Làng của những người lính làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ bên dòng sông Nậm Rốm

Vinh Duy Thứ ba, ngày 06/07/2021 05:19 AM (GMT+7)
4 năm sau ngày chiến thắng giải phóng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954), năm 1958, theo Quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, đơn vị C5 - D10 - E176 - F316 được lệnh trở lại Ðiện Biên nhận nhiệm vụ phát triển kinh tế trên quê hương mới...
Bình luận 0

Clip: Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chứa (Điện Biên) kể lại hồi ức chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa...

Thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) được biết đến với trận Điện Biên Phủ năm 1954 "Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu", giữa quân đội Việt Minh (do tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy) và quân đội Pháp (do tướng Christian de Castries chỉ huy). 

Cuộc chiến mang ý nghĩa rất lớn trong việc kết thúc vai trò của người Pháp ở bán đảo Đông Dương và đưa tới việc ký kết hiệp định chia Việt Nam ra thành 2 miền: Bắc và Nam. 

Những người chiến sĩ làm lên Điện Biên hôm nay   - Ảnh 2.

CCB Nguyễn Văn Chứa, thôn C17, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cùng nhiều chiến sĩ khác sau ngày giải phóng đã chọn ở lại xây dựng Điên Biên giàu đẹp. Ảnh: Thu Hường.

 4 năm sau ngày giải phóng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954), theo Quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, năm 1958, đơn vị C5 - D10 - E176 - F316 được lệnh trở lại Ðiện Biên nhận nhiệm vụ phát triển kinh tế trên quê hương Điện Biên.

Với khẩu hiệu "Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy Nông trường làm gia đình", hầu hết cán bộ, chiến sĩ đã về quê đưa vợ, con lên xây dựng Nông trường. Với tất cả lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, các chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa tiếp tục bước vào "trận chiến" mới, trận chiến "xóa đói nghèo" trên nền chiến trường mà họ từng chiến đấu kiên trung.

Hồi ấy, Ðiện Biên đâu đâu cũng là ngút ngàn rừng cây, cỏ dại, những người chiến sĩ năm ấy trần lưng ra chặt cây dựng nhà, cuốc đất làm nương khai hoang, phục hóa. Tạo chốn an cư lạc nghiệp. Bắt đầu cuộc sống trên mảnh đất hằn đầy vết thương bom đạn để lại. Những ngôi làng mới bắt đầu mọc lên trên dải đất vẫn còn đầy mùi thuốc súng.

Nhiệm vụ đầu tiên và nguy hiểm là rà phá bom mìn còn sót sau chiến tranh. Do thực hiện bằng phương pháp thủ công nên trong quá trình rà phá, đã có nhiều đồng chí hy sinh. 

Nhưng sau những hy sinh mất mát, mảnh đất Ðiện Biên Phủ ác liệt ngày nào đã không phụ công những người chiến sĩ. Cánh đồng Mường Thanh đã có nước sản xuất làm nên những mùa vàng bội thu. 

Dòng sông Nậm Rốm trong xanh ăm ắp nước tưới tiêu khắp cánh ruộng gần xa. Hoa đã nở thắm, lá đã xanh trở lại trên quê hương Điện Biên Phủ anh hùng... Tất cả những thành quả có được không chỉ đổi bằng mồ hôi, nước mắt, công sức mà còn là cả máu của những người đồng chí, đồng đội.

Những người chiến sĩ làm lên Điện Biên hôm nay   - Ảnh 4.

Những người chiến sĩ năm xưa, sau hàng chục năm làm kinh tế giỏi, lại trở thành "cây cao bóng cả", tiếp tục xây dựng quê hương Điện Biên giàu đẹp. Ảnh: Thu Hường.

Ðiện Biên Phủ hôm nay đã là thành phố mới, trẻ trung, năng động, cánh đồng Mường Thanh đã trở thành vựa lúa lớn của Tây Bắc. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự góp sức của những người lính trên mặt trận phát triển kinh tế. 

Đặc biệt là sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội, đời sống của 19 dân tộc anh em đã có nhiều khởi sắc, no ấm, đủ đầy hơn. 

Ðiện chiếu sáng, đường nhựa, trường học, trạm y tế… đã được phủ hầu hết đến các bản, mường xa xôi, hẻo lánh, tạo tiền đề vững chắc để người dân sinh sống và phát triển sản xuất.

Từ nghèo đói, lạc hậu, nhiều hộ gia đình các chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ đã vươn lên khá giả, nhà cửa khang trang, con cái được cắp sách đến trường, gia đình ấm no, hạnh phúc… Ðiều đó càng tô thắm thêm niềm tin sắt son của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng trên quê hương Ðiện Biên.

Những người chiến sĩ làm lên Điện Biên hôm nay   - Ảnh 5.

Người lính bộ đội cụ Hồ, dù trong thời chiến hay thời bình đều hăng say chiến đấu và sản xuất. Ảnh: Thu Hường.

Ông Nguyễn Văn Chứa (sn 1930 – Quê: Huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) trú tại thôn C17, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bồi hồi kể lại: Còn nhớ, những ngày sau giải phóng, chúng tôi quay lại mảnh đất Điện Biên Phủ làm nông trường, xây dựng vùng kinh tế mới, gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. 

Tôi được phân công về đội lái xe trong nông trường, vào mùa mưa đi từ Điện Biên Phủ ra đến huyện Tuần Giáo mất đến 3 ngày. Đường đi khó khăn với nhiều dốc cao, vực sâu, cua tay áo nguy hiểm vô cùng.

Nếu đi từ Điện Biên đến Hà Nội thì là cả quãng đường dài, có lúc đi đến một tháng mới tới nơi. Xe ô tô ngày xưa đều cũ kỹ, ngồi trong xe mà như ngồi ngoài trời, nắng cũng tới mặt mà mưa thì cũng ướt hết cả người.

Điện Biên Phủ anh hùng hôm nay đã khác nhiều với các tuyến đường được mở mới, rải nhựa, bê tông vào tận các thôn, bản. Quốc lộ 279 được cắt cua, mở rộng, đi thuận tiện, nhanh chóng và an toàn. Giao thông từ thành phố đến trung tâm các huyện, thị cơ bản đã thuận lợi, giờ muốn đi các tỉnh miền xuôi đã có nhiều chuyến xe khách giường nằm chất lượng cao chạy hàng ngày.

Ngày trước, khi chúng tôi mới trở lại Điện Biên, dựng làng bản mới, không chỉ thiếu lương thực mà rau xanh cũng rất hiếm. Nhưng trong cái khó khăn ấy, chúng tôi xác định phải đồng lòng xây dựng chiến trường Điện Biên thành quê hương mới của mình. 

Mà quê mới là phải giàu đẹp, văn minh. Chúng tôi phải về tận huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) và các tỉnh miền xuôi xin hạt rau, cây giống lên trồng. Ngày nay, người dân đã chủ động được lương thực, thực phẩm. 

Không chỉ có các giống cây phổ biến mà còn không ít nông sản đặc trưng vùng miền cũng được bà con mua giống, lai ghép trồng thử nghiệm và cho thu hoạch tốt. Trước đây bà con thường xuyên thiếu đói, lúa chỉ trồng 1 vụ/năm. Từ 1.000m2 chỉ thu hoạch được 2 - 3 tạ thóc, bây giờ đạt đến 7 - 8 tạ, gạo không chỉ đủ ăn mà còn thành nông sản nổi tiếng, xuất đi khắp nơi. Từ đó, đời sống nhân dân ấm no, đầy đủ hơn.

Những năm đầu xây dựng nông trường, cả khu chỉ có 1 ngôi nhà ngói, còn lại đều là nhà gianh vách đất, ngày nay thì nhà xây cao tầng kiên cố, tiện nghi, mọc lên san sát nhau. Điện thắp sáng khắp các thôn xóm, người dân cơ bản đã được dùng nguồn nước sạch.

Những người chiến sĩ làm lên Điện Biên hôm nay   - Ảnh 6.

Dù đã bước qua tuổi 90 nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn đóng góp công sức mình cho công cuộc phát triển đất nước. Ảnh: Thu Hường.

Còn nữa, những năm 50, 60 ấy nhận thức của người dân còn rất hạn chế, rất ít người biết chữ và còn duy trì nhiều tập tục cổ hủ, lạc hậu. Cũng có không ít thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng sự hiểu biết hạn chế của người dân để lôi kéo, xúi giục họ đi theo những đường sai, ngõ cụt, thay đổi tín ngưỡng tôn giáo, tâm linh...

Nhưng lực lượng cựu chiến binh chúng tôi đã đồng lòng tuyên truyền, giác ngộ, vận động để bà con hiểu được lẽ phải, phân biệt được đúng - sai, tôn thờ nét đẹp văn hoá của cha ông nên bản làng không chỉ ngày thêm giàu đẹp mà còn bình an. Ðến nay thì  nhận thức người dân các dân tộc cũng ngày một nâng cao, xã hội ngày càng phát triển.

Với những thay đổi của Điện Biên hôm nay, tôi và các đồng đội tôi cảm thấy vui và vô cùng tự hào, nó xứng đáng với những hi sinh của đồng đội và cống hiến của những chiến sĩ - cán bộ nông trường chúng tôi. Chúng tôi cũng bảo ban con cháu mình tiếp tục sự nghiệp bảo vệ đất nước, chăm lo xây dựng bản làng, quê hương mới của mình ngày một tươi sáng hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem