Làm vui lòng Đại Việt, vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới

Anh Tú Thứ hai, ngày 22/04/2019 20:32 PM (GMT+7)
Việc vua Lê Hoàn lên ngôi thì trong giới sử học đời sau còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, các sử gia đời sau đều phải thừa nhận vua Lê Đại Hành là người giỏi việc dùng binh mà cũng là người rất cương quyết trong vấn đề ngoại giao.
Bình luận 0

Như từng đề cập, vua Lê Đại Hành từng có hành động hù dọa sứ giả nhà Tống khiến họ về nước mà tim đập chân run, khiến vua Tống cũng phải thầm khiếp sợ sức mạnh quân sự nhà Tiền Lê. Nhưng vua Lê Hoàn không dừng lại ở hù sứ giả mà còn đem quân nắn gân nhà Tống.

img

Ảnh minh họa.

Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: Bấy giờ (năm 996) nhà Tống ngại việc chinh chiến, vua cậy có núi biển hiểm trở, hơi buông thả cho dân biên giới lấn cướp vào cõi của nhà Tống. Mùa xuân năm ấy, Chuyển vận sứ Lộ Quảng Tây nước Tống là Trương Quan, Binh mã giám áp trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu rằng chiến thuyền của Giao Chỉ hơn trăm chiếc, xâm phạm trấn Châu Hồng, cướp bóc cư dân và lương thực rồi đi.

Nếu chỉ dựa vào đoạn này thì khó biết được vua Lê Hoàn có cho người sang Tống quấy rối hay là quan quân nhà Tống báo cáo bậy. Nhưng về sau, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thừa nhận: Bấy giờ nhà vua dong túng dân nơi biên giới lấn cướp bờ cõi nhà Tống. Chuyển vận sứ Quảng Tây lộ là Trương Quan, và binh mã giám áp ở trấn Như Hồng là Vệ Chiêu Mỹ đem việc đó tâu về triều, vua Tống ý muốn vỗ về cho yên, nên cũng bỏ qua không hỏi đến.

Thêm chi tiết nữa cho thấy vua Lê Hoàn bật đèn xanh cho việc để quân vượt biên vào Tống là chi tiết được Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận: "Mùa hạ năm ấy, châu Tô Mậu nước ta lại đem 5 nghìn hương bình xâm lược Ung Châu nước Tống". Riêng chữ lại ở câu trên là đủ thể hiện trước đó đã có chuyện đưa quân vào Tống. Hơn nữa, mang đến 5.000 quân vào đất Tống thì khó có chuyện không thỉnh thị ý kiến từ Hoa Lư (lúc đó kinh đô nước ta vẫn là Hoa Lư).

Những chi tiết đó chứng tỏ vua Lê Hoàn rất coi thường quan quân nhà Tống, sau khi đã đánh tan quân Tống, giết chết tướng giặc Hầu Nhân Bảo năm 981. Ngoài vụ khủng bố tinh thần sứ giả về sức mạnh quân sự Đại Việt khi đó thì vua Lê Hoàn còn rất chịu khó sang thông tin cho nhà Tống những vụ quân ta đánh tan quân Chiêm Thành để cho nhà Tống thấy sức mạnh Đại Việt khi đó, dập tắt dã tâm.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Năm ấy (Đinh Dậu, 997), nước Chiêm Thành cướp nơi biên giới. Nhà vua đi đánh, quân Chiêm thua chạy, mới đem sản vật địa phương sang biếu nhà Tống, nhân tiện dâng biểu đại lược nói: "Giao Châu chúng tôi giáp giới với Chiêm Thành, trong một hai năm nay, Chiêm Thành thường khuấy rối miền lân cận, cướp nhà thuế hộ, xâm lấn lương dân; nước tôi thường phải dùng đến binh khí để ngăn cản chúng". Nhà Tống đáp lại một cách ưu hậu, ban cho đai ngọc, áo giáp và ngựa.

Vì vua Tống ngại sức mạnh quân sự Đại Việt nên dù quan lại báo cáo việc Lê Hoàn cho quân khiêu khích ở biên giới cũng không dám làm gì. Khi sứ nhà Tống sang có ý trách móc việc này thì vua Lê Hoàn đáp rất kẻ cả rằng: "Trước đây xảy việc cướp trấn Như Hồng là do giặc ở ngoài biên giới, chẳng hay hoàng đế có biết cho không? Giả sử Giao Châu chúng tôi nổi lên chống lại, thì trước hết kéo sang Quảng Châu, rồi vào mọi quận ở Mân Châu, chứ có khi nào chỉ nhằm một trấn Như Hồng mà thôi?".

Vua Tống là thế nhưng các tướng ngoài biên giới thì không, tìm cách kiếm chuyện với nước ta. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: (997) Trương Quan lại dâng thư nói rằng nhà vua bị họ Đinh xua đuổi, thu nhặt đám quân còn sót, ra ở nơi hải đảo, cướp bóc để độ thân, nay đã mất rồi. Vua Tống sai thái thường thừa là Trần Sĩ Long làm Thái phóng sứ, sang dò hư thực, mới biết những lời Trương Quan đều dối trá cả, bèn xuống chiếu nghị tội bọn Trương Quang. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ hơn: Nhà Tống xử tội bọn Trương Quan, Quan đã ốm chết, chém Vệ Chiêu Mỹ ở trấn Như Hồng.

Bằng cách này, nhà Tống muốn cho Đại Việt thấy họ không dung túng cho các viên tướng ngoài biên xách động bang giao hai nước. Vua Lê Đại Hành nhận thấy nhà Tống không còn dám vọng động đến Đại Việt nên cũng không cần phải làm phép thử nắn gân nào thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem