệu đồng/con. Ngựa cái nuôi 1,5-2 năm động dục, mang thai 12 tháng thì đẻ. Trâu, bò giống con đực rẻ hơn con cái; ngựa bạch ngược lại, con cái rẻ hơn con đực, bởi ngựa bạch đực “lốt” (khung), tim to, xương nhiều hơn ngựa cái.

Theo anh Dương Văn Bách, một trong những hộ nuôi ngựa bạch có tiếng ở xã Dương Thành: Ngựa bạch đúng tiêu chuẩn phải đáp ứng được “4 trắng” (da trắng, lông trắng, móng trắng và mõm trắng). Đồ ăn, thức uống, kỹ thuật nuôi ngựa bạch giống nuôi ngựa nâu, ngựa xám. Nhưng đến kỳ động dục, ngựa đực, cái phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo ngựa đực phối giống phải là ngựa bạch. Nếu lỡ may, ngựa đực phối giống là ngựa nâu, ngựa xám coi như “xôi hỏng bỏng không”, bởi ngựa con sinh ra chẳng đáng mấy đồng”.

Lo thiếu vốn

Đầu năm 2011, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên giải ngân hơn 200 triệu đồng vốn Quỹ HTND cho 21 hộ hội viên xã Dương Thành vay chăn nuôi ngựa bạch.

Xã Dương Thành có 20 thôn, xóm; thôn, xóm nào cũng có gia đình nuôi ngựa bạch. Số lượng ngựa bạch trong xã hiện ước khoảng hơn 600 con. Gọi ước khoảng, vì vài năm trở lại đây, Dương Thành không chỉ là nơi nuôi, sinh sản mà còn là điểm buôn bán, trung chuyển ngựa bạch.

Ông Dương Văn Bách, một người có tiếng về nuôi ngựa bạch thương phẩm ở Dương Thành, cho biết: “Ngựa bạch mua từ Trung Quốc qua ngả Cao Bằng. Ngựa bạch qua biên giới phải làm thủ tục hải quan, kiểm dịch thú y...”.

Những năm trước, một số hộ nuôi ngựa bạch quy mô trên 4 con tập hợp lại thành hội nuôi ngựa bạch. Đầu năm 2011, xã Dương Thành thành lập HTX chăn nuôi ngựa bạch do ông Dương Văn Bộ làm chủ nhiệm với 48 thành viên, tổng đàn ngựa bạch hơn 100 con.

“HTX xác định phát triển theo 4 hướng chính: Bảo tồn gen ngựa bạch; nâng số lượng, chất lượng ngựa thương phẩm; mở dịch vụ buôn bán ngựa và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch. Với việc bảo tồn gen, HTX đã ký hợp đồng 4 năm với Đại học Nông Lâm Bắc Giang phát triển mô hình nuôi ngựa sinh sản với 12 con ngựa giống chuẩn...” - ông Bộ, cho hay.

Theo ông Bộ, cái khó của HTX cũng như những hộ muốn chăn nuôi ngựa bạch là thiếu vốn. Nuôi ngựa bạch lãi lớn, nhưng vốn đầu tư ban đầu tới vài chục triệu đồng không phải hộ nào cũng lo nổi, trong khi vay vốn thương mại rất khó.

Ông Dương Văn Thặng - Phó Chủ nhiệm HTX bày tỏ: “HTX rất cần các cơ quan, ban ngành chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn chúng tôi xây dựng, đăng ký thương hiệu, phân tích chất lượng các sản phẩm chế biến từ ngựa bạch. Nghề nuôi ngựa bạch có phát triển, mở rộng được, các sản phẩm chế biến phải có thương hiệu, đăng ký chất lượng...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem